Thương nhớ miền Trung thương nhớ mẹ

12/02/2021 09:00 GMT+7

Nếu cuộc thi viết Thành phố tôi yêu là những nốt cao trẻ trung năng động, thì Thương nhớ miền Trung đã chuyển sang một tông trầm sâu lắng nhẹ nhàng.

Nếu các tản văn về Sài Gòn đem lại sự ấm áp bình yên, thì những ký ức về miền Trung làm bạn đọc rưng rưng về tình mẫu tử, về cái nghĩa tào khang và tình yêu tha thiết dành cho vùng đất gian khó này.
Dải đất hẹp miền Trung không có nhiều những đô thị sầm uất nhộn nhịp người xe, không có những cánh đồng màu mỡ thẳng cánh cò bay và thời tiết ôn hòa như hai đầu Nam - Bắc. Miền Trung, nằm kẹp giữa dãy Trường Sơn hùng vĩ và Biển Đông bát ngát, là nơi “ngước mặt nhìn biển, quay lưng tựa núi, là một vùng đất cát miên man. Mùa gió Lào quạt lửa, thổi cát bay tứ chiếng, mịt mù bụi trắng...” (Một đời lá nén muối rang - tác giả Ny An). Miền Trung, với mỗi năm mùa bão lũ khốc liệt liền kề hạn hán kinh hoàng, là nơi “ba tháng rồi trời không có lấy một hạt mưa. Lúa nhà tôi đang chết. Trên cánh đồng, màu xanh đã nhường chỗ cho màu vàng. Nhưng không phải là màu vàng mơn mởn báo hiệu một mùa gặt đủ đầy, mà màu vàng khô khốc chực thiêu đốt trong nắng hạn” (Nơi miền đất khát - Khánh Liên). Là nơi “tháng bảy sắp tới khi con nước vô bờ. Làng miềng sẽ lụt lội dữ lắm đây. Năm mô cũng tao tác, chí chới gọi nhau. Có năm nước ngập vô tới nhà, ngập lên cửa sổ, người làng điêu đứng giữa đêm” (Tiếng trống làng mùa lũ - Thanh Ling).
Miền Trung, điểm khởi đầu trong cuộc Nam tiến kỳ vĩ của người Việt, với những phần lãnh thổ được mở rộng phải đánh đổi bằng máu xương để tạo ra hình hài đất nước ngày nay. Vùng đất mới “một bên là rừng mai cọp dữ khỉ đàn một bên là động cát bỏ hoang làm bãi tha ma chạy dài tít tắp ra tới biển. Cứ dăm bữa nửa tháng là có người gánh tử thi bó chiếu tới chôn, đa phần là vô thừa nhận” (Tới đây đất nước lạ lùng - Duy Dương) đã trở thành nơi tôi luyện thể chất và phẩm giá. Rồi từ môi trường khắc nghiệt này đã hình thành sức chịu đựng phi thường của những con người can trường nơi đầu sóng ngọn gió, nơi rừng thiêng nước độc. Và nổi bật trong đó là hình bóng của những người đàn bà, đã trở thành biểu tượng của miền Trung chịu thương chịu khó, tưởng chừng mong manh nhưng không bao giờ bị khuất phục bởi nghịch cảnh. Như những hàng lau sậy khẳng khiu hai bờ sông quê Trung bộ, dẫu có oằn mình trước bão tố phong ba nhưng vẫn không bao giờ bị bẻ gãy, để rồi sau đó lại đứng thẳng dưới ánh mặt trời.
