Thương quá miền Tây

14/09/2022 09:00 GMT+7

Mèn đét ơi, từ cái ngày đen nhẻm, khờ khạo, chân ướt chân ráo lên "Xì Gòn" tập tành làm sinh viên, xa quê, tôi mới ngờ ngợ nhận ra mình yêu mến đậm sâu cái vùng miệt thứ đến nhường nào!

Trong cõi nhớ, hai tiếng "miền Tây"’ hiện lên chỉ là những hình ảnh dung dị rất đỗi đời thường. Vậy mà, hổng hiểu sao, nó lại làm trái tim kẻ tha phương thổn thức đến vậy? Miền Tây ơi, thương quá, những nhánh sông, kênh rạch, mương đìa, dàn chuối, liếp cam, gà vịt long nhong và nụ cười hiền queo của tía má!

Miền Tây, một vùng đất nên thơ với những con đường hẹp te nhưng giàu mơ mộng...

hoàng phương

‘’Hò ơ… sông quê nước chảy đôi bờ. Để anh chín dại, mười khờ thương em’’, tạt theo dòng trôi con nước phương Nam, xuồng ba lá lửng lờ, lang vang câu hò, điệu lý. Miền Tây, vùng văn hóa sông nước mênh mông, hữu tình. Chuyên chở phù sa, nâng đỡ phận người. Người, bao đời đã nương theo con nước mà sống, gom góp thành nhóm chợ trên sông. Những dòng sông thi vị, êm đềm. Sáng sủa, tinh khôi khi những vạt nắng mỏng mềm sáng trưa thức dậy, sông đưa người ngược xuôi mua bán. Nước sông ánh lên niềm tự hào, vui sống với dáng người cần lao. Chiều buông, sông buồn. Dưới mái hiên nhà liêu xiêu, kẻ tài tử si tình ngắm sông, tay ôm đờn kìm, gõ nhịp song loan. Theo câu ca cổ và tiếng mưa rơi, sông như vun đầy thêm nỗi buồn xứ sở: ‘’Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, thương những đời như lục bình trôi’’ (Vũ Đức Sao Biển). Sông, mang gió tràn vào lòng theo từng cơn thoang thoảng. Người ru hồn mình nghệ sĩ thành lời văn, câu thơ, điệu hát, cảm hứng từ cái lạnh ngoài sông. Mộng mơ một vùng mây nước. Sông, nối ngang chuyến đò se kết duyên tình đôi lứa, nhạc cưới rộn ràng, hai họ nên mối tình thâm. Sông, quạnh quẽ, buồn tênh bến vắng, khi con đò hò hẹn năm xưa đã đi mãi không về… .

Miền Tây, một vùng đất nên thơ với những con đường hẹp te nhưng giàu mơ mộng. Tà dương buông mình trên những vạt ruộng xanh um, bồng bềnh mây trắng, vấn vương cuối trời. Chú năm, thím sáu quần xăn, nón lá, cần mẫn trên những liếp cây trồng, vun vén vụ mùa, tưới tẩm ước mơ cho mấy đứa nhỏ ở nhà ăn học đến nơi đến chốn. Đường quê, thơm mùi rạ rơm, khói đốt. Đường quê, vọng vang thanh âm hoài cổ. Xa vắng, giọng ca Cẩm Ly mộc mạc: ‘’Đêm dài nghe tiếng vọng cổ buồn. Nức nở vầng trăng khuya cung đàn buông tiếng khóc. Tiếng gõ nhịp song lang ai oán khúc tơ lòng. Như tiếng lòng chim quyên đang đón gió thu về…’’. Lang vang từ nhà tranh vách lá hai tiếng ca vàng trong làng vọng cổ Minh Vương - Lệ Thủy: ‘’Bông lan cánh trắng nhụy vàng. Qua thương cô nàng khéo nướng bánh bông lan. Xe đò lục tỉnh mà thênh thang. Quen hơi nhớ tiếng quá giang tìm dìa…’’. Kẽo cà kẽo kẹt võng đưa, giấc ngủ trẻ con hiền ngoan, trong trẻo theo tiếng ru nằm lòng: “Chiều chiều vịt lội cò bay. Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng. Vô rừng bứt một sợi mây. Đem về thắt gióng cho nàng đi buôn…”.

Ai cũng từng là một đứa trẻ thơ bé bỏng, nhưng khi lớn lên thân tâm lại mang vác nặng nề bởi nhiễu sự tham đắm, phiền não, si mê. Người lớn ơi, người ngủ ngon không? Gợi trong tôi niềm trăn trở, liệu rằng có chiếc nôi hay lời ru nào có thể đong đưa cho mọi phận người được vẹn tròn một kiếp sống an yên?

