Thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho người nước ngoài, bỏ 'cộng dồn thành tích' khen thưởng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/10/2021 14:22 GMT+7

Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 đang diễn ra, dự kiến sẽ có nhiều nội dung sửa đổi về nguyên tắc, đối tượng, khắc phục tình trạng “cộng dồn thành tích” trong khen thưởng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, người sẽ thay mặt Chính phủ trình dự án luật Thi đua khen thưởng kỳ này

gia hân

Theo hồ sơ dự án luật mà Chính phủ gửi tới Quốc hội, dự thảo luật đã được thiết kế lại để nhấn mạnh tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, đảm bảo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung nguyên tắc “quan tâm khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo”.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ hơn đối tượng khen thưởng “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp” trong các loại hình khen thưởng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân.

Cụ thể, dự thảo luật quy định cụ thể đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh cho đối tượng là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học để thực hiện chủ trương của Đảng về chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác.

Dự thảo cũng dự kiến sửa đổi, bổ sung về đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương Lao động các hạng.

Đồng thời, bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Lao động các hạng và “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; Bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh cho cá nhân, tập thể có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; công tác xã hội, từ thiện nhân đạo.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng sẽ bỏ quy định về thời gian 5 năm 1 lần xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và danh hiệu “Anh hùng Lao động”, để đảm bảo nguyên tắc khen thưởng kịp thời động viên tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đáng chú ý, dự thảo luật Thi đua khen thưởng sửa đổi lần này cũng quy định mang tính nguyên tắc về Quỹ thi đua, khen thưởng: “Thủ trưởng cấp nào ra quyết định khen thưởng thì cấp đó có trách nhiệm chi tiền thưởng từ nguồn tiền thưởng do cấp mình quản lý”.

Đồng thời, quy định thẩm quyền hủy bỏ quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật, tiền thưởng; bổ sung quy định thẩm quyền quyết định tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước, do luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa quy định các nội dung này.

Dự án luật Thi đua khen thưởng sẽ được trình Quốc hội vào 23.10 tới và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.