Thức dậy sớm để thành công, có đúng không?

30/11/2020 19:38 GMT+7

Đối với nhiều bạn trẻ , việc thức dậy sớm để thành công là một điều dễ dàng nhưng một số khác lại cho rằng dậy sớm chưa chắc đã là người thành công.

Đến thời điểm hiện tại, khó có thể xác định cụm từ 'dậy sớm để thành công' xuất phát từ đâu và từ lúc nào. Khi tra từ Google về cụm từ này thì hàng loạt kết quả tìm kiếm có liên quan lập tức xuất hiện ở một số nhóm liên quan, như nhóm khởi nghiệp hoặc sức khỏe. Nhiều bạn trẻ lấy cụm từ “dậy sớm để thành công” để làm động lực phát triển bản thân cho mình khi thực hiện một công việc nào đó. Mặt khác những thông tin về dậy sớm còn có lợi hơn về mặt sức khoẻ cho mọi người.

Dậy sớm là thành công chưa đúng và đủ

Đoàn Minh Chí (31 tuổi, đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về y tế) cho rằng chưa thể khẳng định việc dậy sớm hay muộn sẽ ảnh hưởng đến sự thành công trong cuộc sống. Một số ngành nghề có đặc thù thời gian riêng và cũng có người thành công nhờ đặc thù đó. Điều quan trọng, người thành công là người biết sắp xếp thời gian và hoàn thành tốt công việc của mình.
Chí cho biết mình là người thường xuyên dậy sớm. Việc dậy sớm của Chí không đồng nghĩa với việc thành công mà bởi vì dậy sớm để có thời gian tập thể dục và làm việc nhà.

Một số bạn trẻ cho biết dậy sớm chưa chắc đã thành công

ẢNH: SHUTTERSTOCK

Thường dành thời gian buổi tối để tập trung làm việc, Lê La Kim Ngân (27 tuổi, chủ một cửa hàng khởi nghiệp về gốm, ở Q.6, TP.HCM) cho rằng dậy sớm hay muộn không quyết định được sự thành công. Ngân nói: “Không hiểu sao, khuya tôi làm việc tập trung hơn nhiều khung giờ khác. Theo tôi, không chỉ dậy sớm, mà còn phải có nhiều yếu tố nữa mới giúp mình thành công”.
Anh Lê Thúc Vinh (33 tuổi, chủ một doanh nghiệp khởi nghiệp Công ty cổ phần công nghệ VIDOCO) cũng phân tích “dậy sớm mới thành công” là chưa đủ và đúng. Bởi vì nếu dậy sớm mới thành công thì chắc hẳn những người không thành công đều dậy trễ? Thực tế ngoài xã hội sự thành công phải được đánh giá nhiều góc độ khác nhau. Nên theo quan điểm của anh, việc sử dụng khoản thời gian dậy sớm đó như thế nào mới quan trọng.
“Có thể việc dậy sớm còn có hại, nếu sử dụng thời gian đó làm những việc vô ích. Ngược lại dùng để đọc sách, nguyên cứu một vấn đề mới hoặc trau đồi sức khỏe bằng các bài tập thể dục thì tuyệt vời”, anh Vinh nói.

Thức dậy sớm tốt cho sức khỏe

Tuy vậy, theo anh Lê Thúc Vinh việc thức dậy sớm là rất tốt với sức khỏe của mọi người. Người trẻ thức dậy sớm sẽ có thêm một quỹ thời gian, sẽ được hưởng không khí sáng sớm trong lành hơn trước khi đường sá bắt đầu đông đúc.
Đồng tình với việc thức dậy sớm chị Dương Thu Trang (31 tuổi, làm việc tại một công ty mỹ phẩm ở Hà Nội) cho rằng khi dậy sớm được làm nhiều việc đã là một sự thành công. Cụ thể như dậy sớm vừa tập thể dục vừa làm được việc nhà, phụ giúp chồng con trước khi đến công ty. Bao nhiêu đó việc trong một buổi sáng đã làm được thì đối với một người phụ nữ là một sự thành công lớn của bản thân. Theo Trang, mỗi ngày làm được như vậy sẽ kéo theo sự tích cực của cả gia đình trong cuộc sống hằng ngày. Đó là sự thành công trong cuộc sống. 

Một số bạn trẻ khác thay đổi thói quen ngủ muộn dậy trể bằng thức dậy sớm

ẢNH: SHUTTERSTOCK

Anh Nguyễn Hoàng Giang, 32 tuổi (ngụ P.Bình Khánh, Q.2, TP.HCM), nói trước đây anh thường xuyên ngủ trễ, dậy muộn, lâu dần trở thành một thói quen. Dù không làm việc nhưng cũng không ngủ trước 2 giờ sáng.
Do đặc thù công việc không phải đi sớm, vì vậy anh Giang thường bắt đầu ngày mới vào khoảng 6 giờ sáng. Tính cả thời gian rời khỏi nhà và di chuyển đến chỗ làm, công việc của anh chủ yếu chỉ làm trong buổi chiều. Để hiệu quả công việc tốt hơn và không phí thời gian buổi sáng, anh Giang đã quyết định thay đổi thói quen. Đầu tiên là học cách ngủ sớm và đặt các kế hoạch của công việc cần làm trong buổi sáng hôm sau.
Sau thời gian thực hiện, anh Giang thấy mình năng động, khỏe khoắn hơn và bắt đầu thay đổi thói quen thức dậy sớm để thành công hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.