Thú vị 'thị trường' tín chỉ carbon rừng

Mạnh Cường
Mạnh Cường
08/08/2022 11:15 GMT+7

Có thể thu về đến 5 triệu USD mỗi năm nếu đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng xuất khẩu ra thế giới thành công, một “thị trường” thú vị đang được tỉnh Quảng Nam theo đuổi…

Tiếp cận “thị trường” mới

Quảng Nam trở thành địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021 - 2025). Từ năm 2007, thế giới đã hình thành thị trường tín chỉ carbon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. “Thị trường” này hình thành từ nhu cầu thực tế của các nước phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép. Các nước này sẽ tìm mua tín chỉ/giấy phép carbon rừng từ kết quả hoạt động Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Bán tín chỉ carbon rừng vừa thêm nguồn thu về dịch vụ môi trường rừng vừa là cơ hội để các chủ rừng và người dân tiếp cận tư duy sản xuất mới và quản trị rừng chuyên nghiệp hơn

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Với khả năng hấp thụ khoảng hơn 11,2 triệu tấn khí carbon trong giai đoạn từ 2018 - 2030, Quảng Nam hoàn toàn đáp ứng các nhu cầu, điều kiện để bán tín chỉ carbon rừng ra thị trường thế giới. Từ “gia tài” 466.113 ha rừng tự nhiên hiện có, ước tính mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon rừng, từ đó góp phần giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn.

Việc Quảng Nam tiên phong thí điểm bán carbon rừng cũng sẽ mở ra cơ hội cho các địa phương có diện tích rừng lớn trong nước vào cuộc, thực hiện. Ông Lê Đức Tuấn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Nông Sơn, cho biết Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam trải dài trên 2 xã Phước Ninh và Quế Lâm (H.Nông Sơn) rộng gần 19.000 ha được bảo vệ, phát triển rừng đã nhiều năm qua. Khu bảo tồn này nằm trong khu vực cần tăng cường trữ lượng carbon rừng qua việc trồng, phục hồi và làm giàu rừng. Chưa kể, vùng đệm khu bảo tồn này rộng khoảng 25.000 ha (thuộc địa bàn 9 xã của 5 huyện lân cận), là ngôi nhà của 8 cá thể voi châu Á cùng hàng trăm loại thực vật, loài động vật. “Để chuẩn bị cho việc bán tín chỉ carbon rừng, chúng tôi cũng đã huy động mọi lực lượng tại địa phương tăng cường tuần tra, truy quét quyết liệt việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản cũng như săn bắt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn”, ông Tuấn nói.

Tuần tra bảo vệ rừng tại vùng cao Tây Giang

MẠNH CƯỜNG

Cơ hội lớn

Quảng Nam được xem là tỉnh có tiềm năng nhất của cả nước trong việc kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Với giá bán ít nhất 5 USD/tấn CO2, khi đề án được thực hiện, Quảng Nam có nguồn thu từ 110 - 130 tỉ đồng/năm. Ðề án được triển khai hiệu quả cũng sẽ giúp Quảng Nam giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có 466.113 ha, tăng 20% trong vòng 10 năm từ 2021-2030, tăng độ che phủ rừng nói chung lên 61% vào năm 2025, giảm phát thải 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030…

Một góc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam, nơi có “trữ lượng” tín chỉ carbon lớn

MẠNH CƯỜNG

Một lãnh đạo Sở NN-PTNT cho hay ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã vạch “đường đi nước bước” trong thực hiện kế hoạch hành động bán tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, việc bán tín chỉ carbon rừng là nội dung rất mới nên trong quá trình xây dựng hồ sơ gặp một số lúng túng, quá trình xúc tiến gặp nhiều vấn đề phát sinh nên mất nhiều thời gian. Sau khi làm xong hồ sơ phải gửi ra nước ngoài để các tổ chức liên quan thẩm định. “Khách hàng” cũng đặt các điều kiện như số tiền thu được chi như thế nào, chi vào mục đích ra sao… Chính vì vậy, tỉnh đã yêu cầu đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định phải làm kỹ.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng nhìn nhận địa phương sẽ còn nhiều phần việc phải làm, bởi giao dịch tín chỉ carbon là lĩnh vực mới, cần qua đấu thầu quốc tế và đảm bảo các tiêu chí về quản lý, bảo vệ rừng theo quy định. Tuy nhiên, việc Chính phủ đồng ý cho phép Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng đã mở ra cơ hội lớn cho tỉnh. Điều đáng mừng, hiện có 5 nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ carbon rừng của tỉnh.

Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO 2. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO 2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO 2, gọi chung là 1 tấn CO 2 (viết tắt là CO 2e). Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO 2 hoặc CO 2e được tạo ra từ hoạt động REDD+. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO 2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính thông qua REDD+. Tín chỉ carbon cũng được xem là mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính.

Theo ông Bửu, sau khi đề án hoàn thành, địa phương sẽ mời thêm các doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Kinh phí thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ được tái sử dụng cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Địa phương cũng sẽ có cơ chế để người dân địa phương trực tiếp tham gia tuần tra, bảo vệ, trồng rừng, bảo quản, lưu giữ carbon. “Bán tín chỉ carbon rừng vừa thêm nguồn thu về dịch vụ môi trường rừng vừa là cơ hội để các chủ rừng và người dân tiếp cận tư duy sản xuất mới và quản trị rừng chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, giúp người dân sẽ dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng”, ông Bửu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.