Thực phẩm độc hại bủa vây người dùng: Nhiều lỗ hổng quản lý

16/07/2023 06:24 GMT+7

Thực trạng rau muống, bắp chuối bào 'tắm' hóa chất tồn tại từ lâu, nhiều lần Báo Thanh Niên đã phản ánh, cơ quan chức năng cũng vào cuộc kiểm tra xử lý, nhưng bẵng đi một thời gian lại đâu vào đấy.

PHẢI QUẢN LÝ CHẶT NGUỒN CUNG HÓA CHẤT

Về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, cho rằng bản thân không ủng hộ việc dùng hóa chất trộn vào thực phẩm. Đặc biệt, đa số vụ việc dùng hóa chất "tắm trắng" rau muống, bắp chuối là tận dụng hóa chất công nghiệp, vốn tồn tại nhiều tạp chất. Lý do các cơ sở dùng hóa chất công nghiệp vì rẻ hơn hóa chất dùng cho thực phẩm rất nhiều lần.

Thực phẩm độc hại bủa vây người dùng: Nhiều lỗ hổng quản lý - Ảnh 1.

Kiểm tra, lập biên bản tại một cơ sở vi phạm

TRẦN DUY KHÁNH - LÊ BÌNH

Nói về tác hại của việc sử dụng thực phẩm ngâm, tẩm hóa chất, bà Lan nhấn mạnh nguyên tắc nếu ăn phải số lượng nhiều, ăn hằng năm, hằng tháng thì kiểu gì cũng sẽ gây hại. "Không thể nói ngay là ăn hóa chất này sẽ bị ung thư nhưng sẽ làm tăng nguy cơ, gây hại lên nội tạng như gan, thận sau quá trình tích tụ", bà Lan nói và khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin vào những sản phẩm quá đẹp đẽ.

Ngã ngửa vì ‘công nghệ' tắm trắng bắp chuối bào bằng hóa chất lạ

Còn về gốc rễ, theo bà Lan là phải quản lý chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng hóa chất. Đơn cử như chợ Kim Biên (Q.5. TP.HCM) có 16 cơ sở kinh doanh hóa chất, phụ gia dùng cho thực phẩm được cấp phép. Những cơ sở này được Ban Quản lý ATTP theo dõi chặt chẽ, kể cả cử chuyên viên hóa trang vô mua. Hàng hóa tại đây phải có hướng dẫn phụ gia, hóa chất này dùng cho sản phẩm gì. "Tuy nhiên, những hộ xung quanh không được cấp phép nhưng vẫn bán hóa chất công nghiệp. Người ta vô mua phẩm màu, đâu ai nói dùng để nấu này nấu kia, cũng không ai hỏi mua để làm gì. Như vậy, quản lý chưa thống nhất", bà Lan phân tích. Chưa kể, TP.HCM có đề án thành lập trung tâm hương liệu để quản lý hóa chất nhưng đến nay vẫn đang "giậm chân tại chỗ".

Nói về trách nhiệm quản lý, bà Lan khẳng định cơ quan chịu trách nhiệm xử lý là Ban Quản lý ATTP TP.HCM ở cấp TP, và thanh tra địa bàn các quận huyện.

Để phát hiện rất khó vì phải làm theo quy trình. Có những vụ việc, công an phải theo dõi, xử lý vì có thẩm quyền đột nhập để bắt tại chỗ. Trong khi đó, thanh tra chuyên ngành chỉ được kiểm tra các địa điểm đã cấp phép.


Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM

Dù vậy, lãnh đạo Ban Quản lý ATTP TP.HCM phân trần việc bắt quả tang để xử lý rất khó vì "người ta đâu có ngồi khơi khơi cho mình bắt đâu". Việc sử dụng hóa chất công nghiệp để tẩy rửa thực phẩm là một hành vi phi pháp nên các cơ sở làm lén lút. "Để phát hiện rất khó vì phải làm theo quy trình. Có những vụ việc, công an phải theo dõi, xử lý vì có thẩm quyền đột nhập để bắt tại chỗ. Trong khi đó, thanh tra chuyên ngành chỉ được kiểm tra các địa điểm đã cấp phép.

Chưa kể, khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng bắt được quả tang thì phải chứng minh thiệt hại với người dân để xác định khung xử phạt hành chính. Nếu xử phạt vài triệu đồng thì chưa có ý nghĩa gì nhiều", bà Lan nhận định.

Bà Lan nói bản thân rất ủng hộ báo chí phản ánh thực trạng này, đồng thời chủ động phối hợp với Ban Quản lý ATTP TP.HCM để xử lý rốt ráo những cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, người dân phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm thì chủ động tố giác, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Bà Lan cũng nhấn mạnh các cơ sở buôn bán nhỏ ở chợ thì địa phương phải nắm, ban sẽ hỗ trợ, phân công nhân sự tham gia cùng các quận huyện.

