Thước đo

Vũ Hân
Vũ Hân
18/04/2021 06:14 GMT+7

Cán bộ Phòng TN-MT TX.Đông Hòa và TX.Sông Cầu (Phú Yên) sai phạm trong quản lý đất đai , khiến hàng trăm hộ dân ngay tình “nằm không cũng trúng đạn”.

Đất đai hợp pháp của họ, quyền lợi hợp pháp của họ bỗng dưng bị đóng băng, đợi vụ án được điều tra, xét xử để tìm ra kẻ xấu thì họ mới được trả lại sự trong sạch. Chờ đợi bao lâu, họ phải chịu đựng những gì, thiệt hại trong thời gian chờ đợi đó ai chịu trách nhiệm... thì chỉ có bắc thang lên hỏi ông trời.
Để phá vỡ thế “cán bộ làm sai, dân mắc kẹt” đó, Sở TN-MT tỉnh Phú Yên yêu cầu chính quyền 2 thị xã này rà soát để trả lại quyền lợi chính đáng cho người ngay. Tuy nhiên, đã quá hạn 1 tháng, một nơi thì rà soát được một nửa, còn một nơi im lặng. Kết quả của việc im lặng đó là các cơ quan chức năng lại sắp... họp để bàn, và người dân lại đợi. Vòng luẩn quẩn này sợ rằng sẽ không kết thúc nhanh. Thiệt hại của người dân đương nhiên có, mà nói người có trách nhiệm ở các địa phương trên có sai không lại rất... khó.
Sự việc trên chỉ là một hiện tượng của cả một vấn đề, bởi việc vin vào “các quy định của pháp luật” để né tránh trách nhiệm quả không hiếm. “Thần chú” của những người này là chỉ đạo “xem xét thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”; và trả lời “chưa có căn cứ pháp luật” để thực hiện… Không có một văn bản, quy định nào có thể liệt kê cặn kẽ tất cả các trách nhiệm của một cán bộ, công chức; cũng như không có loại pháp luật nào có thể bao quát hết thực tiễn, nên những người không muốn làm quả thực có nhiều cách để né tránh. Người chịu hậu quả, xét cho cùng, không phải là họ.
Từ việc to đến việc nhỏ đều có thể thấy dấu vết hậu quả của việc né tránh trách nhiệm. Nó hằn lên trong số phận của những người dân mất cả cuộc đời đội đơn tìm công lý; trong mỗi đồng tiền thuế được mang ra trả lãi cho các dự án đắp chiếu nhiều nghìn tỉ đồng, mà nhiều người thà để của cải mục ruỗng đúng nghĩa đen theo cách đó, còn hơn thò bút ký để gắn trách nhiệm cá nhân mình vào; nó hằn lên trong cả những quán tính cũ kỹ bó buộc những “công bộc”, dù thâm tâm biết hành động sẽ đúng hơn, nhưng không hành động sẽ tốt hơn, cho chính họ.
Hẳn là tân Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhìn thấy và muốn sửa đổi, trước hết, thực tế này. Bởi thế, một trong những thông điệp đầu tiên trên cương vị mới, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần về việc “quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”, “làm việc nào dứt việc đó, trước hết giải quyết dứt điểm những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp đang trông chờ, những vấn đề vướng mắc, tồn đọng kéo dài từ lâu”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh “phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân” và “bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Ông đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì việc sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ.
“Không cầu toàn”, “lấy hiệu quả làm thước đo” cũng là một trong những thông điệp của Thủ tướng. Ông đã chọn một “thước đo” chuẩn, bởi giải phóng sức sáng tạo và sự cống hiến của cán bộ để đạt được hiệu quả mới khó, chứ bó họ trong cái áo “quy định” lại quá dễ dàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.