Thủ tướng: 'Bom mìn sau chiến tranh là vấn đề nhức nhối của đất nước'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/02/2022 14:36 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các cấp các ngành cũng như đối tác quốc tế chung tay nỗ lực đưa Việt Nam sớm thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của bom mìn sau chiến tranh.

Hiểm họa hàng ngày

Sáng 17.2, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn tới năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các tổ chức quốc tế về chương trình hành động phòng chống bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam

Trần thường

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đã trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc để có được hòa bình như ngày hôm nay. Nhưng cho dù chiến tranh đã lùi xa, người Việt Nam được sống trong hòa bình thì hậu quả của những cuộc chiến ấy vẫn tồn tại.

"Bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam là hiểm họa hàng ngày đối với người dân, là vấn đề nhức nhối của đất nước, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, cản trở sự phát triển bình thường của kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn. Ngay chiều qua thôi, tại Quảng Trị, vẫn có người thiệt mạng vì bom mìn sau chiến tranh", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết theo thống kê, từ năm 1975 đến nay đã có hơn 40.000 người bị chết và 60.000 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra, chưa kể hậu quả chất độc da cam. Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi tính mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tích, thương tật suốt đời.

Thủ tướng nêu rõ trong nhiều năm qua Việt Nam đã tích cực, chủ động khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả bom mìn, chất độc da cam nói riêng.

Việc ban hành Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ổn định cuộc sống người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh sau 10 năm thực hiện Chương trình 504, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh nói chung, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn đã được triển khai thực hiện hiệu quả và thu được một số kết quả quan trọng.

17% diện tích đất ô nhiễm bom mìn

Theo Thủ tướng, hiện nay, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam vẫn còn rất lớn (khoảng 5 triệu héc ta, chiếm hơn 17% diện tích đất đai cả nước), công việc nhiều, phức tạp, yêu cầu cao nhưng thời gian có hạn, nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn còn hạn chế.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị

TTXVN

Từ đó, ông đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm về lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn nhân lực, tài chính cho công tác này; cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ giai đoạn tới năm 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện Chương trình 504; đồng thời xây dựng dự thảo pháp lệnh về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh để trình cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực, chủ động, đẩy mạnh hơn nữa công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, đồng thời cũng trân trọng đề nghị chính phủ các nước, các đại sứ, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành, đưa Việt Nam sớm thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của bom mìn do chiến tranh để lại.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, trước khi ban hành Chương trình 504 (năm 2010), mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất đai của cả nước.

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã khảo sát và rà phá được gần 500.000 ha đất đai ô nhiễm và phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom mìn, vật nổ. Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước được xây dựng trên nhiều vùng đất đã được làm sạch bom mìn, vật nổ.

Hơn 5.000 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế với số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.