Thừa điện, giảm giá được không?

15/05/2021 07:06 GMT+7

Không còn ca bài “thiếu điện” nữa, lần đầu tiên ngành điện bị dư thừa điện tại một số thời điểm của các dự án năng lượng tái tạo... Nếu thừa nguồn cung, liệu có giảm giá điện được không?

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong năm nay, khoảng 1,3 tỉ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm, trong đó có hơn 500 triệu kWh nguồn điện mặt trời do quá tải đường dây 500 kV. Hai chữ “thừa nguồn” trong ngành điện nghe có vẻ xa xỉ song thực tế đã và đang xảy ra.
Giải pháp tình thế là ngành điện lực phải điều tiết cắt giảm công suất phát các nguồn điện theo quy định, dừng mua điện từ nước ngoài, đẩy mạnh cải tạo và nâng cấp hệ thống truyền tải...

Nên xem xét giảm giá!

Tuy nhiên, chính việc cắt giảm công suất, sản lượng điện đối với các dự án năng lượng mặt trời trong thời gian qua khiến không ít nhà đầu tư “khó chịu” mà chỉ riêng với ngành năng lượng, vô tình đây là sự lãng phí lớn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư lẫn chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo của Chính phủ. Vấn đề là không chỉ có năng lượng tái tạo, ngay thủy điện, nhiệt điện cũng có thừa năng lượng. Nhiều ý kiến cho rằng điện thừa, thì ngành này nên tính toán phương án giảm giá điện để kích thích sản xuất, tiêu dùng, phát triển kinh tế.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng khi điện thiếu, ngành điện tăng giá và kêu gọi mọi người sử dụng hạn chế, tiết kiệm điện thì giai đoạn này, khi nguồn cung dư thừa, EVN và Bộ Công thương cũng nên xem xét phương án giảm giá.
Ông phân tích: “Hiện nay, chúng ta có nhiều nguồn cung điện khác nhau, bao gồm thủy điện, điện than, điện tái tạo…Trong đó, thủy điện chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đặc biệt, việc dư thừa nguồn cung không chỉ xảy ra ở khu vực năng lượng tái tạo mà còn ở các nguồn cung khác. Bằng chứng là EVN cũng đã đề xuất cắt giảm sản lượng sản xuất của cả điện than và thủy điện. Mặt khác, khoảng 2 năm trở lại đây, lượng nước về nhiều nên giá thủy điện khá rẻ, mua vào chỉ khoảng vài trăm đồng 1 kWh. Giá thành điện trung bình có thể giảm sâu. Theo tính toán thì giá điện đầu vào có giảm nhưng giá đầu ra lại không giảm sẽ không hợp lý”.
Đánh giá chung về thị trường năng lượng, vị này cho rằng tình trạng thừa nguồn cung - bài toán khó của ngành điện - như hiện nay là hệ quả của việc quy hoạch tổng thể ngành điện ngắn hạn, không sát nhu cầu thực tế, dự báo nhu cầu chưa đồng bộ hệ thống giữa các nguồn điện khác nhau. Thông thường, trên thị trường cạnh tranh, điện rẻ (thủy điện và điện than) phải được ưu tiên mua trước nhưng hiện nay lại cắt hết cả điện than, thủy điện để ưu tiên mua điện gió, điện mặt trời.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Dáo, nguyên Trưởng khoa Điện - Điện tử (Đại học Tôn Đức Thắng), nhận định có 2 chính sách liên quan ngành điện đáng chú ý gần đây, đặc biệt tạo nên tư duy mới trong mua bán, sản xuất điện.
Đó là quy định phát điện đối với các dự án điện nhỏ, trước đây, giờ phát thủy điện là từ 8 - 14 giờ. Nay trong một ngày chia ra 2 thời điểm, phát từ 6 - 9 giờ và từ 15 - 20 giờ. Khoảng thời gian giữa dành cho điện mặt trời phát. Chính sự điều tiết linh hoạt này khiến tình trạng “thừa nguồn” của điện giảm bớt.
Thứ hai, việc thử nghiệm cho nhà sản xuất điện mặt trời bán điện trực tiếp cho đơn vị sử dụng, thậm chí dự án điện mặt trời gần nhà máy sản xuất mua điện có thể tính giải pháp phát thẳng điện cho nhau.

Phải đầu tư tích trữ điện

Vấn đề là làm thế nào để dự trữ được điện từ nguồn điện dư thừa để phát khi cần? TS Nguyễn Dáo cho hay đầu tư dự trữ điện khó, không đơn giản là chuyện tải lên để dành là được. Với tâm lý sợ xài không hết, lại đi bỏ bớt công suất điện thừa nên có không ít người tỏ ra “sốt ruột” với việc thừa nguồn này.
Ông phân tích Việt Nam chưa có chính sách đầu tư hệ thống tích trữ năng lượng tái tạo. Trước mắt, Bộ Công thương với sự phối hợp của EVN, xây dựng cho được cơ sở pháp lý mà trong đó cho phép các chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đầu tư ắc quy tích trữ điện. Hiện Đức là quốc gia đầu tư tích trữ nguồn năng lượng tái tạo rất tốt.
Thay đổi chính sách mang tính tích cực, giảm thiểu được tình trạng thừa điện. Tất nhiên, nói giảm giá điện ngay rất khó, vì liên quan chính sách vĩ mô của Chính phủ, không đơn giản. Song về lâu dài, ngành điện cần tính toán tìm cách giảm giá điện vì cách giảm thừa nguồn chúng ta cũng đã và đang áp dụng có hiệu quả.
TS Nguyễn Dáo
“Tôi từng trao đổi với một lãnh đạo cao cấp của EVN là ngành có đầu tư bơm nước điện tích năng tại Nhà máy điện Bác Ái (Ninh Thuận). Thế nên, với các dự án năng lượng mặt trời lớn, trước mắt phải có quy định đầu tư ắc quy tích trữ năng lượng thừa và phải bảo đảm tích trữ được khoảng 50% công suất của dự án để phát lại. Với các dự án thủy điện nhỏ cũng vậy, nên quy định bắt buộc các nhà máy thủy điện nhỏ đầu tư hệ thống bơm để điều tiết nguồn điện”, ông nói.
Công tác dự trữ nguồn điện thừa phải có sự hợp lực của nhà đầu tư. Việt Nam cần có quy định này thì giá điện chắc chắn sẽ giảm được trong bối cảnh cung ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong điều kiện tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, sản xuất sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho sản xuất và cả tiêu dùng đều giảm, các chuyên gia đề xuất ngành điện nên xem xét giảm giá điện để kích cầu tiêu dùng, hạ chi phí sản xuất, hỗ trợ chung cho nền kinh tế. “Vì nếu có cắt giảm cả thủy điện và điện than thì tính ra, EVN vẫn lãi”, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.