Theo thông báo của phía Nhà máy thủy điện An Khê – Kanat, lưu lượng xả lũ sẽ từ 200 m3/s đến 600 và hơn 1.000 m3/s. Từ 23 giờ ngày 1.11, thủy điện bắt đầu xả lũ. Nhiều vùng dọc sông Ba nước lên nhanh. Một số khu vực ở các huyện Kon Chro, Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa bị ngập cục bộ.
Chính quyền và lực lượng chức năng ở khu vực này khẩn trương chuẩn bị các phương án ứng phó, di dời dân ra các vùng nguy hiểm. Nhiều diện tích hoa màu, lúa nước của người dân bị ngập trong nước. Mực nước trên sông Ba đoạn qua thị xã Ayun Pa vào sáng 3.11 lên mức báo động 3.

tin liên quan
Thủ tướng yêu cầu thủy điện không xả lũ bất ngờThủ tướng yêu cầu vận hành chủ động, an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, không để tình trạng xả lũ bất ngờ, lũ chồng lũ.

Một số lãnh đạo của các huyện, thị ở Gia Lai cho biết chỉ nhận tin nhắn thông báo vài giờ trước khi thủy điện xả lũ nên công tác chuẩn bị, ứng phó gặp bị động.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, cho biết: “Chúng tôi nhận được tin (xả lũ - NV) vào khoảng 21 giờ 30 ngày 1.11 và 1 giờ ngày 2.11 là thủy điện xả lũ. Đến 5 giờ 30 ngày 2.11 chúng tôi mới nhận bản tin qua mạng một cách chính thức. Chúng tôi bị động trong công tác ứng phó”.

Theo tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ sáng 2 - 3.11, khu vực phía đông và đông nam Gia Lai có mưa to, lượng mưa ở thị xã An Khê hơn 155 mm, thị xã Ayun Pa, H. Krông Pa khoảng 120 mm. Mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ khiến nước sông Ba đang lên nhanh. Nước sông Ba làm ngập hơn 500 m Quốc lộ 25, đoạn qua xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa), khiến việc lưu thông bị ngưng trệ.
Hiện cao trình của hồ chứa thủy điện Kanat đạt mức 509 m (315 triệu m3 nước) và hồ chứa An Khê là 429 m (15 triệu m3 nước). Nếu nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, bắt buộc thủy điện phải tiếp tục xả lũ và việc hạ du bị ngập nặng là không tránh khỏi.
