Thực hư 'thị trường mua bán' đề tài KHKT: Thí sinh, giáo viên nói gì?

11/05/2022 07:02 GMT+7

Theo một số thí sinh và giáo viên hướng dẫn cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, quốc gia thì cuộc thi ngày càng chạy theo thành tích nhiều hơn khi xuất hiện hiện tượng mua bán đề tài trong những năm gần đây.

Có người “đặt hàng” thí sinh từng đạt giải làm đề tài

Là thí sinh đạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh (HS) trung học năm 2014 với đề tài “Làm chất đốt từ mù u”, Trần Tiến Phát (26 tuổi), cựu HS Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, tỉnh Đồng Tháp, cho biết những trải nghiệm mà Phát có được từ kỳ thi này là vô giá.

Phát kể: “Mình học được sự tìm tòi yêu thích nghiên cứu từ cuộc thi, cách làm việc độc lập và quan trọng nhất là sự sáng tạo. Nhờ cuộc thi này mà mình đạt ước mơ nghiên cứu sâu hơn về môn hóa học. Mình nghĩ cuộc thi ở những năm đầu tổ chức thì rất thiết thực. Nhưng những năm gần đây mình theo dõi qua thì thấy cuộc thi có lẽ chạy theo thành tích nhiều hơn”.

H.Q.T (quê Trà Vinh) là thí sinh giải nhì trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2020 và được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. T. cho biết khi được giải cấp quốc gia thì sẽ được mọi người chú ý nhiều hơn, thường có cơ hội được xét tuyển học bổng sau khi lên ĐH và hoạt động ở các câu lạc bộ đội nhóm nhiều hơn.

Các thông tin rao mua bán trên mạng về đề tài tham gia cuộc thi KHKT cấp tỉnh và quốc gia

chụp màn hình

Q.T chia sẻ: “Đề tài em tham gia thi làm từ 1 - 1,5 năm mới xong”. Thế nhưng, theo T., ở kỳ thi năm đó T. biết được một số bạn nhờ người làm và đạt giải cao hơn.

T. cho biết có người nhờ thuê làm đề tài cho HS. T. chia sẻ: “Nhiều người có đặt hàng em làm đề tài với giá từ 10 triệu đồng trở lên, từ cấp tỉnh đến quốc gia. Em không là người trực tiếp làm giúp các đề tài, em chỉ hướng dẫn về báo cáo thôi vì em cũng không có thời gian nhiều”.

V.T.M.N (quê Ninh Thuận) từng dự thi KHKT vào năm 2020, hiện là sinh viên năm 1 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết trong năm 2020 nhiều người mua bán để đạt giải. N. nói: “Năm 2020 thi hình thức trực tiếp đã có nhiều tiêu cực xảy ra. Và không chỉ có HS mà còn có giáo viên bất mãn vì kết quả này”.

“Đầu tư” càng cao thì khả năng đạt giải càng nhiều

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư, giáo viên môn vật lý Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết ông có nắm được thông tin về các trao đổi mua bán đề tài thi KHKT trên hội nhóm Facebook là có xảy ra, tuy nhiên để khẳng định việc trao đổi người mua, kẻ bán là chính xác hay không thì cần phải điều tra xác minh cụ thể. Ông Cư tâm tư: “Tôi bồi dưỡng học sinh hơn 10 năm nay, có những năm trường đạt giải cao, có năm 2021 không đạt giải nào cấp quốc gia. Tôi biết trong cuộc thi này có những tiêu cực, nên dù HS tôi dạy có học thật, thi thật nhưng không đạt giải quốc gia, chúng tôi cũng không hụt hẫng vì HS của tôi đã có được sân chơi bổ ích”.

Theo ông Cư, một đề tài hoàn chỉnh của kỳ thi năm nay vẫn có thể mang thi tiếp ở năm sau nhưng sáng tạo hơn một chút thì cũng như đề tài mới và người chấm khó phát hiện.

Một đề tài nghiên cứu để tham gia cuộc thi trên từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia sẽ được nhà trường đầu tư kinh phí nhiều và phải trải qua khoảng thời gian chuẩn bị ít nhất là 6 tháng. Nếu để dự án của HS tham gia có hiệu quả từ cấp trường đến quốc gia thì chi phí sẽ có lẽ hơn chục triệu đồng. Đó là những gì mà ông Bùi Hữu Nhân (giáo viên môn hóa, Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, TP.Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp) cho biết.

“Mỗi năm trường tôi có 12 đề tài sẽ dự thi cấp tỉnh, trong số đó thì có khoảng 4 - 5 đề tài đạt giải. Trường chỉ hỗ trợ giáo viên hướng dẫn còn chi phí thực hiện đề tài thì cá nhân HS tự bỏ ra. Và sau vòng cấp tỉnh thì chỉ có từ 1 - 2 đề tài vào cấp quốc gia, còn đạt giải thì rất ít”, ông Nhân nói và cho biết thêm ở những cuộc thi KHKT cấp tỉnh đến cấp quốc gia dành cho HS trung học nếu có sự “đầu tư” càng cao thì khả năng đạt giải càng nhiều.

