Thuế bỏ sót 'người giàu'?

31/05/2023 04:23 GMT+7

Trong khi người làm công ăn lương phải đóng thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từ 5 - 35% thì các cá nhân như YouTuber, TikToker, bán hàng qua mạng… đóng với thuế suất thấp hơn. Đặc biệt, có rất nhiều người được phát hiện có thu nhập "khủng" nhưng không ai biết có nộp thuế và số thuế đã nộp có đúng theo thu nhập thực tế hay không.

Youtuber kiếm tiền tỉ, đóng thuế nhỏ giọt

Chẳng hạn, theo thống kê của trang Social Blade đến ngày 30.5, YouTuber Thơ Nguyễn là kênh có 10 triệu người theo dõi. Ước tính của trang này cho thấy mỗi tháng, Thơ Nguyễn có thể thu nhập được từ 20.000 - 319.000 USD, tương đương thu nhập mỗi năm từ 239.600 USD - 3,8 triệu USD. Quy đổi, kênh Thơ Nguyễn có thu nhập từ hơn 5,5 tỉ đồng - 88,5 tỉ đồng. 

Theo quy định hiện nay, các YouTuber phải đóng thuế 7% trên doanh thu (bao gồm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 2% và thuế giá trị gia tăng 5%). Như vậy, số thuế Thơ Nguyễn phải đóng khoảng từ 380 triệu - 6 tỉ đồng cho một năm. Thế nhưng, theo thông tin từ Cục Thuế Bình Dương, chủ tài khoản Thơ Nguyễn là bà Nguyễn Thị Hồng Thơ, ngụ tại Bình Dương, năm 2020 nộp thuế 360 triệu đồng và đầu năm 2021 nộp 213,5 triệu đồng. Như vậy có thể thấy YouTuber chỉ khai đóng thuế ở mức thu nhập thấp nhất là chưa đến 4 tỉ đồng/năm.

Thuế bỏ sót 'người giàu'? - Ảnh 2.

Các YouTuber, TikToker có thu nhập khủng nhưng đóng thuế ít hơn nhiều so với người làm công ăn lương

NGỌC DƯƠNG - NHẬT THỊNH

Giả sử một cá nhân làm công ăn lương có tổng thu nhập khoảng 4 tỉ đồng/năm, sau khi khấu trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và 2 người phụ thuộc, thu nhập chịu thuế TNCN là 3,76 tỉ đồng, ngưỡng 35%, số tiền phải nộp hơn 1,3 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ đóng thuế hơn 32% trên tổng thu nhập. Như vậy, dù có cùng mức thu nhập nhưng người làm công ăn lương phải đóng thuế TNCN cao hơn gấp từ 3 - 6 lần so với số thuế mà YouTuber Thơ Nguyễn đã nộp.

Trên thực tế không chỉ có mình YouTuber Thơ Nguyễn, hàng loạt YouTuber, TikToker khác đã trở nên nổi tiếng nhiều năm liền và có số lượng người theo dõi rất đông. Ví dụ, kênh NTN sau khi cán mốc 10 triệu lượt đăng ký vào đầu tháng 8.2021 đã trở thành cá nhân đầu tiên ở VN đạt nút Kim cương và đến nay có 10,2 triệu người theo dõi. Chủ nhân của kênh là Nguyễn Thành Nam (ở Thái Bình) còn có đến 3 kênh YouTube chính thức khác gồm Mr Nam Vlogs, Mr Nam Gaming và NTN Vlogs. Thống kê của trang Social Blade cho thấy, hiện kênh này có thu nhập hằng năm trung bình ước tính từ 153.000 - 1,7 triệu USD, tương đương 3,7 - 40 tỉ đồng. Một kênh YouTube khác cũng có lượng fan "khủng" là Cris Devil Gamer với 10,6 triệu lượt đăng ký theo dõi và cũng đạt được nút Kim cương từ tháng 10.2021. Một ước tính trước đây cũng của Social Blade, mỗi năm doanh thu của người sở hữu kênh này là Phan Lê Vy Thanh từ 162.400 - 2,6 triệu USD, tương đương 3,9 - 62,4 tỉ đồng… Hầu hết các YouTuber này đóng thuế bao nhiêu, đóng hay không đều không được công khai.

Tương tự, nhiều cá nhân kinh doanh trên mạng cũng có thu nhập "khủng" nhưng theo quy định chỉ nộp thuế 1,5% trên tổng doanh thu (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế TNCN). Không có số liệu chính xác nào từ hoạt động này, thế nhưng theo Bộ Công thương, năm 2022 quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ trong nước ước đạt 16,4 tỉ USD, tương đương 393.000 tỉ đồng, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. 

Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, VN được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Với doanh số trên, ước tính số thuế từ hoạt động này sẽ hơn 5.800 tỉ đồng/năm. Nhưng năm qua, ngành thuế chỉ thu được từ các tổ chức và cá nhân trong nước có hoạt động thương mại trên tỉ đồng với hơn 600 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là từ các tổ chức, doanh nghiệp (DN). Như vậy, số thuế TNCN từ lượng cá nhân kinh doanh trên mạng chỉ là "muối bỏ biển".

