Thủ tướng đối thoại với công nhân về năng suất và phúc lợi

Hoàng Long
Hoàng Long
20/05/2018 15:01 GMT+7

Được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý “cứ nói thẳng”, nhiều công nhân đã trình bày nguyện vọng về nhà ở, lương, phụ cấp, điều kiện làm việc, thậm chí bày tỏ cả lo lắng cho thế hệ tương lai.

Sáng 20.5, tại Nhà Văn hoá trung tâm tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại trực tiếp với hơn 800 công nhân đến từ các doanh nghiệp của 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng).
Đây là lần thứ 3 (lần 1 năm 2016, lần 2 năm 2017) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với công nhân, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công nhân. Tham dự buổi đối thoại còn có lãnh đạo, đại diện 18 bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng, các doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân.  
cong-nhan
Gần 800 công nhân ở 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng tham gia đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Ảnh HOÀNG LONG
Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Các kết quả kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm rất khả quan, trong đó giai cấp công nhân đóng vai trò quan trọng. Vì vậy Đảng, Nhà nước, Chính phủ nói riêng, toàn xã hội nói chung phải có trách nhiệm với đời sống công nhân. Chủ đề hôm nay là “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”. Công nhân phải nỗ lực để tăng năng suất, đóng góp hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế. Ngược lại, để phúc lợi cho công nhân tốt hơn, Thủ tướng và các bộ ngành sẽ lắng nghe một cách cầu thị nhất để có giải pháp tăng phúc lợi cho công nhân. Vì vậy, đề nghị anh chị em công nhân cứ nói thẳng tâm tư, nguyện vọng của mình”.
“Được lời như cởi tấm lòng”, nhiều công nhân đã thẳng thắn trình bày ý kiến, kiến nghị. Trong đó, ý kiến được đông đảo công nhân quan tâm nhất vẫn là chuyện nhà ở, trường học. Chị Phạm Thị Khuyên, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, chi nhánh Bắc Thăng Long cho biết: “Ở Hà Nội, chính quyền và một số doanh nghiệp chỉ bố trí được 10% nhu cầu nhà ở và 1 trường mầm non với số lượng 300 cháu cho công nhân lao động tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Số còn lại đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao. Tôi đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện xây dựng nhiều nhà ở cho công nhân thuê, mở nhiều trường công lập gần các khu công nghiệp để công nhân an tâm làm việc”.
nha-o
Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh phải bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân Ảnh HOÀNG LONG

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng trường mầm non và một số nhà ở công nhân, cho thuê với giá 29.000đ/m2/tháng tại KCN Bắc Thăng Long. Về lâu dài, thành phố cũng giao cho huyện Đông Anh đưa vào 2 trường mầm non cũng như sử dụng ngân sách thành phố, tháng 8 sẽ triển khai nhà ở tại KCN Bắc Thăng Long, với giá từ 200-400 triệu/căn hộ. Còn theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì thực hiện dự án thiết chế công đoàn về xây dựng nhà ở cho công nhân, đến nay đã thi công 3 thiết chế công đoàn tại Hải Dương, Hà Nam Quảng Nam. 20 tỉnh bố trí đất để xây dựng thiết chế.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng thì nhu cầu nhà ở đối với công nhân là rất bức thiết, ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đời sống công nhân, hiệu quả công việc. Vì vậy, ngay tại cuộc đối thoại, Thủ tướng đã chỉ đạo các tỉnh thành phải bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Về lâu dài, cùng với đầu tư của Nhà nước, sẽ kêu gọi, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào xây nhà cho công nhân.
Tăng giá, ăn chặn của công nhân là vi phạm pháp luật.
Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã tiếp thu, giải quyết nhiều vấn đề khác liên quan đến đời sống của công nhân.
Trả lời phản ánh của công nhân Nguyễn Hoài Nam (Công ty CP Prme Group, tỉnh Vĩnh Phúc) về tình trạng “bữa ăn ca ko đảm bảo, môi trường làm việc độc hại, nóng bụi, ồn, hoá chất và có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai; bệnh viện ở xa, ko khám bảo hiểm ngoài giờ trong khi công nhân không được nghỉ, phải tăng ca. Đề nghị Chính phủ có giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ”, Thủ tướng khẳng định “An toàn sức khoẻ là quyền lợi chính đáng của công nhân, được luật pháp bảo vệ”. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị mỗi công nhân phải tự lưu tâm bảo vệ, giữ gìn sức khoẻ của mình, phản ánh kịp thời đến các cấp công đoàn nếu thấy bất hợp lý. Đồng thời, Thủ tướng giao trách nhiệm cho Công đoàn phải giam sát việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của doanh nghiệp đối với công nhân.
doi-thoai
Công nhân thẳng thắn trình bày tâm tư, kiến nghị của mình với Thủ tướng Chính phủ Ảnh HOÀNG LONG

Trả lời ý kiến của chị Trần Thị Thanh, công nhân Công ty Vietinak (KCN Hưng Yên) về sửa đổi Nghị định 49 về thang bảng lương sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm kẽ hở, ép hạ lương công nhân. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH cho biết, Nghị định 49 được sửa đổi theo hướng Nhà nước không can thiệp sâu vào lương doanh nghiệp. “Nhưng sẽ ra mức sàn về lương, không cho phép doanh nghiệp trả lương dưới sàn. Việc sửa đổi nhằm trả lương đúng sức lao động, tránh tình trạng sống lâu lên lão làng, hưởng lương không đúng sức lao động”, ông Dung lý giải.
Đặc biệt, khi tiếp nhận phản ánh của công nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền (Công ty TNHH NMS Việt Nam, KCN Đồng Văn 2, tỉnh Hà Nam) về việc chị và nhiều lao động khi đi thuê trọ “phải chịu giá điện nước cao gần gấp đôi so với người dân địa phương”, Thủ tướng khẳng định: “Việc tăng giá, ăn chặn của công nhân là vi phạm pháp luật” và chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Hà Nam kiểm tra, xử lý việc chị Huyền nêu cũng như chấm dứt việc này trên toàn quốc. Tương tự, khi công nhân Phạm Thị Nga (Công ty TNHH MPX, KCN Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Thái Bình) phản ánh việc chị Nga và nhiều công nhân từng bị công ty cũ trốn nợ, không trả lương, bị gián đoạn nộp BHXH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình tiến hành điều tra, xử lý đảm bảo quyền lợi cho chị Nga.
tang-qua
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng học bổng và nhà Mái ấm công đoàn cho công nhân Ảnh HOÀNG LONG

Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng 65 xuất học bổng (mỗi suất trị giá 6 triệu đồng) và hỗ trợ 18 nhà mái ấm công đoàn (mỗi nhà trị giá 50 triệu đồng) cho công nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.