Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT có giải pháp giảm chi phí sách giáo khoa

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
04/06/2022 18:59 GMT+7

Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh.

Theo Cổng Thông tin Chính phủ, sáng nay 4.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.

Tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh.

Có thể quy định môn lịch sử vừa có phần bắt buộc và tự chọn

Về môn học lịch sử, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý, có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân và các chuyên gia cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn lịch sử.

"Có thể quy định theo hướng môn lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn", Thủ tướng gợi ý.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa - lịch sử là đầu tư cho sự phát triển. Đồng thời, Thủ tướng lưu ý, với các chính sách tác động tới toàn dân, tới lợi ích chính đáng của người dân thì phải rất thận trọng, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.

Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Tổ chức hội nghị sơ kết tự chủ đại học và việc thực hiện các quy định pháp luật về tự chủ đại học để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung quy định liên quan.

Về dự kiến tăng học phí của các trường đại học và các địa phương thời gian gần đây, Thủ tướng yêu cầu cần "cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.