Thủ tướng: Tăng lãi suất huy động, ổn định lãi suất cho vay

Mai Hà
Mai Hà
22/09/2022 14:49 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh FED tiếp tục nâng lãi suất.

Sáng nay 22.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng Việt Nam ít mất giá nhất khu vực

Hiện, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20 - 21.9 và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề

Nhật bắc

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.

Thống đốc Hồng cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết các chỉ tiêu nông nghiệp sẽ đạt yêu cầu đề ra trong năm nay, trong đó có chỉ tiêu xuất khẩu nông sản khoảng 50 tỉ USD, bởi bên cạnh những tác động tiêu cực từ tình hình thế giới thì cũng có những tác động tích cực như hiệp định EVFTA đã phát huy hiệu quả.

Ông Hoan cũng chính thức khẳng định Bộ không có chương trình ký kết hợp tác nào với Bộ Nông nghiệp Thái Lan về phối hợp nâng giá gạo lên, hai bên chỉ có các hoạt động hợp tác chung thông thường khác. Ông cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tăng cường phối hợp, đẩy mạnh kết nối thông tin xuất khẩu.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT lấy ví dụ, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Anh đã hoạt động xúc tiến rất hiệu quả, giúp lượng gạo xuất khẩu sang Anh tăng đột phá từ khoảng 200 - 300 tấn mỗi tháng trước đây lên những lô hàng khoảng 6.000 tấn. Gạo Việt đã khẳng định được chất lượng và vị thế trên thương trường, chính thức gia nhập vào các hệ thống phân phối lớn tại các thị trường cao cấp ở châu Âu.

Ông cũng đề nghị tiếp tục tháo gỡ về thẻ vàng thủy sản IUU nhưng với cách tiếp cận mới, phối hợp với một số quốc gia hỗ trợ Việt Nam về công tác này trên cơ sở hai bên cùng có lợi, xây dựng lại ngành hàng thủy sản chiến lược, bền vững, vừa đáp ứng mục tiêu trước mắt, vừa hướng tới mục tiêu lâu dài.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Nhật bắc

Đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2%

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Tăng trưởng có xu hướng giảm, lạm phát có xu hướng tăng cao tại hầu hết các nước, trong đó có Mỹ, EU, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước ASEAN…

Trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, dẫn tới hệ quả là lạm phát tăng cao, khiến ngân hàng Trung ương thời gian qua nhiều nước phải tăng lãi suất.

Việc các nước tăng lãi suất làm ảnh hưởng tới nhiều nước khác về nợ công, xuất khẩu, thất nghiệp… Với Việt Nam, nền kinh tế có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn, nên một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của các nước cũng tác động tới tỉ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền… của Việt Nam

Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh đó dứt khoát không hoang mang, dao động; cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nghiêm túc thực hiện theo Chỉ thị của Chính phủ về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Về định hướng chính sách, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên. Tích cực hơn nữa, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2%; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên.

Bộ KH-ĐT theo dõi, nắm sát tình hình, phản ứng kịp thời chính sách, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công thuộc chương trình đầu tư công trung hạn.

Thủ tướng nhấn mạnh chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả cùng các chính sách khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.