Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa rừng nhưng chặt phá vẫn diễn ra tự nhiên, vô tư

07/06/2017 17:40 GMT+7

Đây là ý kiến của thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM, tại phiên thảo luận tổ chiều 7.6 về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Ủng hộ việc giữ tên gọi dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng, ĐB Nghĩa nhấn mạnh "bảo vệ và phát triển rừng là điều cấp bách và lâu dài. Bảo vệ rừng cũng là bảo vệ môi trường an ninh quốc gia. Không còn rừng sẽ khó lắm”.
Góp ý cho dự luật, ĐB Nghĩa cảnh báo luật phải chặt chẽ để tránh việc lợi dụng quy định kinh doanh, khai thác rừng nghèo để trồng rừng mới. Từ nhiều năm qua có tình trạng thuê vài chục mẫu rừng để khai thác rừng nghèo sau đó trồng mới. Tuy nhiên sau khi khai thác xong, người thuê lại sang tay hoặc bỏ không trồng mới dẫn đến tình trạng đất đai bị hoang hoá, rừng bị tàn phá. Tình trạng này diễn biến rất phức tạp.
“Vừa qua Thủ tướng đã có chỉ đạo đóng cửa rừng nhưng vẫn diễn ra tình trạng chặt phá tự nhiên, vô tư”, thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa nói. Hậu quả của việc này, người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phải hứng chịu, mất kế sinh nhai, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống. “Nếu không xử lý tốt vấn đề này sẽ dẫn đến tràn lan mất kiểm soát”, thiếu tướng Nghĩa nhấn mạnh.
Từ vụ Sơn Trà phải cấm các hoạt động kinh doanh làm thay đổi rừng
Góp ý cho dự luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) ủng hộ việc dự luật đã quy định cấm khai thác tài nguyên khoáng sản, thiên nhiên làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng. Tuy nhiên ĐB Nghĩa cho rằng sau vụ việc Sơn Trà, luật cần bổ sung cấm hành vi kinh doanh, khai thác làm thay đổi cảnh quan tự nhiên sinh thái rừng.
Cũng theo ĐB Nghĩa, dự luật cần làm rõ một số khái niệm như “chủ rừng”. "Rừng là những thứ ở trên mặt đất gồm cả các loại thực vật, động vật. Tôi thuê đất trồng rừng nhưng các sinh cảnh, động vật trong đó có thuộc sở hữu chủ rừng không? Quy định thế nào về việc khai thác rừng nghèo, từ đó phát triển lên trong đó có sinh cảnh cần được bảo tồn? Nghĩa vụ của chủ rừng ra sao, phải làm rõ”, ĐB Nghĩa phát biểu.
Góp ý cho dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), ĐB Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng luật đã quy định cấm những hành vi như phá huỷ các hệ sinh thái đặc thù nhưng cơ chế để kiểm tra, giám sát các hành vi này trong xử lý vi phạm chưa rõ.
ĐB Bình Thuận dẫn chứng vụ việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm ở biển miền Trung dẫn đến phá huỷ hệ sinh thái, môi trường sống của các loài thuỷ sản nhưng việc kiểm tra giám sát, xử lý như thế nào không thấy đặt ra trong luật này.
Tương tự, ĐB Bình Thuận nhấn mạnh quy định cấm phóng sinh, thả các thuỷ sản ngoại lai vào vùng nước tự nhiên cũng phải có cơ chế kiểm soát tránh tình trạng nạn ốc bươu vàng, hay cá chim đen nhập về không ai kiểm tra giám sát, xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.