Có lẽ chính vì vậy mà những người bà, người mẹ là chủ đề bao trùm trong các bài viết của bạn đọc tham gia cuộc thi Thương nhớ miền Trung. Đó là những người đàn bà “thơm đậm mùi nén... ba theo má về đất Quảng chỉ vì một mùi hương” (Một đời lá nén muối rang - Ny An), thơm mùi tảo tần “Lúc nào người mẹ cũng toàn mồ hôi. Những lúc ấy, tôi lại ngửi thấy mùi quen thuộc trên người mẹ, mùi của nhọc nhằn, lam lũ” (Mùi khói mùi của mẹ tôi - Minh Giảng). Là hình ảnh quen thuộc về những người đàn bà mảnh mai với manh áo cũ, chiếc nón lá sờn rách và đôi quang gánh ở các làng quê: “Áo mẹ tôi bao giờ cũng sờn bạc đầu tiên ở hai vai, hết tấm vá này đến tấm vá khác dày lên cùng với vết lõm xuống nhẵn bóng mồ hôi nơi đòn gánh. Sợi dây mây buộc quang gánh đã mấy lần đứt rồi thay mà manh áo vá vai vẫn theo mẹ suốt bốn mùa bởi tấm vải lành mẹ dành dụm may đồ cho mấy chị em tôi mặc đến trường khỏi tủi thân với chúng bạn” (Mẹ gánh con đi - Trần Thị Tú Ngọc).
Khi những người đàn ông biền biệt xa nhà để lên rừng xuống biển gánh vác chuyện áo cơm cho gia đình, người đàn bà trở thành điểm tựa duy nhất, là đốm lửa hồng sưởi ấm những đứa trẻ trong đêm mưa lạnh giá “những ngày lụt chồng lụt, mưa triền miên nhão đất, má gom đám củi ướt chất dày quanh kiềng bếp để chụm hết lớp này thì lớp củi tiếp theo cũng được hong khô ít nhiều... Đêm nào trước khi đi ngủ, má cũng lấy lớp tro cũ, lấp lên đám than lửa... mọi thứ trong gian bếp nhỏ cũng ấm sực và thơm mùi tro than rất đỗi yên bình” (Mấy mùa củi ướt ai về mà hong - Nguyễn Hậu). Rồi một ngày người chồng người cha đó gửi lại thân xác giữa trùng khơi trong cơn bão dữ, thì “sớm tinh mơ, mẹ đã trẩy đôi quang gánh vượt đồi cát ra chợ, trưa mẹ về cùng con cá con tôm, rồi mẹ lại đi. Cứ mỗi lần như vậy, chúng tôi chỉ háo hức những thứ mẹ đem về, chúng tôi nào biết đôi chân tấy đỏ, bỏng rát cùng bờ vai chai sần quang gánh mà mẹ chẳng bao giờ cho chúng tôi xem” (Mẹ và đời cát - Tạ Tư Vũ). Mẹ lội suối băng rừng ngược về vùng cao, thân gái dặm trường vượt bao hiểm nguy gian khó để đem hũ mắm, chai tương đổi lấy xâu bắp, con gà nuôi ba đứa con ăn học: “Hỏi mẹ chuyện nguồn xưa, mẹ nheo mắt, nhăn trán cười bảo, không hiểu sao ngày xưa giỏi thế, đi không biết mệt mà có lời nhiều chi đâu. Mẹ nói không biết vì sao, nhưng trong thâm tâm tôi nhận biết được cái sự chịu đựng đến cùng của người phụ nữ miền Trung nhẫn nại” (Những chuyến nguồn của mẹ - Phan Đình Dũng).
