Thưởng tết người lao động TP.HCM: Tại Q.Bình Tân thưởng cao nhất 300 triệu đồng

21/12/2022 18:19 GMT+7

Báo cáo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH về tình hình thưởng tết cho người lao động , Q.Bình Tân cho biết theo báo cáo từ doanh nghiệp trên địa bàn, mức thưởng tết cao nhất lên đến 300 triệu đồng. Còn tại H.Hóc Môn, mức thưởng tết cao nhất 121 triệu đồng.

Chiều 21.12, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cùng đoàn công tác Trung ương làm việc với UBND TP.HCM về tình hình lao động việc làm, lương thưởng tết của công nhân lao động.

Công nhân PouYuen ngỡ ngàng vì thưởng tết ở công ty lớn nhất TP.HCM cao vọt

Có nơi thưởng 300.000 đồng

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân cho biết, trên địa bàn quận có khá đông công nhân, người lao động, chỉ tính riêng Công ty PouYuen có hơn 54.000 lao động. Mức thưởng tết tại PouYuen nhìn chung cao hơn năm trước 20 - 30%.

Theo khảo sát, 142 doanh nghiệp có 30 lao động trở lên trên địa bàn, Q.Bình Tân có 32.000 công nhân trong 26 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do cắt giảm đơn hàng. Những trường hợp này được công ty bố trí nghỉ phép năm, nghỉ luân phiên.

Riêng tại Công ty Tỷ Hùng, do gặp khó khăn vì cắt giảm đơn hàng nên công ty quyết định cho 1.200 công nhân thôi việc. Theo đánh giá, công ty phối hợp cùng quận, TP đã có những chính sách hỗ trợ tốt, người có nhu cầu tìm việc làm được bố trí việc mới, còn lại chủ yếu là số lao động muốn về quê.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh làm việc với TP.HCM về tình hình lao động việc làm, thưởng tết của công nhân lao động

vũ phượng

Theo Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, có một doanh nghiệp thưởng tết cho người lao động cao nhất lên đến 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, có doanh nghiệp ở Bình Tân dự kiến không thưởng tết cho người lao động, nhưng sau khi được quận động viên, công ty này đồng ý thưởng tết.

Ngoài ra, Q.Bình Tân đang có 1 công ty nợ 60% lương tháng 11, tương đương 1,1 tỉ đồng. Qua làm việc với chính quyền, công ty này cam kết cuối tháng 12 trả lương cho công nhân.

“Quận dự kiến chăm lo cho 26.026 công nhân lao động tương đương 8,6 tỉ đồng từ nguồn vận động. Bên cạnh đó, quận cũng vận động chủ nhà trọ tạo điều kiện chăm lo cho công nhân không có điều kiện về quê ăn tết”, bà Dung thông tin.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì buổi làm việc

vũ phượng

Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn, khảo sát tại địa phương có 62 doanh nghiệp có trên 100 lao động, còn lại 78% là doanh nghiệp có dưới 10 lao động.

H.Hóc Môn có 4 doanh nghiệp (trong đó có 2 doanh nghiệp nước ngoài) giảm giờ làm vì thiếu nguyên liệu nhập vào. Các doanh nghiệp đã bố trí thay đổi giờ làm để người lao động có điều kiện làm việc.

“Trong 130 đơn vị gửi báo cáo về thưởng tết, có 1 đơn vị thưởng cao nhất là 121 triệu đồng, 1 doanh nghiệp trả lương thưởng 300.000 đồng - đây là một trung tâm ngoại ngữ với 8 lao động. Huyện sẽ tập trung chăm lo cho 2.500 lao động ở lại tết trên địa bàn với số tiền chăm lo 2 tỉ đồng”, bà Châu thông tin.

Đơn hàng hóa nhựa, dệt may, da giày dự báo giảm

Ông Ngô Đình Quân, Phòng Quản lý doanh nghiệp Khu công nghệ cao thông tin, hiện có 110/161 doanh nghiệp hoạt động, tương đương 52.000 lao động đang làm việc trong Khu công nghệ cao.

Ông Quân nhận xét, vì đa phần là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên chính sách cho người lao động, lương, thưởng tết tại đây tương đối tốt, hài hòa. Các doanh nghiệp nước ngoài tập trung thưởng cuối năm, Tết Dương lịch; doanh nghiệp Việt Nam tập trung thưởng Tết Nguyên đán. Nhìn chung thưởng tết năm nay của người lao động ở Khu công nghệ cao không có biến động so với các năm.

Thưởng tết tại Công ty PouYuen cao hơn 20 - 30% so với năm trước

ngọc dương

Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM cho biết, qua khảo sát, trong khu chế xuất có tình trạng giảm đơn hàng, có 1 doanh nghiệp giảm lao động (25 người, giải quyết chế độ đầy đủ), các doanh nghiệp còn lại giải quyết cho người lao động nghỉ phép năm, bố trí cho làm việc 2 - 3 ngày trong tuần, trường hợp hết hạn hợp đồng lao động thì không tái ký.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM, có 25 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, số lao động dự kiến giảm 2.000 người. Bên cạnh đó, năm 2023 các đơn vị thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp cũng dự kiến tuyển 12.000 lao động.

“240 doanh nghiệp dự báo 6 tháng đầu năm đơn hàng sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có 42% doanh nghiệp bị giảm đơn hàng với mức giảm trung bình 20%. Ngành giảm đơn hàng là ngành cơ khí hóa nhựa, dệt may, da giày”, bà Thư thông tin.

Phát biểu kết luận, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, theo báo cáo, TP.HCM có 110.000 lao động bị ảnh hưởng, chủ yếu là không tăng ca, làm luân phiên; 6.300 lao động mất việc làm. TP.HCM tập trung số lượng lớn doanh nghiệp, người lao động nên việc đảm bảo quan hệ lao động cần được chú trọng.

Dựa trên thông tin thị trường, ông Thanh nhìn nhận, có 4 ngành nắm chắc tình hình là dệt may, da giày, gỗ, cơ khí phụ trợ... để xem lao động cần thêm kỹ năng gì, cần chuyển đổi hay không.

Thực hiện công điện 1170 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị TP.HCM đảm bảo việc làm và chăm lo đời sống an sinh cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Thanh yêu cầu: "Các cơ quan liên quan cần động viên, giải thích rõ để người lao động chuyển đổi công việc thay vì lãnh trợ cấp xong mới đi tìm việc mới và đôn đốc người sử dụng lao động có trách nhiệm với người lao động".

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, nhận thức của các bên trong quan hệ lao động tại TP đã được nâng lên. Qua quá trình thực hiện với những vụ việc phát sinh, TP nhận thấy, niềm tin giữa doanh nghiệp và người lao động thêm vững chắc. Mọi người ai cũng hiểu hoàn cảnh, hiện trạng của doanh nghiệp để cùng chia sẻ.

"Chúng ta cần phải làm sao để nhân lực tiến bộ cao hơn một mức, lấy chuẩn mực của châu Âu, Mỹ,... để đào tạo người lao động và khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp công nghệ", ông Hoan đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.