Thương miền Tây qua lời ca, tiếng hát

11/08/2022 09:00 GMT+7

Tình yêu đặc biệt với cải lương đã đưa tôi đến với miền đất “gạo trắng nước trong” này.

Tôi chưa có dịp đi hết 13 tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng tôi cũng đã đặt chân đến bến Ninh Kiều thơ mộng, được tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), được đến nơi cuối cùng của Tổ quốc đất mũi Cà Mau…

Có rất nhiều điều để lưu luyến khi đến với mảnh đất miền Tây. Về ẩm thực bạn sẽ bất ngờ với những món bánh làm từ gạo, nếp, người miền Tây sáng tạo ra các món bánh từ đơn giản đến phức tạp từ những nguyên liệu dễ kiếm này. Về miền Tây cũng có nghĩa là bạn về với xứ miệt vườn trái cây xum xuê, ăn trái cây đến thích luôn ấy. Con người nơi đây cũng rất hiền hòa dễ mến và rất thân thiện đặc biệt họ rất thích ca hát. Vui họ cũng ca, buồn họ cũng ca giống như đối với họ ca hát là cách giải tỏa nổi lo toan nhọc nhằn, họ đắm chìm vào lời ca tiếng hát để làm cuộc sống thêm thi vị.

Nghe đờn ca tài tử, bạn sẽ thấy tiếng đàn, tiếng hát cũng trở nên dễ nghe, dễ hát; nó gần gũi, phóng khoáng như con người nơi đây vậy

đình tuyển

Nói về tình yêu với vùng đất mà mình chưa từng sinh ra lớn lên ở đó và cũng chưa từng sinh sống ở đó có lẽ đối với nhiều người là một trải nghiệm rất khó vì chẳng biết gì và nói gì về nó. Nhưng với tôi mảnh đất này lại mang đến cho tôi một cảm xúc rất đặc biệt. Nhất là mỗi khi ngân nga câu Dạ cổ hoài lang:

“ Từ là từ phu tướng

Bửu kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Đêm năm canh mơ màng...”

Cảm giác ấy càng say đắm lòng người nếu bạn đã từng trải nghiệm cảm giác đêm về khuya, ngồi trên thuyền nghe những thanh âm của đờn ca, loại âm nhạc đặc sắc của riêng vùng sông nước giữa bầu trời đêm đầy sao trên dòng sông Hậu lộng gió, cảm giác trải nghiệm vô cùng tuyệt vời và đáng nhớ.

Nếu bạn đã từng nghe Nhã nhạc cung đình Huế bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng đây là âm nhạc bác học, thấm đẫm nét văn hóa Huế với âm hưởng rộn ràng, da diết, uyển chuyển, trang trọng mà tao nhã. Nhưng đờn ca tài tử lại khác khi nghe bạn sẽ thấy tiếng đàn, tiếng hát cũng trở nên dễ nghe, dễ hát nó gần gũi, phóng khoáng như con người nơi đây vậy. Dù bạn là trẻ con, người già dù là trai hay gái dù bạn hát hay hay dở bạn cũng có thể ngân nga vài câu vọng cổ, bạn cũng có thể hát lên vài điệu hát mang âm hưởng dân ca miền tây:

“… Má ơi đừng gả con xa

Chim kêu mà vượn hú biết nhà má đâu

Sương khuya ướt đẫm giàn bầu

Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai”

Những bài hát miền Tây như: Bông điên điển, Chiều qua phà Hậu Giang, Phải lòng con gái Bến Tre, Bạc Liêu hoài cổ… qua giọng ca truyền cảm của cố ca sĩ Phi Nhung - nữ ca sĩ mà tôi yêu thích - như đưa tôi qua mọi miền, mọi ngõ ngách của “miền sông nước hữu tình”. Trong lời ca tiếng hát ấy đã phác họa về một miền Tây với bông điên điển, với phà Rạch Miễu, với Bạc Liêu xứ cơ cầu…Cái xứ gì mà “muỗi kêu mà như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh” tưởng tượng thôi đã thấy sợ rồi ấy vậy mà tôi lại nhìn thấy nụ cười, và sự hài hước trong lời ca ấy. Trong nghịch cảnh, người miền Tây vẫn lạc quan đến vậy.

Tôi vẫn mong có dịp mình sẽ khám phá hết những nét văn hóa độc đáo của 13 tỉnh miền Tây Nam bộ. Tôi cũng rất vui là cho đến bây giờ người dân nơi đây vẫn yêu thích, lưu truyền và biểu diễn đờn ca tài tử. Gần đây con tôi cũng ngân nga bài ca “Ví dầu đưa dâu” bài hát đang rất nổi tiếng trong giới trẻ. Đây là bài hát mang âm hưởng dân ca miền Tây được phối âm phù hợp với thị hiếu âm nhạc của giới trẻ mà không làm mất đi nét đặc trưng truyền thống của dân ca nam Bộ. Điều này vừa giúp truyền tải nét thuần Việt gần gũi cho khán giả, vừa mang đến tinh thần thời đại mới. Hãy một lần đến miền Tây để yêu và để nhớ về một miền đất hiền hòa, dễ mến:

“… Bậu qua phà Rạch Miễu, vô Chợ Giữa nhởn nhơ

Về Cái Mơn Lương Hòa hay là về Sơn Đốc Ba Tri… ”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.