Thuê bao chưa cập nhật CCCD, sai ngày sinh, có bị khóa SIM vào ngày 31.3?

Thu Hằng
Thu Hằng
30/03/2023 18:33 GMT+7

Sau khi làm theo hướng dẫn nhắn tin tới số 1414 để kiểm tra thông tin thuê bao, nhiều người dân lo lắng bị khóa SIM do thông tin cá nhân bị sai ngày tháng năm sinh, chưa cập nhật số căn cước công dân (CCCD) mới.

Phát hiện sai sót nhờ nhắn tin số 1414 

Cách đây 2 năm, sau khi sử dụng thêm số điện thoại mới, anh C.N.T, trú tại Q.Đống Đa (Hà Nội) đã đến nhà mạng Mobifone để đăng ký và chuyển đổi thuê bao chính chủ. Mặc dù không nhận được tin nhắn từ nhà mạng yêu cầu chuẩn hóa thông tin trùng khớp với các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, song sáng 30.3, anh T. vẫn nhắn tin đến số 1414 để kiểm tra thông tin. 

Thuê bao chưa cập nhật CCDD, sai ngày sinh, có bị khóa SIM vào ngày 31.3?   - Ảnh 1.

Người dân đến điểm giao dịch của nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao

NGỌC THẮNG

Anh T. bày tỏ: "Tôi có đọc tin tức trên báo, người dùng có thể nhắn tin miễn phí để kiểm tra thông tin thuê bao nên tôi cũng làm theo hướng dẫn. Bất ngờ là thông tin chủ thuê bao vẫn là chủ cũ, chứ không phải tôi. May mình cẩn thận kiểm tra, nếu không thì ngày mai bị khóa SIM thì thật là phiền phức".

Khác với anh T., anh L.Q.P, trú Hải Phòng đã thực hiện chuẩn hóa thông tin, nhưng trong 2 ngày qua vẫn liên tục nhận được tin nhắn yêu cầu chuẩn hóa từ phía nhà mạng. "Tôi nhắn tin đến số 1414 để kiểm tra thì thấy thông tin gần như đã chính xác, chỉ có số chứng minh nhân dân cũ, chưa cập nhật số CCCD mới. Trong khi đó khi mình đi làm CCCD gắn chíp đã khai số điện thoại rồi. Không biết trường hợp của tôi có cần phải khai báo thêm gì nữa hay không?", anh P. thắc mắc.

Tương tự, nhiều bạn đọc của Thanh Niên cho biết, sau khi kiểm tra thông tin thuê bao đã phát hiện ra bị sai ngày sinh, sai tên đệm... và đặt câu hỏi liệu có bị khóa SIM hay không?

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao, bảo đảm thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động được quản lý đầy đủ, chính xác có vai trò hết sức quan trọng. 

Nếu như trước đây việc chuẩn hóa chỉ dừng ở mức đối chiếu, bảo đảm trùng khớp giữa thông tin được khách hàng cung cấp khi mua, đăng ký SIM và thông tin lưu trữ tại nhà mạng thì lần này, sau khi có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm dữ liệu gốc để đối chiếu, xác thực thì việc chuẩn hóa hướng tới mục tiêu bảo đảm thông tin thuê bao đúng quy định và trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó, góp phần làm giảm các hoạt động lợi dụng SIM có thông tin thuê bao không đúng để thực hiện các hoạt động quảng cáo không đúng sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật.

Thuê bao chính chủ có số CMND vẫn được ghi nhận

Liên quan đến vấn đề nhiều người dân chưa cập nhật thông tin số CCCD mới, đại diện Cục Viễn thông cho hay, trong lần rà soát này, thông tin thuê bao đăng ký chính chủ bằng số chứng minh nhân dân vẫn được ghi nhận. Tuy nhiên, về lâu dài người dùng nên chủ động cập nhật lại thông tin mới nhất với nhà mạng, nhằm tạo thuận tiện cho giao dịch. 

Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm cập nhật lại thông tin thuê bao khi có thay đổi giấy tờ đã xuất trình khi giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung hoặc khi nhận được thông báo của doanh nghiệp viễn thông về thông tin thuê bao không đúng quy định.

Về sai lệch thông tin cá nhân, đại diện Cục Viễn thông cho hay, việc sai lệch thông tin có thể do nhiều nguyên nhân như: lỗi nhập liệu khi thực hiện số hóa các dữ liệu thông tin thuê bao đăng ký tại nhà mạng, lỗi kỹ thuật trong quá trình đối soát... "Khách hàng, người sử dụng thuê bao di động có thể phối hợp với các nhà mạng để chuẩn hóa thông tin đảm bảo quyền lợi. Người sử dụng có thể nhắn tin tới số 1414 với cú pháp TTTB hoàn toàn miễn phí để biết được thuê bao của mình đã có thông tin đúng và đầy đủ chưa", ông Nhã nói.

Với mục tiêu đến ngày 31.3, các thuê bao đang hoạt động đều phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau khi đối soát, Bộ TT-TT đã yêu cầu các mạng thông báo tới khách hàng và xây dựng nhiều kênh hỗ trợ chuẩn hóa thông tin (trực tuyến qua ứng dụng, trang web, trực tiếp tại cửa hàng hoặc nhân viên của nhà mạng tới gặp khách hàng). 

Để tránh bị lừa đảo, Cục Viễn thông khẳng định, các đơn vị của Bộ TT-TT cũng như cơ quan quản lý nhà nước không gọi điện tới người dân yêu cầu chuẩn hóa thông tin. Việc thông báo đề nghị chuẩn hóa chỉ được thực hiện bởi các kênh chính thức của các nhà mạng.

Người sử dụng lưu ý việc chuẩn hóa là hoàn toàn miễn phí, không có nội dung nào yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu (nếu có) liên quan đến chuyển tiền, cung cấp số tài khoản ngân hàng gắn với chuẩn hóa thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.