Thủ tướng: ASEAN cần khôn khéo, cân bằng chiến lược, hóa giải khó khăn

Mai Hà
Mai Hà
(từ Jakarta)
04/09/2023 18:17 GMT+7

Ngay sau khi tới Indonesia, chiều 4.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN 2023 (ASEAN BIS) tại Jakarta (Indonesia).

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đánh giá cao ASEAN BIS với vai trò là diễn đàn lớn nhất của doanh nghiệp trong khu để thực hiện đối thoại công - tư, đề ra các chiến lược, giải pháp nhằm vượt qua thách thức, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực.

Thủ tướng: ASEAN cần khôn khéo, cân bằng chiến lược, tranh thủ hỗ trợ,hóa giải khó khăn - Ảnh 1.

Thủ tướng nêu nhiều thông điệp lớn về tinh thần đoàn kết, phát triển của ASEAN

NHẬT BẮC

Nhắc đến tình hình kinh tế thế giới ngày càng khó khăn, khó đoán định, Thủ tướng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp “những lúc thuận lợi không quá lạc quan, những lúc khó khăn không quá bi quan”; trên tinh thần xác định khó khăn nhiều hơn để nỗ lực và cố gắng nhiều hơn.

“Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, sáng tạo bắt nguồn từ văn hóa. Những yếu tố này các nước cộng đồng ASEAN đều có, rất mong chúng ta phát huy cao nhất, đoàn kết cùng nhau đưa ASEAN phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để ASEAN có thể tiếp tục phát huy vai trò, vị thế và tận dụng, nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề ra 5 thông điệp lớn.

Thứ nhất, ASEAN cần củng cố và tăng cường đoàn kết nội khối, giữ vững nguyên tắc, lập trường, quan điểm chung của ASEAN, giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác. 

"Chúng ta phải khôn khéo, cân bằng chiến lược, vừa tranh thủ được lợi thế của các nước có thể hỗ trợ ASEAN nhưng cũng hóa giải được những khó khăn có thể đến bất cứ lúc nào", Thủ tướng nêu.

Thứ hai, ASEAN cần duy trì cam kết lâu dài về mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối. Các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau, đoàn kết để phát triển.

Thứ 3, ASEAN cần tăng cường hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới, nhất là các động lực tăng trưởng mới: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Thứ 4, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển nhanh nhưng bền vững.

Thứ 5, kiên định cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Những vấn đề lớn mang tính toàn cầu như Covid, năng lượng, lương thực nhưng tác động đến toàn dân, nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, kêu gọi đoàn kết quốc tế. 

Thủ tướng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, kết hợp hài hòa giữa sản xuất, kinh doanh với đổi mới sáng tạo; đồng thời, nâng cao năng lực và đạo đức kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững.

Thủ tướng: ASEAN cần khôn khéo, cân bằng chiến lược, tranh thủ hỗ trợ,hóa giải khó khăn - Ảnh 2.

ASEAN BIS thu hút nhiều doanh nghiệp trong khối ASEAN tham dự

NHẬT BẮC

“Làm sao vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phát triển văn hóa doanh nghiệp, để xây dựng văn hóa ngang tầm kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng văn hóa đậm đà bản sắc của ASEAN. Các doanh nghiệp phải đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau, dù ở đâu nhưng tinh thần là "trong tôi có bạn, trong bạn có tôi" để chúng ta hỗ trợ nhau phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.

Indonesia đón Thủ tướng Phạm Minh Chính bằng điệu múa truyền thống tại sân bay

Cộng đồng đoàn kết, chia sẻ

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá mới cho ASEAN, Chính phủ và doanh nghiệp cần hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thực chất.

Theo đó, cùng nhau hoàn thiện thể chế thông qua chuẩn hóa và hài hòa hóa các quy định đầu tư, kinh doanh trong ASEAN, đơn giản hóa các thủ tục bằng chuyển đổi số; khuyến khích và coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh.

Các nước ASEAN cần chung tay phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cứng về GTVT, năng lượng và hạ tầng thông minh gồm các nền tảng số, trung tâm đổi mới sáng tạo... 

Đặc biệt, cần tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giữa các nước, tạo sự kết nối liên thông của cả khu vực, chú trọng mô hình hợp tác công - tư để phát huy sức mạnh, nguồn lực từ Nhà nước và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh tới nguồn nhân lực, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, con người là nguồn lực quý giá nhất, cần có sự đào tạo, nâng cao sáng tạo của con người. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao với các tiêu chuẩn chung về đào tạo, đánh giá và công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống văn bằng. Đây là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực.

Thủ tướng nhấn mạnh, những vấn đề trên cần phải được phối hợp ở cả 3 cấp độ: giữa chính phủ với chính phủ để hài hòa chính sách, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để đồng bộ trong triển khai, giữa chính phủ với doanh nghiệp để tăng cường quan hệ đối tác công - tư, sự tin cậy và đồng thuận trong hoạch định, triển khai chính sách.

"Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp ASEAN tiếp tục đoàn kết, thống nhất cùng Chính phủ, người dân xây dựng ASEAN độc lập tự cường, phát triển, góp phần quan trọng cho hòa bình, hợp tác phát triển khu vực và thế giới. Tha thiết nhất của chúng tôi là cộng đồng đoàn kết, chia sẻ, xây dựng ASEAN hùng cường, thịnh vượng, ngày càng phát triển", Thủ tướng nêu.

Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào lĩnh vực mới ở Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.