Thuê trọ ở TP.HCM: Tách bạch nhu cầu chỗ ở và nhà ở

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
03/05/2023 06:33 GMT+7

Những năm qua, câu chuyện về phát triển nhà ở, nhà trọ tại TP.HCM luôn là vấn đề nóng. Những xu hướng, vướng mắc, khuyến cáo, đặc biệt là phát triển nhà ở phù hợp 'túi tiền' của lao động di cư, hay người có thu nhập thấp... luôn được cập nhật, quan tâm.

Song chuyên gia cũng cho rằng câu chuyện này phải giải quyết được câu hỏi: "Nhu cầu thật sự của người lao động hiện nay là gì?".

NHỮNG CÂU HỎI BỎ NGỎ VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI

Ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), cho biết việc thuê trọ tại TP.HCM phân nhóm cũng khá rõ, ví dụ như nhóm lao động giản đơn, yếu thế; nhóm lao động có thu nhập tương đối qua các công việc văn phòng, hành chính lương khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng; nhóm có thu nhập cao.

Thông thường, nhóm "khó" nhất trước các sự lựa chọn rơi vào nhóm giữa và hiện nay vẫn không có thống kê nào chính xác được yêu cầu chỗ ở của nhóm này, có một số thì ở gần nơi làm việc, một số khác chấp nhận ở xa để có điều kiện hưởng thụ cuộc sống.

Thuê trọ ở TP.HCM: Tách bạch nhu cầu chỗ ở và nhà ở - Ảnh 1.

Bên trong nhà ở xã hội Becamex - Bình Dương

Tân Định

Nhưng đứng về mặt chính sách thì nguồn lực sẽ hầu như luôn hướng đến giúp người yếu thế có điều kiện sống tốt hơn, còn những người thuộc các nhóm còn lại thì để thị trường hướng định, giải quyết. Những năm qua, thấy được những loại hình mới, như căn hộ dịch vụ dành cho 1 - 2 người ở cũng là để đáp ứng nhu cầu của các nhóm có thu nhập khác đó.

Theo ông Thành, đối tượng được quan tâm nhiều nhất vẫn là công nhân, lao động thu nhập thấp. Việc phát triển nhà ở cho các nhóm này, những năm qua đã được nhắc tới nhiều. Song, ông lưu ý cần phải tách bạch nhu cầu chỗ ở và nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Chỗ ở có thể giải quyết bằng nhà lưu trú cho công nhân, tuy nhiên số người lao động chọn ở nhà lưu trú rất ít, nếu chưa nói là nguồn cung nhà lưu trú mới chỉ đáp ứng 10 - 15% nhu cầu. Đa số công nhân thuê phòng trọ bên ngoài để ở vì tiền thuê nhà trọ bên ngoài rẻ và họ được tự do, thoải mái hơn.

"Vậy thì còn nhà ở xã hội (NƠXH)? Công nhân muốn gì, nhà ở hay chỗ ở? Hiện nay chưa có cuộc điều tra xã hội học một cách quy mô để hiểu biết tường tận về nhu cầu thực sự của người lao động là gì. Nói nhu cầu muốn NƠXH của công nhân là rất cao, nhưng lại chưa nói kỹ về khả năng mua của họ. Chưa kể họ chưa nắm được các nguyên tắc, thủ tục mua nhà thế nào", ông Thành nói.

Đồng thời, nếu triển khai xong "1 triệu căn NƠXH" như kế hoạch thì phân phối nó như thế nào một cách hợp lý, công bằng, công nhân được hưởng bao nhiêu phần trăm trong số các căn NƠXH… Vì vậy, việc cụ thể hóa các chính sách, chủ trương là rất quan trọng.

Ông Thành cho rằng hầu như người lao động quan tâm chỗ lưu trú hơn là việc sở hữu căn nhà giá hơn 1 tỉ đồng. "Nếu quan sát, những lao động mua được NƠXH thì cũng đã làm rất lâu hoặc ở vị trí cao trong doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ của nhà nước để công nhân vay mua NƠXH chưa rõ ràng", ông Thành nói và cho biết thêm khi mới đây có thông tin rằng sẽ triển khai đồng bộ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho phát triển NƠXH với lãi vay thấp hơn 1,5 - 2% lãi vay bình quân của các ngân hàng, cơ quan chức năng phải nêu cụ thể bao nhiêu phần trăm của gói này là dành cho công nhân và cơ chế vay như thế nào.

Thuê trọ ở TP.HCM: Tách bạch nhu cầu chỗ ở và nhà ở - Ảnh 2.

Khu nhà trọ đường Bình Quới, P.28,Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Phạm Hữu

GIẢI PHÁP NÀO CHO "CHỖ Ở", "NHÀ Ở" CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG ?

Ông Thành cho rằng nên tập trung phát triển nhà cho thuê. Hiện nay, chỗ trọ có các phổ giá, hạng mức khác nhau, song tiền thuê nhà đã chiếm trên 20% thu nhập của người lao động. Vì vậy, cái người lao động cần trước mắt là nhà cho thuê giá cả phải chăng, môi trường sống tốt để có thể nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động - tức có một chỗ ở đàng hoàng.

