Thú vị cổ vật Pháp

15/11/2014 04:11 GMT+7

Lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để triển lãm chuyên đề Cổ vật Pháp (từ ngày 14.11.2014 - 30.6.2015).

 Đĩa “Trúc lâm thất hiền”
Đĩa “Trúc lâm thất hiền”

Với hơn 100 hiện vật, triển lãm tập trung vào các loại hình: bộ sưu tập gốm, bộ sưu tập tượng trang trí, bộ sưu tập đèn dầu và chân đèn..., trong đó có những hiện vật hết sức độc đáo.

Điều hấp dẫn ở bộ sưu tập gốm là cặp bình Bertin cao hơn 1 m, đường kính khoảng 0,6 m. Bertin là tên của chủ nhân lò gốm quốc gia vùng Sèvres (Pháp). Đây là 2 trong bộ bình gồm 4 chiếc mang tên Xuân, Hạ, Thu, Đông do Antoine Francois Dalacour chế tác bằng kỹ thuật đổ khuôn vào năm 1859, sau đó điêu khắc gia Léopold Joseph Gély dùng bột cao lanh đắp nổi các họa tiết. Bộ bình này từng được mang đi triển lãm quốc tế, sau đó cung tiến cho Hoàng đế Napoléon Đệ Tam.

 Tượng Napoleon Bonaparte - Ảnh: Độc Lập
Tượng Napoleon Bonaparte - Ảnh: Độc Lập

Người ta không hiểu nguyên nhân nào mà sau bao biến thiên của lịch sử, 2 chiếc bình có tên Xuân và Đông lại “lưu lạc” tại VN và đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Khách thưởng lãm cũng có thể chiêm ngưỡng bộ đồ ăn bằng gốm men trắng in hoa văn xanh lam gồm 26 món của giới quý tộc Pháp. Nét độc đáo chính là sự kết hợp hài hòa giữa đề tài trang trí mang đậm phong cách phương Đông với những nét đặc trưng phương Tây, chẳng hạn 2 chiếc đĩa vẽ tích “Trúc lâm thất hiền”: cả 7 người đàn ông đều phục trang theo lối phương Đông nhưng khuôn mặt lại là người Âu. Dưới trôn các hiện vật đều ghi ký hiệu do xưởng Jules Vieillard & Cie (Bordeaux) chế tạo vào thế kỷ 19 (xưởng này hiện không còn tồn tại).

  Đĩa vẽ chân dung Fouquier Tinville
 Đĩa vẽ chân dung Fouquier Tinville

Người xem cũng chú ý đến một chiếc đĩa gốm màu vẽ chân dung ông Fouquier Tinville ghi năm 1793. Fouquier Tinville là công tố viên khét tiếng trong thời kỳ Cách mạng Pháp và 1793 là năm mà Fouquier Tinville đã buộc tội và đưa nhiều nhân vật nổi tiếng lên đoạn đầu đài: hoàng hậu Marie Antoinette, nhà hóa học vĩ đại Antoine Laurent de Lavoisier, Elisabeth (em gái vua Louis 16), Barry (ái phi của vua), nhà thơ André Chénier, tướng Hoch…

Ở sưu tập tượng trang trí chất liệu đồng, người ta chú ý đến bức tượng Napoléon Bonaparte trong tư thế ghì cương ngựa. Nhìn tư thế của người và ngựa cũng như nhung phục của vị tướng, người ta biết ngay bức tượng đã được phỏng theo bức tranh nổi tiếng Đệ nhất Tổng tài vượt dãy Alpes trên đèo Srand Saint Bernard (để tiến vào đất Ý) do danh họa Jacques Louis David thực hiện (từ năm 1800 - 1803).

Không thể kể hết những câu chuyện thú vị chung quanh những cổ vật Pháp đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Tuy nhiên, nếu so với bề dày gần một thế kỷ mà lịch sử đã gắn kết, giao thoa giữa hai nền văn hóa Pháp - Việt thì triển lãm này còn khá khiêm tốn. Chắc chắn cổ vật Pháp còn “lưu lạc” trong dân gian và giữa đời thường rất nhiều. Hy vọng lần sau...

Hà Đình Nguyên

>> Cận cảnh hàng trăm cổ vật nước Pháp
>> Triển lãm ảnh, tư liệu “Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Việt - Pháp” 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.