***
Miền Trung đất hẹp. Miền Trung trước mặt là biển rộng trời cao thúc giục những đứa con ra đi để trả nợ tang bồng, để tìm con đường vượt qua nghèo khó. Bôn ba nơi xứ người, công việc bộn bề và những hóa đơn cuối tháng đôi khi đè bẹp những niềm thương nỗi nhớ quê nhà. Tuy nhiên nó không hề biến mất, mà vẫn nguyên vẹn trong một góc rất riêng của ký ức để đến thời điểm nào đó sẽ bùng vỡ: “Con cháu về rồi lại đi, nhưng lúc nào tôi cũng biết rằng, nơi một góc miền Trung xa lắc, vẫn còn mẹ tôi ngồi đó, trầm ngâm cùng thiên đường hiu hắt của mình. Một thiên đường nặng trĩu yêu thương suốt một quãng đời in hằn dấu chân đời cát của mẹ” (Mẹ và đời cát - Tạ Tư Vũ). Chỉ cần một mùi hương là nhớ chái bếp của mẹ “đời người miên miết đi tìm chốn phố xá đèn hoa kiêu sa để rồi một ngày ta lại buồn hoang hoải khi đôi chân chưa tìm về được chốn quê xưa bao kỷ niệm. Thèm lắm được hít hà mùi nồi nước ruốc, thèm lắm mùi dưa môn mạ nấu. Thèm mùi rơm rạ xốc vào hoài niệm mà chưng cất thành nỗi nhớ se sắt ruột gan. Mạ đã đi xa... (Nhớ mạ nơi khói bếp chiều xưa - Trần Văn Toản). Nhận tin xấu ở quê, lập tức kỷ niệm với mẹ ùa về “Sau khi thở phào nhẹ nhõm vì người thân an toàn, tôi hỏi thăm: “Chợ ngập chưa mạ?”. Nghe mạ nói: “Chợ lụt rồi, người ta mới dời lên chân cầu”. Đang ở phố mà mắt tôi cứ rưng rưng. Thèm về quê để được đi chợ mùa lụt cùng mạ. Thèm bữa cơm nhà có cá đồng mạ mua từ chợ về...” (Chợ quê mùa lụt - Trần Như Hoàng).
Rồi một ngày trở lại quê nhà quỳ trước linh cữu mẹ, những lo toan thường nhật và giấc mộng công danh bỗng chốc tan thành mây khói. Chỉ còn lại nỗi đau mất mát, nỗi ân hận khôn nguôi, rằng ta đã chưa trọn đạo làm con khi cha yếu mẹ già, để khóc hoài như một đứa trẻ. Mặc dù ta biết rằng, thuở sinh thời hay bây giờ ở một nơi xa, mẹ chỉ có mong muốn duy nhất là các con luôn được bình an. Tình thương của mẹ như ngọn hải đăng chiếu rọi khắp các đại dương, để những đứa con dù đang trôi dạt trong cuộc mưu sinh ở góc bể chân trời nào cũng sẽ không bao giờ lạc bước, để luôn tìm được lối về. “Nhiều đêm ngẩn ngơ đợi bão để còn đi di tản ở Sendai, tôi vừa thu dọn đồ đạc, vừa da diết nhớ quê nhà thương mẹ yếu cha già không biết có ai đỡ đần giùm trong khi mưa to gió lớn hay không? Rồi có lúc bần thần không biết xóm làng ra răng bây chừ? Đêm mưa lất phất, ngồi một mình nghe mưa với bóng mình lặng câm trên vách, bên tai chợt nghe vọng về tiếng mẹ ru trên thềm của ngày tháng cũ càng thương hoài thương hủy: Đi mô bỏ mẹ ở nhà/Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng”(Thương mùa mưa thơ dại - Nguyễn Hữu Tấn).
Hơn 1.100 bài dự thi của bạn đọc như những nốt nhạc nhiều cung bậc, khi ghép lại đã thành một bản giao hưởng bi tráng về vùng đất thấm tình người như thế. Miền Trung, như mẹ cha, vẫn luôn nằm trong trái tim những đứa con xa xứ. Dẫu sông cạn đá mòn.
Cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung do Báo Thanh Niên tổ chức từ tháng 6 đến hết tháng 10.2020 với các tác phẩm được viết theo thể loại tản văn, tùy bút, ghi chép; nội dung thể hiện tình cảm của người miền Trung dành cho chính quê hương mình. Ban tổ chức đã nhận được 1.102 bài dự thi, trong đó 46 bài được chọn vào chung khảo.
Trước đó, Báo Thanh Niên cũng đã tổ chức cuộc thi Thành phố tôi yêu (diễn ra từ ngày 23.8 - 31.12.2019) với 822 bài viết về Sài Gòn - TP.HCM của các tác giả trong và ngoài nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.