Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo

23/12/2021 17:02 GMT+7

Sáng 23.12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Ông Võ Văn Thưởng ghi nhận năm 2021 với diễn biến dịch Covid-19 khó lường, đất nước có nhiều sự kiện trọng đại, quan trọng và ngành tuyên giáo đã nỗ lực hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, đóng góp vào thành tựu, sự phát triển chung của đất nước.

Ông Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngành tuyên giáo toàn quốc diễn ra ngày 23.12

Ngọc Thắng

Tuy nhiên, công tác tuyên giáo vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có những hạn chế đã kéo dài, như trong nhiều vụ việc nghiêm trọng nhưng lựa chọn phương pháp xử lý thì chưa tương xứng, nên hiệu quả đạt được còn chưa cao.

Dẫn chứng ngay vụ việc quốc ca bị tắt tiếng vì lý do bản quyền trong trận đấu giữa Việt Nam - Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020 diễn ra tối 6.12 vừa qua, ông Thưởng nêu quan điểm: “Tắt tiếng quốc ca là hành vi sai phạm, vi phạm này phải được xử lý nhưng xử lý việc thì lại chưa triệt để, chưa đi đến gốc của vấn đề”.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, trong các vụ việc vi phạm, nếu lựa chọn các phương pháp, biện pháp không tương xứng thì hiệu quả chấn chỉnh sẽ không cao.

Xử lý "báo hóa" tạp chí điện tử chưa bền vững

Trong bài phát biểu dài hơn 30 phút chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng dành nhiều thời gian nói về công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động của báo chí xuất bản của ngành tuyên giáo. Trong đó có việc xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, xa rời tôn chỉ mục đích của các Hội chưa nghiêm túc; quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế.

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng, việc xử lý này từng có thời gian làm rất nghiêm, có chuyển biến nhưng không bền vững.

Theo ông Thưởng, vấn đề "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử vi phạm về tôn chỉ mục đích đã nói trong nhiều cuộc giao ban nhưng sau đó theo dõi xử lý các vụ việc theo tuần, theo tháng lại làm không kiên trì, không triệt để, chỉ cần 1 - 2 tháng là tình hình lại quay trở lại như cũ.

“Mỗi quý các đồng chí cứ chọn ra 5 - 7 tờ thôi, nghiên cứu đánh giá thật sâu, kiến nghị sửa chữa và 3 tháng sau quay lại kiểm tra, không chuyển biến, không sửa thì rút giấy phép, cái này phải làm kiên trì, làm đến đâu chắc đến đấy”, ông Thưởng đề nghị, và chia sẻ thêm: "Vấn đề này tôi đã nói nhiều lần với Hội Nhà báo Việt Nam, là cần phải có những phán quyết đủ mạnh về đạo đức, nghiệp vụ để quản lý hoạt động báo chí, và để xây dựng báo chí nước ta thực sự là nền báo chí cách mạng Việt Nam".

Liên quan đến vấn đề này, Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị Bộ TT-TT nghiên cứu xem xét để sắp tới đề xuất sửa luật Báo chí phải cụ hóa vào luật để có một giải pháp xử lý căn cơ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.