Thức thâu đêm để ôn thi nước rút

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
23/06/2019 09:02 GMT+7

Còn một ngày nữa là sĩ tử cả nước bước vào kỳ thi THPT quốc gia . Nhiều thí sinh đã quên ăn, quên ngủ để ôn luyện với mong muốn sẽ đạt được kết quả cao nhất.

Thức đến 4 giờ sáng để luyện phân tích tác phẩm

Việc thức quá khuya sẽ khiến các bạn dễ bị giảm trí nhớ do ngủ không đủ giấc hoặc ngủ sai giờ giấc. Hãy để cho đầu óc được thư giãn thì mới có thể minh mẫn, tỉnh táo để vận dụng tốt các kiến thức đã học vào bài thi
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
Dù kiến thức đã “hòm hòm” nhưng Ngọ Duy Tuấn Minh, học sinh (HS) lớp 12A7 Trường THPT Trần Phú, TP.HCM, mấy ngày này vẫn miệt mài thức khuya để ôn thi. Minh cho biết mình thi 6 môn bao gồm toán, văn, tiếng Anh, bài thi khoa học xã hội (sử, địa và giáo dục công dân). “Mọi thứ cũng đã ổn nhưng mấy ngày cuối em muốn tập trung nhiều vào môn văn, đi sâu vào việc phân tích tác phẩm. Ngoài ôn thi ở nhà, em còn học nhóm 1, 2 buổi và ôn tập tại trường vào buổi sáng cho đến hết tuần này”, Minh chia sẻ.
Phụ huynh của Minh cho biết, có đêm Minh thức đến 4 giờ sáng để học, vì thời điểm ban đêm yên tĩnh, dễ tiếp thu hơn.
Tương tự, Nguyễn Thu Thủy (học chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) dù đã tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tại một trường ĐH và đạt học bổng vào ngành mình yêu thích, nhưng em vẫn không quên nhiệm vụ trước mắt là thi tốt nghiệp, nên vẫn miệt mài ôn đều 6 môn. Mẹ của Thu Thủy cho biết: “Con vẫn đi học thêm và đêm nào cũng thức tới 1 - 2 giờ sáng. Vì thức khuya nên hôm sau 9 giờ con mới dậy, bỏ bữa sáng, ăn bữa trưa luôn”. Mới đây, khi Thủy biết mình đậu học bổng vòng 1 vào trường ĐH mình thích và phải tiếp tục vòng 2 với bài luận, Thủy đã bắt đầu thức để viết miệt mài từ 22 giờ cho tới 4 giờ sáng. Với thói quen thức khuya để học bài, những ngày này Thủy vẫn tiếp tục thâu đêm để quyết tâm đạt được thành tích cao trong kỳ thi. Thủy tiết lộ các bạn của mình cũng đều có tâm lý quyết tâm như vậy.
Trong khi đó, Dương Hòa Bảo Trân, lớp 12A2 Trường THPT Ernst Thalmann, TP.HCM, cũng đang gấp rút tập trung vào môn văn. Lý do vì những môn còn lại thi trắc nghiệm, theo Trân là do tiếp thu bài giảng trên lớp nên đã khá tự tin. “Ngoài ra, em còn tìm đọc những vấn đề nổi cộm gần đây được bàn luận nhiều trên mạng xã hội để có thêm kiến thức, kỹ năng làm bài nghị luận xã hội. Dạng bài này dễ mà khó, để đạt được điểm cao thì cần phải nắm nhiều thông tin thời sự, có cái nhìn khái quát và có chính kiến nhất định”, Trân chia sẻ. Mấy ngày sát nút, Trân và bạn bè vẫn lên trường để được thầy cô hướng dẫn ôn thi, hệ thống lại toàn bộ kiến thức.

Cha mẹ hết mình hỗ trợ

Chị Nguyễn Thị Hòa Phương, phụ huynh của Thu Thủy, cho biết hằng ngày thấy con thức khuya học bài, sáng dậy trễ, vợ chồng chị rất lo lắng. “Cảm xúc vừa thương vừa lo vì giấc ngủ của con trái với nhịp sinh học. Còn chuyện ăn uống của con thì càng tệ hơn vì dậy trễ mệt nên không ăn bữa sáng. Thời gian qua mình cũng mua một số loại thuốc bổ để tăng tuần hoàn máu não cho con uống, bổ sung thêm các loại trái cây mà con thích. Thực sự kỳ thi này là bước ngoặt lớn nên dù con có học tốt thì phận làm cha mẹ vẫn không thể không căng thẳng. Cảm giác còn lo lắng hơn lúc con từ lớp 9 thi lên lớp 10 nhiều”, chị Hòa Phương cho hay.
Anh Hoàng Tuấn Minh, phụ huynh của Hoàng Tuấn Hải, HS Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, lại thường xuyên lên mạng đọc những bài báo có lời khuyên của chuyên gia về cách học thi sao cho khoa học, rồi khuyên lại con mình không nên thức quá khuya. Anh Minh kể lại: “Thế nhưng con bảo phải thức để hệ thống lại toàn bộ kiến thức, đào sâu được thêm chút nào hay chút đó, nên vợ chồng mình chỉ còn cách động viên con, nấu cho con món ngon, con có mong muốn gì thì hỗ trợ để con có thể an tâm bước vào kỳ thi”.
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng việc thí sinh và phụ huynh lo lắng, căng thẳng là không thể tránh khỏi trong những ngày này. “Tuy nhiên, chỉ còn một hai ngày nữa là bắt đầu thi, thì việc thức quá khuya sẽ khiến các bạn dễ bị giảm trí nhớ do ngủ không đủ giấc hoặc ngủ sai giờ giấc. Phải ăn đủ no và ngủ đủ giấc, bên cạnh đó buổi sáng nên vận động để cơ thể được khỏe khoắn. Hãy để cho đầu óc được thư giãn thì mới có thể minh mẫn, tỉnh táo để vận dụng tốt các kiến thức đã học vào bài thi”, tiến sĩ Điệp đưa ra lời khuyên.

Kinh nghiệm học thi từ thủ khoa

Theo kinh nghiệm của Nguyễn Lê Vân, thủ khoa khối D Trường ĐH Ngoại thương năm 2015, những ngày sắp đến kỳ thi THPT quốc gia, Vân sẽ không học bài mới mà chỉ ôn lướt qua những gì đã học.
Đào Ngọc Minh Huy, thủ khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2017, chia sẻ một tuần trước khi thi nên tập đi ngủ sớm để tạo nên thói quen và có được sự tỉnh táo cho đầu óc. “Hầu hết các thí sinh thì thời gian ôn thi thường sẽ thức khuya, thậm chí mất ăn mất ngủ chỉ vì lo lắng cho kỳ thi THPT quốc gia. Nhưng điều này không nên, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Các bạn thường nhầm tưởng là học nhiều thì sẽ nhớ nhiều nhưng chúng ta chỉ nhớ được nhiều và hấp thu kiến thức hiệu quả khi đầu óc chúng ta tỉnh táo nhất”, Huy chia sẻ.
Nguyễn Thị Khánh Huyền, thủ khoa khối A Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2017, cũng khuyên thí sinh không nên học kiến thức mới những ngày trước khi thi.
Nữ Vương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.