Thực phẩm độc hại bủa vây người dùng: Nhiều lỗ hổng quản lý - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng thu giữ hóa chất tại một cơ sở rau muống bào ở H.Củ Chi

TRẦN DUY KHÁNH - LÊ BÌNH

GIAO CÔNG AN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ

Chiều 14.7, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Đình Đức, Phó chủ tịch UBND H.Củ Chi, cho biết trên địa bàn huyện có khoảng 10 cơ sở thu gom, sơ chế, kinh doanh rau muống. Từ ngày 10.7 đến nay, huyện đã kiểm tra 6 cơ sở, trong đó có cơ sở mà Báo Thanh Niên phản ánh.

Cụ thể, ngày 10.7, Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP huyện phối hợp Đội quản lý ATTP liên quận huyện Củ Chi - Hóc Môn - Q.12 và Báo Thanh Niên kiểm tra cơ sở sơ chế rau muống trên đường số 162, ấp 5, xã Bình Mỹ do ông Nguyễn Văn Giang làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang xử lý hơn 330 kg rau muống bào. Chủ cơ sở trình bày, sử dụng dung dịch màu xanh để ngâm rau muống bào nhằm mục đích giữ màu xanh cho rau và bảo quản lâu hơn. Đáng chú ý, chủ cơ sở không xác định được tên, nguồn gốc, địa chỉ của người cung cấp dung dịch này. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu rau trên gửi kiểm nghiệm, sau khi có kết quả sẽ mời chủ cơ sở làm việc. 

"Nếu chủ cơ sở sử dụng chất cấm, có dấu hiệu hình sự thì sẽ chuyển cơ quan công an tiếp tục xử lý", ông Đức nói.

Rợn người ‘công nghệ’ phù phép rau muống bào siêu bẩn, biến héo thành tươi

Đóng cửa, tắt đèn khi lực lượng chức năng đến kiểm tra

Sau khi tiếp nhận thông tin từ Báo Thanh Niên cung cấp, ngày 10.7, đoàn liên ngành gồm: Ban Quản lý ATTP TP.HCM, Phòng Kinh tế TP.Thủ Đức, Phòng TN-MT, Phòng Y tế, UBND P.Tam Bình, Công an TP.Thủ Đức tiến hành kiểm tra 4 cơ sở bắp chuối bào xung quanh con hẻm bên hông chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức.

Theo biên bản làm việc của đoàn liên ngành, toàn bộ 4 cơ sở đều không xuất trình được giấy phép hoạt động, kinh doanh trong môi trường không đảm bảo vệ sinh ATTP theo quy định, không có hệ thống xử lý nước thải sau sản xuất, đồng thời 2/4 cơ sở sử dụng phụ gia không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài việc thu giữ hơn 300 kg bắp chuối và chất phụ gia, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cả 4 cơ sở bắp chuối bào nói trên phải tạm ngưng hoạt động kể từ ngày kiểm tra đến khi xuất trình đủ giấy tờ liên quan theo quy định, đồng thời giao UBND P.Tam Bình giám sát chặt chẽ, không để tình trạng này tiếp diễn. 

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 14.7, bà Trần Kim Tuyền, Phó chủ tịch UBND P.Tam Bình, cho biết: "Liên quan các cơ sở bắp chuối bào mà báo phản ánh, UBND phường đã phối hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra hết các cơ sở sản xuất này. Hầu hết các cơ sở nói trên đều hoạt động kiểu tạm bợ, địa chỉ không rõ ràng, khi thấy đoàn kiểm tra thì các cơ sở này đóng cửa, tắt đèn không hợp tác. Đoàn gọi mãi các nhân viên làm việc cho cơ sở mới mở cửa, nhưng không gặp được chủ, nên không kiểm tra được giấy phép cũng như các giấy tờ liên quan. Hiện nay UBND phường đã cắt cử cán bộ phối hợp với khu phố để theo dõi cũng như giám sát các cơ sở này cho đến khi họ cung cấp đủ các giấy tờ pháp lý liên quan thì mới tiếp tục cho hoạt động lại".

Trần Duy Khánh - Lê Bình

Hơn 330 kg rau muống bào bị phát hiện được tiêu hủy trong ngày. Đoàn kiểm tra đã đề xuất UBND H.Củ Chi xử phạt hành chính đối với hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký kinh doanh.

Nêu giải pháp sắp tới, ông Đức cho rằng đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ sở thu gom, sơ chế, kinh doanh rau muống còn lại. Bên cạnh đó, huyện giao công an kiểm tra theo chuyên đề đối với các cơ sở này. Trường hợp cần thiết, công an có thể tổ chức khám xét nơi ở, địa điểm sản xuất, kinh doanh nhằm kịp thời phát hiện việc tồn trữ các chất, hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thực phẩm độc hại bủa vây người dùng: Nhiều lỗ hổng quản lý - Ảnh 5.

Mua chất “tẩy trắng” dễ dàng xung quanh khu vực chợ Kim Biên (Q.5)

TRẦN DUY KHÁNH - LÊ BÌNH

UBND xã Bình Mỹ có trách nhiệm tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ những cơ sở trên địa bàn. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sơ chế, kinh doanh rau muống thực hiện điều kiện đảm bảo ATTP; không sử dụng những hóa chất không rõ nguồn gốc, không nhãn hiệu, không được sử dụng trong thực phẩm để ngâm rau muống bào. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.