Hát đám cưới, thu nhập bằng 1 chiếc ô tô

Không chỉ các YouTuber, TikToker hay cá nhân kinh doanh, bán hàng trên các trang mạng xã hội, thu nhập của giới ca sĩ từ lâu cũng trở thành chủ đề quan tâm của công chúng. Vào cuối năm 2022, "Ngọc nữ bolero" T.M tuyên bố đi hát cho một đám cưới ở miền Tây có tiền cát sê bằng giá 1 chiếc ô tô. Một DN từng tổ chức chương trình ca nhạc cho biết, giá cát sê mời ca sĩ khá đa dạng. Trong một chương trình ca nhạc cách đây 2 năm, DN mời ca sĩ M. thuộc hạng A hát 3 bài có giá từ 500 - 600 triệu đồng. Còn các ca sĩ hạng B thì tầm vài chục triệu đồng một bài hát.

Cũng cuối năm 2022, ca sĩ S.B bị nợ số tiền thuế TNCN gần 100 triệu đồng nên không được xuất cảnh biểu diễn ở nước ngoài khiến nhiều người quan tâm. Ðây chỉ là một trong những trường hợp văn nghệ sĩ bị phát hiện nợ thuế. Từ năm 2016 đến tháng 7.2019, Cục Thuế TP.HCM đã truy thu thuế văn nghệ sĩ với số thuế hơn 31 tỉ đồng. Trong đó, năm 2019, cơ quan thuế truy thu 15 tỉ đồng tiền thuế đối với văn nghệ sĩ. Mức thuế truy thu cao nhất trong số này thuộc về một đạo diễn sống tại TP.HCM với số tiền 2,4 tỉ đồng. 

Năm 2016, Cục Thuế đã truy thu thuế của 20 nghệ sĩ với số tiền 5,3 tỉ đồng; năm 2017 truy thu 12 nghệ sĩ với 6,6 tỉ đồng; năm 2018 truy thu 5 nghệ sĩ với 4,5 tỉ đồng. Năm 2012, Cục Thuế TP.Hà Nội cũng đã thực hiện truy thu 600 triệu đồng tiền thuế của 6 nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có 1 đạo diễn có thu nhập trên 1 tỉ đồng, một ca sĩ có thu nhập gần 1 tỉ đồng trong năm. Ðáng nói, số tiền đóng thuế của các nghệ sĩ, người nổi tiếng ngày càng trở nên bí mật.

Cách đây 17 năm, một danh sách thu nhập cũng như số thuế mà ca sĩ phải đóng trong năm được công bố, thu hút nhiều người quan tâm. Trong đó, ca sĩ H.N.H đóng thuế cao nhất ở mức 179,5 triệu đồng, với thu nhập 732 triệu đồng. Kế đến là ca sĩ L.T với thu nhập 693 triệu đồng, số thuế đóng 137 triệu đồng. Ðứng thứ 3 là ca sĩ Ð.V.H với số thuế đóng 132 triệu đồng dù thu nhập cao nhất 780 triệu đồng… Mức thu nhập được công bố khi đó khiến nhiều người ngỡ ngàng vì thấp hơn nhiều so với thực tế. Thế nhưng từ đó đến nay, cơ quan thuế cũng gần như không tiết lộ danh tính những văn nghệ sĩ nộp thuế hay bị truy thu thuế trong khi cát sê tăng nhiều lần.

Theo một cán bộ thuế, giới văn nghệ sĩ hoạt động không theo tên gọi mà bằng nghệ danh, thường có những công ty quản lý nên ký hợp đồng dưới danh nghĩa công ty. Do đó, thu nhập hay số thuế mà văn nghệ sĩ nộp khó thống kê. Nhiều ca sĩ hoạt động vài năm đã nghe sắm nhà hàng chục tỉ, đi xe cả tỉ đồng; nhưng số tiền thuế mà họ nộp vào ngân sách nhà nước bao nhiêu thì thật sự không có con số nào (?). Nhiều nghệ sĩ ngoài hoạt động biểu diễn còn có thu nhập từ nhiều nguồn như quảng cáo cho thương hiệu DN, sản phẩm, dẫn chương trình, chụp hình... Nhưng tổng hợp chung về thu nhập của họ là bao nhiêu thì không ai biết, hoàn toàn trái ngược với người làm công ăn lương thì DN đều khai báo đầy đủ. Ðó là chưa kể nhiều YouTuber, TikToker, ca sĩ, nghệ sĩ… có thể chuyển thu nhập sang công ty để được khấu trừ tất cả chi phí hoạt động và chỉ đóng thuế thu nhập DN nếu có lãi, trong khi người làm công ăn lương không thể thực hiện được điều này.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 30.5

Trong năm 2022, Cục Thuế TP.HCM đã xử lý 38 người có thu nhập từ Google với số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp lên đến 169 tỉ đồng. Trong đó, một người có thu nhập "khủng" từ Google nhưng "quên" nộp thuế đã bị Chi cục Thuế khu vực Q.7 - Nhà Bè truy thu và phạt 31 tỉ đồng… Thế nhưng các con số này chỉ như muối bỏ biển so với doanh thu cũng như tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử ở VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.