Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khẩn trương có kịch bản phục hồi nền kinh tế

Chí Hiếu
Chí Hiếu
11/04/2020 10:17 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để dịch lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh và phải làm sao biến nguy thành cơ, để sau dịch nền kinh tế sẽ tăng tốc.

Hôm qua (10.4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương.
Nội dung hội nghị bàn về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19

Cần biện pháp mạnh

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay. Về tác động tới kinh tế, Thủ tướng cho hay quý 1, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. “Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội. Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển”, Thủ tướng cảnh báo.
Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng lo ngại nợ xấu sẽ tăng do những tác động của Covid-19. Đánh giá sơ bộ của NHNN cho thấy khoảng 2 triệu tỉ đồng (23% dư nợ tín dụng) tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo 520.000 tỉ đồng (6,3% dư nợ nền kinh tế); nông, lâm, thủy sản khoảng 157.000 tỉ đồng; khai khoáng 45.000 tỉ đồng…
Theo NHNN, nếu dịch được kiểm soát trong quý 2 thì tỷ lệ nợ xấu 4% vào cuối quý, và còn 3,7% vào cuối năm. Tuy nhiên, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém.
Thủ tướng yêu cầu không để dịch lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh và phải làm sao biến nguy thành cơ, để sau dịch nền kinh tế sẽ tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng. Thủ tướng thúc giục: “Hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt, khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn, đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương đề xuất hiến kế cụ thể.

Chấm dứt trì trệ, chậm trễ ở số ngành, địa phương

Nhấn mạnh vai trò của các đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh, thành phố lớn, Thủ tướng cho biết, trong khi Hải Phòng tăng trưởng gần 15% GDP trong quý 1, Hà Nội chỉ tăng trên 3,7% và TP.HCM chỉ tăng 1%.
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho hay Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo và sẽ thành lập một “tổ đặc nhiệm” để rà soát, giải quyết tất cả các điểm nghẽn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng. Ông Huệ cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu những chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, nhất là cơ sở giáo dục đã tự chủ tài chính, hiện rất khó khăn do nguồn thu sụt giảm, ví dụ như riêng giáo dục ngoài công lập của Hà Nội có tới 46.000 người bị ảnh hưởng mà chưa nằm trong chính sách hỗ trợ nào. Đặc biệt, Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để mở hội nghị chuyên đề giáo dục để bàn về rút ngắn chương trình giáo dục hiện nay.
Thủ tướng cho rằng, về giải ngân vốn đầu tư công, tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (cả nước khoảng 700.000 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ USD), không để dồn vào cuối năm. Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.

TP.HCM có thể cho học sinh đi học vào giữa tháng 5

 
Tại hội nghị trực tuyến, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhận định với tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt như hiện nay, TP có thể cho học sinh đi học trở lại vào giữa tháng 5, đồng thời nghiên cứu cho sản xuất tăng tốc trở lại để phục hồi kinh tế.     
Sỹ Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.