Thượng tướng thầy giáo - Kỳ 5: Chăm lo Học viện

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
23/11/2019 14:15 GMT+7

10 năm làm Giám đốc, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị đã góp phần rất lớn trong phát triển Học viện Quốc phòng thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự .

Ứng tiền ra làm đề tài

Đầu năm 2007, Thiếu tướng Nguyễn Thế Trị giữ chức Giám đốc Học viện Quốc phòng trong nhiều nỗi lo. “Nhiệm vụ là đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng; cao học, nghiên cứu sinh và hợp tác đào tạo học viên quốc tế… Thế nhưng lại thiếu… giáo trình các môn học”, ông Trị rành rọt và hồi tưởng: Chúng tôi phải mời các giáo sư có kinh nghiệm vào dạy cách viết. Hơn 3 năm mới xong.

Tướng Nguyễn Thế Trị, Giám đốc Học viện Quốc phòng xin ý kiến Tổng Bí thư Đỗ Mười mở lớp Quốc phòng an ninh, năm 1998

Tư liệu

Bên cạnh đó, tướng Nguyễn Thế Trị tập trung đào tạo bồi dưỡng sĩ quan chỉ huy cao cấp chiến lược. “Đầu vào” của đối tượng từ đại tá trở lên, toàn là sư đoàn trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh… Trong 1 năm, tập trung học quân sự (nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, chỉ huy tác chiến chiến lược…) và còn được trao đổi kinh nghiệm về chỉ huy điều hành chiến dịch tiến công, phương pháp gạn lọc, xử trí tình huống chiến dịch…
“Đã là học viện thì nhất thiết phải có nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các đề tài mang tính dự báo cho quốc gia”, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị nói vậy, và hồi tưởng: Những năm cuối 1990 đầu 2000, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp (tranh chấp biển Đông; chiến tranh Nam Tư 1999; Afghanistan 2001; kích động, “cách mạng màu”…). Thấy những vấn đề bức thiết cần phải nghiên cứu, tướng Nguyễn Thế Trị trực tiếp đi xin đề tài nghiên cứu. Khi thực hiện đề tài “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới”, tướng Trị trao đổi phải xuất 200 triệu đồng của Học viện để… thực hiện trước. Đề tài này sau đó được tham khảo để soạn thảo Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8, khoá IX về “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Cuối năm 2002, Nhà nước có chương trình KX-06, nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. Tướng Nguyễn Thế Trị đề xuất nghiên cứu đề tài KH - 06 - 03 “Phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch”. Đây là đề tài lý luận về sự phát triển nghệ thuật quân sự sao cho phù hợp với chiến tranh tương lai và giải quyết vấn đề “lực lượng ít hơn, vũ khí trang bị kém hiện đại mà vẫn chiến thắng quân địch”.

Khởi nguồn “đối tượng 1”

Đầu năm 1997, tướng Nguyễn Thế Trị trực tiếp gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười xin chủ trương mở lớp đối với đối tượng 1, diện cán bộ do Trung ương quản lý (Ủy viên Trung ương Đảng; thứ trưởng, bộ trưởng; trưởng phó ban, ngành, đoàn thể trung ương; chánh, phó các Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ; bí thư, chủ tịch và cấp phó…).

Tướng Nguyễn Thế Trị (thứ 3 từ trái sang) cùng học viên lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng an ninh tại Tây Nguyên, năm 2006

Tư liệu

Các đề xuất trên của Học viện Quốc phòng đều được Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến “học 3 tháng”. Khi tướng Nguyễn Thế Trị cùng Ban giám đốc đã báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Phạm Văn Trà quyết định học theo chương trình 30 -45 ngày với lý do: “Chương trình mới, tâm lý cán bộ dân sự còn ngại học về quốc phòng”.
Ngày 8.6.1998, lớp học khóa 1 khai giảng với 44 học viên là những cán bộ chủ chốt các Bộ ban ngành trung ương và địa phương. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo, động viên lớp học. Sau gần 1 tháng, lớp học đã nghiên cứu, trao đổi 14 chuyên đề lý luận thuộc 3 khối kiến thức, tham gia cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ quân khu và thực hành bắn súng ngắn quân dụng K.54 tại trường bắn.
Các khóa học đã cho học viên tham gia diễn tập, xử trí một số tình huống chính trị (trong đó tập trung vào diễn tập, tập bài về vấn đề chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến; tác chiến phòng thủ quân khu; luyện tập xử lý một số tình huống bạo loạn chính trị, gây rối có thể xảy ra; tập bài về đấu tranh quốc phòng).
Ở khóa khóa 13, học viên được tập bài “Xử lý tình huống chính trị” - tình huống bạo loạn, gây rối ở Tây Bắc”. Khóa 14, được tham gia diễn tập xử trí tình huống chính trị ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và có dự báo những diễn biến mới của tình hình để chủ động đề xuất hướng xử trí...

Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng thăm Học viện Quốc phòng năm 2014

HVQP

"Trong suốt 10 năm gắn bó với nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng an ninh, đôi lúc tôi cảm nhận thấy một số cán bộ cấp trên không cảm thông với cá nhân tôi. Có thể do tôi hay nói thẳng, nói mạnh, e làm mất lòng nhiều người. Nhưng tôi linh cảm thấy, nhiều người cho rằng “nếu không cẩn thận, ông ấy sẽ qua mặt cơ quan cấp trên”. Đó là điều đáng buồn vì đáng lẽ các đồng chí đó phải khuyến khích, tạo điều kiện, để Học viện quốc phòng tranh thủ sự giúp đỡ nhiều hơn từ cơ quan Đảng, Nhà nước", tướng Nguyễn Thế Trị nói vậy.

Ngay sau khi nghỉ hưu, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị đã đảm nhậm cương vị trưởng ban liên lạc “Cựu chiến binh mũ sắt” (trung đoàn 209, sư đoàn 312A) để tìm lại hài cốt đồng đội và xây dựng khu tưởng niệm những chiến sĩ mũ sắt hy sinh ở Chư Tan Kra (H.Sa Thầy, Kon Tum) mùa xuân Mậu Thân 1968.

Sau mấy năm tìm kiếm và huy động nguồn lực, ngày 18.7.2012, khu tưởng niệm trị giá gần 20 tỉ đồng đã được khánh thành ngay dưới chân núi Chư Tan Kra (xã Ya Xiêr, H.Sa Thầy, Kon Tum).

Lo cho cấp dưới mới là chỉ huy

Đầu tháng 3.1997, tướng Nguyễn Thế Trị về làm Giám đốc Học viện quốc phòng, thì dự án “Nâng cấp, cải tạo, xây dựng Học viện Quốc phòng” đã được triển khai, nhưng tiến độ rất chậm. Với kinh nghiệm làm Tư lệnh quân khu 3, tướng Trị tập trung chấn chỉnh lại Ban quản lý dự án và tập trung giải phóng mặt bằng. Suốt mấy năm trời, đích thân tướng Trị kiên trì xin UBND TP.Hà Nội đất và trực tiếp vận động để chuyển 6 cơ quan và 225 hộ dân ra khỏi diện tích đất họ đã lấn chiếm của đơn vị từ nhiều năm trước.

Cán bộ giảng viên Học viện Quốc phòng đi thực tế học tập tại Thái Lan

HVQP

Năm 2000, thấy 300 hộ gia đình cán bộ giáo viên chưa có nhà ở, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị bàn với Đảng ủy, Ban giám đốc đã tìm mọi cách giải quyết nhà ở, để anh chị em yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với Học viện. Trong hơn 10 năm làm Giám đốc, ông cùng tập thể Ban giám đốc đã cải tạo, xây dựng được 194 căn hộ cấp cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên.
Đại tá Nguyễn Văn Tân, nguyên giảng viên Học viên bùi ngùi: Hầu hết ai có 15 năm phục vụ trở lên đều được giải quyết nhà ở. Đợt cuối, có 4 người là cán bộ, giáo viên 3 thời kỳ và 6 con liệt sĩ không đủ thang điểm nhưng anh Trị giải quyết ngay.

Tướng Nguyễn Thế Trị (thứ 2 từ trái sang phải, hàng đứng sau) cùng các cựu binh trung đoàn 209 đi tìm hài cốt đồng đội, năm 2017

Mai Thanh Hải

Ít người biết, tuy là tướng lĩnh cao cấp có thể được cấp trên quan tâm khi đề xin đất - xin nhà, nhưng Thượng tướng Nguyễn Thế Trị không đi xin và cho tới lúc nghỉ hưu, gia đình ông không hề nhận hoặc được nhượng bán 1 mét đất nào của quân đội.
“Cái nhà trong ngõ Nguyễn Tuấn Tài này, tôi mua từ tiền bán nhà cũ dưới TP.Hải Phòng và tiền tiết kiệm từ lương của 2 vợ chồng”, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị khẳng định vậy, và khảng khái: “Là cán bộ cao cấp trong quân đội, trước hết phải chăm lo cho cấp dưới. Giờ mỗi lần đến thăm các gia đình đồng đội đã từng chia nhau điếu thuốc, củ mì, viên thuốc trong chiến trường, giờ có đất ở Thủ đô, để con cái có điều kiện học hành, tuổi già tĩnh dưỡng. Tôi rất vui”. 

“Từ năm 2014-2019, Học viện Quốc phòng đã xây dựng 98 chương trình đào tạo theo chức vụ, 7 chương trình đào tạo cao cấp ngắn hạn quân sự địa phương, 25 khóa bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng an ninh, 3 khóa đào tạo quan chức quốc phòng quốc tế, đào tạo sau đại học 154 thạc sĩ , 145 tiến sĩ khoa học quân sự… Mời 435 lượt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến giảng bài; cử 638 lượt giảng viên đi giảng dạy tại các đơn vị, địa phương…

Cũng trong 5 năm qua, Học viện đã nghiên cứu: 1 đề tài cấp Quốc gia, 8 đề tài cấp Bộ quốc phòng, 14 đề tài cấp ngành, 8 đề tài cấp tỉnh, thành phố và 53 đề tài cấp Học viện… Biên soạn 292 loại giáo trình, tài liệu huấn luyện. Thự chiện ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ huy, điều hành huấn luyện và diễn tập cho các đối tượng”…

       (Nguồn: Học viện Quốc phòng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.