"Nhà nước không thể nào can thiệp vào giá thuê và thị trường phòng trọ, nhưng có thể giám sát việc thực hiện các quy định về phòng trọ để đảm bảo đủ tiêu chuẩn sinh sống, vệ sinh, an toàn. Nhưng khi "siết" rồi thì phải có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các chủ nhà trọ cải thiện các điều kiện sinh hoạt, có vậy vấn đề mới được giải quyết hài hòa", ông Thành nói.

Song song đó, ông Thành cũng lưu ý việc phát triển NƠXH cho công nhân. Theo đó, hiện nay các chính sách dường như chỉ tập trung vào vai trò của nhà nước và đối tượng thụ hưởng là công nhân, chứ chưa đề cập đến vai trò DN của người lao động làm việc.

"Tôi cho rằng vai trò của DN là rất quan trọng. Thứ nhất, nằm ở chỗ DN cần phải có sự hỗ trợ nhất định cho người lao động để mua NƠXH. Hai là đồng hành cùng công đoàn để chọn được các đối tượng công nhân xứng đáng dựa trên các tiêu chí như gắn bó với DN lâu dài, có thành tựu trong sản xuất…", ông Thành nói.

Ông Thành cũng cho rằng hiện nay những ưu đãi cho nhà đầu tư bất động sản (BĐS) chưa đủ để họ tham gia vào chương trình này. "Ngoài thủ tục hành chính thông thoáng thì lãi suất phải có sức hấp dẫn nhất định, và làm sao đó để những DN được "giải vây" trong thị trường BĐS sẽ phát triển các căn hộ cho người có thu nhập thấp, thay vì cấp độ cao cấp", ông Thành nói thêm.

Sau cùng, theo ông Thành, việc phát triển nhà ở, nhà trọ… quan trọng nhất là phải có sự gắn kết giữa các bên với nhau, và các bên đều cùng có lợi.

"Tôi tin rằng chúng ta nên đổi quan điểm tiếp cận rằng phát triển các nhà ở, nhà trọ cho thuê… để đáp ứng túi tiền của người lao động có thu nhập thấp không phải là sự "thi ân", "đặc ân" hay nhân đạo, mà hãy làm nó với tâm thế là chúng ta đang phát triển dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các nhóm trong xã hội", chuyên gia này nhấn mạnh. 

"KHUYẾT" HÀNH LANG PHÁP LÝ ?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho hay hiện nay thị trường BĐS TP.HCM có xuất hiện tình trạng "lệch pha phân khúc thị trường", "lệch" về phân khúc nhà ở cao cấp, trong khi đó lại đang rất thiếu nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỉ đồng/căn, thiếu NƠXH và nhà lưu trú công nhân.

Năm 2020, nhà ở bình dân chỉ chiếm 1%, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 không còn nhà ở bình dân (0%). Ngược lại, năm 2020 nhà cao cấp chiếm 42,1%; năm 2021 nhà cao cấp chiếm 74% và trong 6 tháng đầu năm 2022 nhà ở cao cấp chiếm áp đảo đến 80,1%, còn lại là nhà ở trung cấp. Trong 5 năm (2015 - 2020), TP.HCM thực hiện được 15.000 căn hộ NƠXH, đạt 75% kế hoạch nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở, nhất là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

TP.HCM có 285.000 công nhân tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng chỉ có 15% được thuê ở tại các nhà lưu trú công nhân. Đồng thời, TP.HCM có khoảng 60.470 cơ sở nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình với 560.219 phòng trọ đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân lao động thuê phòng trọ, nhưng tiền thuê nhà đã chiếm khoảng 20% thu nhập của công nhân lao động.

Kết quả khảo sát của các bên liên quan cũng cho thấy đa số công nhân, nhất là công nhân may mặc có thu nhập thấp nên chỉ có thể thuê phòng trọ với giá thuê khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Đồng thời, có khoảng 60% công nhân lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê NƠXH, phòng trọ để sau một thời gian 10 - 15 năm làm việc tích lũy được một số vốn rồi trở về quê.

Ông Châu nhận định hiện nay cũng có nhiều khu nhà trọ chất lượng ngày càng tốt hơn so với 15 năm trước. Trong đó, thấy được xu hướng mới như trọ chung chủ, các phòng trong chung cư cho thuê. Thực tế, các hộ gia đình, cá nhân đang là lực lượng nòng cốt đã giúp giải quyết chỗ ở cho công nhân lao động và người nhập cư, thế nên đây là loại hình cần khuyến khích và nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho chủ phòng trọ cho thuê.

"Vậy thì còn vướng mắc nào không? Thông tư 09/2021 của Bộ Xây dựng đã thay thế Thông tư 20/2016, không còn quy định "tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở", nên hiện nay các địa phương không còn căn cứ pháp luật để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng, an toàn PCCC, tiện ích. Thế nên tôi đã kiến nghị rất nhiều lần cần phải quy định bổ sung "tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê" vào dự thảo tiêu chuẩn quốc gia cho loại hình nhà ở riêng lẻ - yêu cầu chung về thiết kế", ông Châu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.