Thư viện Huệ Quang áp dụng thành công kỹ thuật nhuộm hoa cương cạnh sách

16/08/2020 19:52 GMT+7

Nhuộm hoa cương cạnh sách là một kỹ thuật phức tạp, mang lại giá trị thẩm mỹ và góp phần bảo quản sách được lâu bền.

Mới đây, Thư viện Huệ Quang đã áp dụng thành công kỹ thuật này, và là một trong những đơn vị hiếm hoi tại Việt Nam đạt được thành tựu kể trên.
Trang trí cạnh sách là một phần quan trọng của nghệ thuật đóng sách châu Âu cổ. Thuở ban đầu, người ta dễ dàng hài lòng với những cuốn sách có ba cạnh được xén phẳng phiu. Tuy nhiên, đến thế kỷ X, những người thợ đóng sách đã nhận ra có thể làm cho những cuốn sách vốn đã đẹp (khi được đóng và trang trí bìa một cách tỉ mỉ) trở nên hoàn hảo hơn bằng cách tô điểm ba cạnh sách còn bỏ ngỏ.

Nhuộm hoa cương cạnh sách ngoài giúp mang lại giá trị thẩm mỹ còn góp phần bảo quản sách được lâu bền

Trong 7 thế kỷ tiếp theo, song song với việc mạ vàng cạnh trên cùng (để tiện lau bụi) hoặc mạ vàng toàn bộ ba cạnh (để chống mối mọt), việc vẽ lên cạnh sách cũng từng bước được phát triển. Bắt đầu với những biểu tượng đơn giản, gia huy, hoặc những giọt màu lốm đốm, dần dà, những họa sĩ tiếng tăm được mời để vẽ những bức tranh trau chuốt, sinh động lên phần bụng hoặc cả ba cạnh sách.
Vào thế kỷ XVII, khi kỹ thuật nhuộm hoa cương (thủy ấn) của Nhật Bản theo chân khách viễn du tìm đến châu Âu, những người thợ đóng sách đã có thêm thể nghiệm mới trong việc trang trí tờ gác cũng như ba cạnh sách. Việc nhuộm hoa cương ba cạnh sách yêu cầu người thợ phải vô cùng cẩn thận, nhanh nhạy và quyết đoán để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo.

Việc nhuộm hoa cương ba cạnh sách yêu cầu người thợ phải vô cùng cẩn thận, nhanh nhạy và quyết đoán để tạo ra sản phẩm hoàn hảo

Hàng trăm năm trước, kỹ thuật in ấn cùng nghệ thuật đóng sách của châu Âu theo người Pháp du nhập vào Việt Nam và có những dấu ấn nhất định, song việc trang trí cạnh sách dường như ít được chú ý phát triển. Các kỹ thuật thường gặp tương đối đơn giản như: rảy những giọt màu lốm đốm như hoa rơi lên cạnh sách (điển hình là các đầu sách do Nam Chi Tùng Thư xuất bản ở Sài Gòn vào thập niên 1960), quét củ nâu ba cạnh và viết thư pháp đề mục ở cạnh đáy sách (là kỹ thuật bảo quản mép sách của người Việt xưa, thường gặp ở các cuốn sách in mộc bản Hán Nôm), đóng mộc đỏ vào mép sách (gặp ở sách của một số thư viện hoặc tủ sách cá nhân, mang mục đích khẳng định sở hữu nhiều hơn là trang trí)...

Tại Việt Nam, Thư viện Huệ Quang đã thành công trong việc nhuộm hoa cương 3 cạnh sách. Tác phẩm đầu tiên của kỹ thuật đặc biệt này chính là Từ điển Phật học Huệ Quang

Những năm gần đây, Thư viện Huệ Quang đã dụng công nghiên cứu và áp dụng thành công một số kỹ thuật trang trí mép sách của châu Âu như: mạ vàng cạnh sách, vẽ tranh lên bụng sách (bộ tranh Cuộc đời đức Phật vẽ trên bụng bộ Đại tạng kinh Việt Nam ra mắt năm 2019). Và mới đây nhất, thư viện đã thành công trong việc nhuộm hoa cương 3 cạnh sách. Tại Việt Nam, đây là lần hiếm hoi kỹ thuật nhuộm hoa cương trên cạnh sách được áp dụng thành công.
Tác phẩm đầu tiên của kỹ thuật đặc biệt này chính là Từ điển Phật học Huệ Quang, 8 tập do Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang biên soạn, cố hòa thượng Thích Minh Cảnh làm chủ biên. Dự án tiếp theo mà Thư Viện Huệ Quang sẽ thực hiện là 65 bản đặc biệt của bộ Tế Điên Hòa Thượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.