Thừa phát lại có thay thế công chứng viên để chứng kiến lập di chúc?

Ngân Nga
Ngân Nga
24/09/2023 08:14 GMT+7

Di chúc được công chứng sẽ an toàn về mặt pháp lý và thuận tiện cho người được hưởng thừa kế khai nhận di sản. Thừa phát lại chứng kiến lập di chúc sẽ hỗ trợ về chứng cứ nếu có tranh chấp.

Bố tôi 80 tuổi, ông bị bệnh phải nằm 1 chỗ đã 3 năm nay, nhưng tinh thần hoàn toàn minh mẫn. Mẹ tôi 70 tuổi, vừa phát hiện bị mắc bệnh ung thư, hiện đang nằm bệnh viện.

Bố mẹ tôi có 5 người con, tất cả đều đã lập gia đình. Do lo ngại về sức khỏe nên bố mẹ tôi muốn lập di chúc để phân chia tài sản cho các con. Ông bà có nguyện vọng sau khi mất, căn nhà đang ở làm nơi thờ cúng, không cho bán. Còn những tài sản khác thì chia cho 5 người con.

Để thuận tiện về mặt thủ tục, chúng tôi nên mời thừa phát lại hay công chứng đến để chứng kiến việc lập di chúc ? Gia đình tôi cần phải làm gì để tránh phát sinh tranh chấp về di chúc sau này?

Một bạn đọc Báo Thanh Niên nhờ tư vấn. 

Chuyên gia tư vấn

Ông Phan Văn Hạ (Phó trưởng Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn) tư vấn, theo điều 609 và điều 610 bộ luật Dân sự thì việc lập di chúc để định đoạt và để lại tài sản của mình cho người khác là quyền của mọi cá nhân. Một trong những điều kiện để di chúc hợp pháp là người lập di chúc phải còn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép (điều 630 bộ luật Dân sự).

Thừa phát lại có thay thế công chứng viên để chứng kiến lập di chúc? - Ảnh 1.

Theo ông Phan Văn Hạ, thừa phát lại chứng kiến lập di chúc sẽ hỗ trợ về chứng cứ nếu có tranh chấp

NHÂN VẬT CUNG CẤP

Cha mẹ bạn tuy bị bệnh nhưng tinh thần hoàn toàn minh mẫn, nên có quyền lập di chúc miệng hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, di chúc bằng văn bản được công chứng sẽ an toàn hơn về mặt pháp lý và thuận tiện nhất cho người được hưởng thừa kế khai nhận di sản, bởi vì di chúc đã được xác thực, đảm bảo tính hợp pháp.

Nếu có tranh chấp thì di chúc đã công chứng được coi là chứng cứ nếu việc công chứng được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định (khoản 10 điều 95, bộ luật tố tụng Dân sự). Cha mẹ bạn đang bị bệnh không thể đi lại, nên bạn có quyền mời công chứng viên đến nhà để công chứng di chúc cho cha mẹ.

Khác với công chứng viên, việc thừa phát lại lập vi bằng chứng kiến lập di chúc không phải là một hình thức di chúc theo luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp công chứng viên không được công chứng vì tài sản chưa có giấy tờ quyền sở hữu, nhà đất đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận... Khi đó, việc có thừa phát lại chứng kiến quá trình lập di chúc, sẽ là một trong những căn cứ giúp chứng minh có sự tồn tại "di nguyện" của cha mẹ bạn để lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.