Các thông tin trao đổi mua bán trên mạng về đề tài tham gia cuộc thi KHKT cấp tỉnh và quốc gia

CHỤP MÀN HÌNH

Người mua đề tài KHKT trên mạng là ai ?

Để tiếp cận đối tượng mua những đề tài dự thi cuộc thi KHKT dành cho HS trung học, người viết đã đăng bài lên hội nhóm “Sáng tạo khoa học kỹ thuật”, “Yêu khoa học”… trên Facebook. Chỉ sau vài giờ đã có nhiều tài khoản nhắn tin hỏi mua, nhờ tư vấn, “hỗ trợ” đề tài.

Tài khoản Q.N.V (tỉnh Thừa Thiên-Huế), tự xưng là giáo viên của một trường THPT, nhắn tin đang cần tìm mua một đề tài về lĩnh vực KHKT dự thi cuộc thi KHKT cấp tỉnh năm học 2022 - 2023. V. chia sẻ: “Mình ở Thừa Thiên-Huế, mua giúp HS THPT… Nếu bạn đảm bảo giải ba hay hơn nữa thì số tiền 3 - 4 triệu đồng là có thể đảm bảo nhé”.

Tương tự, tài khoản tên N.T cho biết là giáo viên của một trường THPT tỉnh Nam Định, đang tìm mua đề tài cho HS dự thi cấp tỉnh với lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi. T. nói thêm đây là năm thứ 3 hướng dẫn cho HS dự thi cấp tỉnh. Có một lần đạt giải nhì và một lần T. được “hỗ trợ” nhưng không đạt giải.

Ngoài ra, người mua còn là những HS với mong muốn mình có giải thưởng để được một “vé” vào ĐH.

Q.H (TP.Đông Hà, Quảng Trị), tự nhận là sinh viên năm 4 của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và từng 2 lần đạt giải cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho HS năm 2016, 2017, đã cho chúng tôi xem những đoạn tin nhắn mà các khách hàng gửi đánh giá về sản phẩm cũng như thông báo đã đạt giải. Q.H nói đa phần HS mua đề tài theo nhóm. Khi người viết thắc mắc “nếu đề tài năm này trùng với năm trước thì sao?” thì Q.H tự tin nói “năm nào mình cũng có danh sách những đề tài thi cấp quốc gia thì làm sao mà trùng?”.

Để lấy lòng tin, Q.H nói đã có nhiều HS mua đề tài của mình và được giải quốc gia, trong đó có giải nhất năm 2019 với đề tài “Thiết kế và tối ưu hóa cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật” của 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị) và 1 giải ba năm 2022 cho 2 học sinh trường chuyên khác ở một tỉnh miền Trung. (còn tiếp)

Đi tìm câu trả lời vụ “mua bán” đề tài giải nhất cấp quốc gia

Ngày 9.5, trao đổi với Thanh Niên, ông Hồ Văn Lâm, giáo viên tin học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đông Hà, Quảng Trị), là người hướng dẫn sản phẩm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật của hai HS: Dương Phúc Hiếu và Thái Việt Nhật đạt giải nhất kỳ thi nghiên cứu KHKT cấp quốc gia HS trung học năm học 2019 - 2020, tỏ ra hết sức bất ngờ trước thông tin HS mua đề tài.

Theo ông Lâm, thời điểm hướng dẫn 2 em Hiếu và Nhật thực hiện đề tài, ông nghe các em trình bày ý tưởng và hỗ trợ các em hoàn thiện bài thi, chứ không can thiệp sâu. “Tất cả là do các em tự sáng tạo, suy nghĩ và thực hiện. Tôi như là người thôi thúc, tạo động lực cho các em mà thôi”, ông Lâm nói. Cũng theo ông Lâm, ông không tin việc học trò của mình mua ý tưởng và cho biết những năm 2016, 2017, không có HS nào ở TP.Đông Hà (Quảng Trị) đạt giải sáng tạo KHKT cấp quốc gia.

Tiếp đó, PV có cuộc trao đổi với Dương Phúc Hiếu, hiện là sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Sau khi nhìn tin nhắn trao đổi giữa người viết và người bán các đề tài KHKT tên Q.H (Quảng Trị), Hiếu liền nhận ra là “người quen” vì nick người bán có để ảnh thật, sau đó Hiếu cho biết Q.H là một người em cùng trường THPT với mình. Hiếu nói: “Đề tài này tự mình và nhóm làm. Mình có quen biết với Q.H, là đàn em mình, đề tài của mình cũng gửi Q.H tham khảo. Và Q.H đã lấy đề tài của mình đạt giải nhất nói tự làm để tạo lòng tin đến những ai có nhu cầu mua các “sáng tạo” KHKT”.

Theo tìm hiểu của người viết, Q.H tên thật là T.Q.H hiện đang là HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), Q.H vừa tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2021 - 2022 và đạt giải ba với Dự án “Robot lấy mẫu xét nghiệm Covid-19”.

Nguyễn Phúc - Trần Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.