Thương nhớ cồng chiêng

21/10/2020 08:00 GMT+7

Rời khỏi làng đã mấy ngày rồi mà đêm về tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đây nhạc điệu “pình pong… pình pong...” như một nỗi mê hoặc lạ kỳ, nhắc tôi hãy quay về hội làng…

Lại về làng tham gia lễ hội cồng chiêng. Cứ mỗi lần đi như thế tôi tâm đắc với nhận xét của Giáo sư José Maceda (Philippines), một chuyên gia nổi tiếng thế giới về nghiên cứu nhạc cụ: chiêng bằng Việt Nam có thể là loại nhạc cụ cổ xưa nhất ở khu vực châu Á, niềm tự hào của dân làng các dân tộc Tây nguyên.
Thật thích thú khi nghe già làng nói về tiếng nhạc cồng chiêng, các bài chiêng múa và hát lời dân ca do chính dân bản địa sáng tác và truyền lại cho bao thế hệ con cháu đến ngày nay. Cồng (chiêng có núm), chiêng (không có núm - chiêng bằng) gắn bó với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân Tây nguyên từ lúc mới lọt lòng cho đến khi trở về với tổ tiên. Trong suốt cuộc hành trình đời người, họ quan niệm cồng chiêng là vật thiêng, nơi trú ngụ của thần linh. Họ làm lễ hiến sinh, mời thần linh về giúp đỡ. Lễ hiến sinh càng lớn, cồng chiêng càng có sức mạnh và linh thiêng. Nhiều thập niên qua, Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã sớm có mặt và gắn bó với đời sống, sinh hoạt của cộng đồng dân làng Tây nguyên để nghiên cứu, sưu tầm, phát hiện giai điệu huyền diệu của âm nhạc cồng chiêng. Theo giáo sư, biên chế các dàn cồng chiêng khác nhau ở từng tộc người. Một bộ ba cồng núm kết hợp với một trống cái và một đôi chũm chọe đối với người Bahnar, Jrai, Giẻ Triêng, Rơ Ngao là biên chế dàn cồng chiêng cổ xưa nhất, chỉ được dùng trong các lễ hội lớn như đâm trâu, lễ cầu an cho lúa và cho con người trong làng… cho đến sau này lễ bỏ mả, lễ thổi tai cho em bé, lễ gieo trồng, cầu vua lửa, cúng bến nước, lập rẫy mới…
Từ bao đời nay, đồng bào Tây nguyên tự chia ra sự hài hòa nhịp phách, giai điệu của chức năng từng chiêng - đó là chiêng Mẹ giữ vai trò chính, chiêng Bố giữ nhịp cầm trịch. Giai điệu Bố - Mẹ ở khu trầm, làm nền tảng vững chắc cho các chiêng con đảm nhận giai điệu chính ở âm vực cao. Tại Gia Lai, người Jrai (cũng như người Bahnar) hiện đang sử dụng một số loại cồng chiêng thông thường mang những đặc tính chung: Chiêng Tơnăh hoặc Kơdơ mỗi bộ có từ 8 đến 9 chiếc (thường có 3 cồng, 5 chiêng) được biên chế với 1 trống chỉ dùng trong những lễ hội vui; Chiêng Aráp mỗi bộ có 13 chiếc (nay số lượng có thể nhiều hơn), đồng bào ở phía Tây Trường Sơn thường dùng bộ này trong lễ hội vui hoặc buồn. Riêng vùng Cheo Reo chỉ dùng trong nghi lễ tang ma hoặc bỏ mả. Bộ Mơ Trum Kơ Bâo gồm 3 cồng có núm. Ở Krông Pa, bộ này có kích thước từ lớn đến nhỏ với đường kính 50 - 45 - 40cm, được biên chế cùng 1 hoặc 2 trống vỗ (nghi lễ có trâu làm vật hiến sinh), vừa đánh vừa đi quanh cột gơng.
Để có được âm thanh chuẩn theo đúng thang âm, thanh âm mang tính truyền thống của người Jrai (hoặc Bahnar, Ê Đê… ) đòi hỏi nghệ thuật chỉnh sửa âm thanh cồng chiêng càng cao, là một công việc khó khăn giàu kinh nghiệm như một tài năng “âm thanh đã có sẵn trong đầu” - cách nói của các nghệ nhân. Dân làng kể rằng người duy nhất hiện nay có uy tín về việc gò chỉnh các thang âm của nhiều loại cồng chiêng khác nhau cũng như nhiều bài chiêng cổ của tộc người bản địa (thuộc vùng tam giác 3 tỉnh Gia Lai - Đăk Lăk - Phú Yên) là nghệ nhân Nay Phay sinh ra và lớn lên ở Buôn Sô Ama Mlơng (Ia Hiao 2, Ayun Pa).
Người bản địa luôn tin rằng chỉ có những người được “Yàng cho âm thanh” của cồng chiêng mới làm được nghề này. Một nghệ nhân và 3 người khác cùng thử để so âm. Hơn thế nữa, chiêng hay cồng âm thanh của dân tộc nào có âm sắc riêng của dân tộc đó. Thạc sĩ - nhạc sĩ Lê Xuân Hoan là người nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu và có công trình biên soạn âm nhạc cồng chiêng Jrai, đã ghi và ký âm được nhiều bài chiêng quý như đâm trâu (Trum Kơbao). Tôi từng mê mẩn thứ âm thanh “kỳ bí” ấy của cồng chiêng và đặc biệt lưu tâm đến những bài chiêng đánh theo giai điệu bài hát dân ca. Trong một chuyến du khảo về xã Ia Tô - Ia Grai, chúng tôi đã nhờ anh Puih Keh phỏng dịch bài chiêng Hơ Yu - hát đồng dao:
Hàm răng như đã được mài dũa
Răng màu như cây sim mọc
Vẫn còn những gốc đâm nhô
Mồ hôi đổ xuống, ướt đầm đìa
Vòng lớn, vòng nhỏ như chim gõ kiến.
Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan ký âm, Kpă Bling phỏng dịch bài H’Tut Ding Dek (Nghe tiếng Đing Đék) ở xã Chư Ngọc - Krông Pa: "Ta muốn nghe Đing Đék/ Ta muốn nghe Đing Năm/ Mẹ ta thổi Đing Đek/ Bố ta muốn ở lại/ Ngọn lửa hồng trong đêm/ Nghe bà nội kể chuyện/ Đừng làm điều bất lương/ Hãy làm những điều tốt/ Cho buôn làng bình yên”…
Rời khỏi làng đã mấy ngày rồi mà đêm về tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đây nhạc điệu “pình pong… pình pong...” như một nỗi mê hoặc lạ kỳ, nhắc tôi hãy quay về hội làng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.