‘’Leng keng, leng keng’’, xe bán kem! Miền Tây ơi, vui quá, tuổi thơ tôi tìm về. Hồi nhỏ, cứ mỗi lần nghe tiếng chuông báo hiệu ấy là mấy đứa con nít trong xóm hớt ha hớt hải chạy đi kiếm mẹ, kiếm cha đặng vòi vĩnh cho được hai ngàn, ba ngàn. Mừng húm, dúi tiền vào lòng bàn tay, xỏ dép thiệt lẹ chạy ra bờ lộ ngồi chồm hổm hóng chú bán kem, sợ chú đi huốc. Và đã là trẻ con miền Tây, chắc là hổng ai quên được cái món siro đá bào bên chiếc bàn bào đá bằng gỗ căm xe huyền thoại. Tôi nhớ mà mắc cười, con nít miền Tây mà, hảo ngọt lắm, ly đá bào nào vừa ra lò cũng hết sạch siro, còn mỗi cục đá trắng tươi. Miền Tây ơi, nhớ quá, những món ăn ngon. Vùng đất được phước trời ưu ái đãi ban không lắm tiền, nhiều của nhưng lại dư dật lung, hồ, búng, láng,.., nhung nhúc hải vị cá, tôm, cua,....

Từ buổi người về đất khai hoang dựng nghiệp, đã tận dụng sự thông minh và khéo léo của mình sáng tạo ra nét văn hóa ẩm thực trứ danh xứ sở. Những ngày nông nhàn, dưới cơn mưa dầm, dân miền Tây thường quây quần ấm áp bên nồi lẩu mắm cá linh bông điên điển. Mỗi tỉnh một đặc sản riêng, nhưng lẩu mắm thì vùng nào cũng mến. Thức lẩu dường như đã dung hòa được tất cả hương vị tinh hoa của miền sông nước: mắm mặn mà, tôm cá ngọt thơm và rau củ xanh sống. Một lần đã ghé miền Tây, người sẽ bị đất này lấy lòng mất thôi bởi men tình đặc sản: bánh pía Sóc Trăng, chuối quết dừa Tiền Giang, bún nước lèo Trà Vinh, bún cá Châu Đốc, nước mắm Kiên Giang, đuông dừa Bến Tre, gạo nàng thơm Chợ Đào, cam sành Ngã Bảy, chôm chôm Vĩnh Long, hủ tiếu Sa Đéc, cá chốt Bạc Liêu và mắm tép Cà Mau. Đất miền Tây pha trộn màu sắc ẩm thực của cả ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, những món ăn dân dã đặc thù của một thời mở cõi.

Miền Tây, tình người đôn hậu. Ai đi xa rồi cũng biết thương “rau đắng mọc sau hè”. Dường như trưởng thành chỉ khiến con người ta to lớn về mặt thể xác và mở mang trong nhận thức, nhưng tâm hồn vẫn chỉ là một đứa trẻ cần được ôm ấp, vỗ về. Với tôi, khi bước chân trên con đường nhân sinh đầy va chạm, ký ức về tuổi thơ miền Tây - nơi tôi được sinh ra và khôn lớn, luôn là bầu sữa non thơm mát nuôi dưỡng, chữa lành và tái sinh trong tôi nguồn năng lượng sống. Người miền Tây cho tôi học được nhiều tính cách đẹp. Hiếu khách, hào hiệp, nghĩa tình. Từ trong lịch sử, người nơi đây vốn là lưu dân tứ xứ, xa gốc gác, khác cội nguồn. Sống giữa rừng thiên nước độc nên rất thân thiện, cảm thông, hào sảng, hết lòng giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Cắm sào trên những dải đất, dưới tán mù u, dưới rặng trâm bầu, người cùng nhau cố kết xóm làng, sống trọng tình, trọng nghĩa. Bụng dạ thiệt thà, hễ “nghĩ làm sao thì nói ra làm vậy”.

Dẫu lòng người thay đổi vẫn thủy chung ‘’ru lại câu hò’’, dẫu giữa đời xa lạ vẫn ra tay tương trợ như Lục Vân Tiên. Du khách có dịp ghé chơi sẽ làm buồn người dân xứ sở nếu đến nhà mà không nán lại ngủ một đêm, ăn một chén cơm lót dạ hay nhấp một chung rượu làm quen. Về miền Tây, về với hơi ấm sinh hoạt gia đình. Nhà có mấy con chó quê, lần nào về cũng chạy ra quẩy quẩy đuôi mừng hớn hở, nhiệt tình lắm! Về quê, xua tan bụi trần bằng gáo nước mưa trong lu, ra nhà trên uống trái dừa mà nội hị hụi chặt nãy giờ, mát lòng mát dạ. Thằng út chạy đi hái xoài sống, dầm chén mắm đường cay thiệt cay, nó biết, món khoái khẩu của chế hai. Đợi trời bớt nắng sẽ ra đồng thăm chòi, lội mương bắt lươn về nấu canh chua, kiếm thêm con cá lóc về nướng trui ăn với rau sống. Hăm hở một buổi cơm chiều dân dã đoàn viên!

Miền Tây, một cội nguồn an vui, chân thật, thi vị, tự do, êm đềm, cho những ai đã từng ở và đã từng xa. Miền Tây, có một tôi ở đó, nguyên vẹn trong trẻo, thơ ngây, yêu đời và yêu mến quê hương, đất nước, con người làm sao!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.