Thủ tướng Anh sa thải bộ trưởng tài chính, nỗ lực giữ ghế giữa khủng hoảng

15/10/2022 07:41 GMT+7

Thủ tướng Anh Liz Truss ngày 14.10 đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và từ bỏ một nội dung quan trọng trong chiến lược kinh tế gây tranh cãi, trong nỗ lực giữ ghế chỉ sau hơn một tháng tại nhiệm.

Thủ tướng Anh Liz Truss (phải) và ông Kwasi Kwarteng vào ngày 4.10

reuters

Với 38 ngày giữ chức, ông Kwarteng trở thành bộ trưởng tài chính có thời gian tại nhiệm ngắn thứ hai trong lịch sử chính trường Anh, theo AFP. Cựu ngoại trưởng Jeremy Hunt đã được bà Truss bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính mới, người thứ tư nắm giữ chức vụ này trong chỉ trong hơn 3 tháng.

Trong một cuộc họp báo tại Phố Downing ngày 14.10, bà Truss cho biết bà sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp mà chính phủ tiền nhiệm đề xuất, sau làn sóng phản ứng gay gắt vì lo sợ tác động của việc chính phủ gia tăng vay nợ trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục.

"Rõ ràng là một số nội dung trong kế hoạch 'ngân sách mini' của chúng tôi đã đi xa hơn và nhanh hơn so với những gì thị trường mong đợi, vì vậy cách chúng tôi thực hiện sứ mệnh của mình ngay bây giờ phải thay đổi", bà Truss nói với các phóng viên, theo CNN.

Đây là lần "quay xe" thứ hai của bà Truss trong tháng này đối với một chính sách trọng điểm: Vào ngày 3.10, chính phủ của bà đã phải rút lại kế hoạch xóa bỏ thuế suất đối với các khoản thu nhập cao nhất, chỉ hơn một tuần sau khi kế hoạch được công bố.

Trong một lá thư đăng trên Twitter, ông Kwarteng cho biết ông đã đồng ý đứng sang một bên theo yêu cầu của bà Truss, nói ông tin rằng tầm nhìn của bà về "sự lạc quan, tăng trưởng và thay đổi" là đúng đắn, qua đó cam kết ủng hộ nữ thủ tướng.

Cách đây 3 tuần,ông Kwarteng đã giới thiệu kế hoạch "ngân sách mini", hứa hẹn cắt giảm thuế có giá trị lên đến 45 tỉ bảng Anh, đồng thời gia tăng vay nợ với hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Anh. Tuy nhiên, đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ đã sụp đổ do lo ngại rằng các kế hoạch này sẽ tiếp tục làm gia tăng lạm phát vào thời điểm giá cả đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong khoảng 40 năm.

Tình hình đó đã khiến Ngân hàng Trung ương Anh phát đi cảnh báo về rủi ro nghiêm trọng đối với sự ổn định về tài chính của đất nước và công bố ba biện pháp can thiệp riêng biệt nhằm xoa dịu thị trường trái phiếu vốn đã khiến một số quỹ hưu trí của Anh đứng trước bờ vực vỡ nợ.

Kế hoạch cắt giảm thuế của chính phủ bà Truss đã bị chỉ trích dữ dội bởi các nhà đầu tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các tổ chức xếp hạng tín dụng và bởi chính các thành viên của đảng Bảo thủ. Một số nhà lập pháp được cho là đã kêu gọi cách chức bà Truss chỉ sau 5 tuần bà ngồi vào ghế thủ tướng.

Một cuộc thăm dò mới nhất mà YouGov thực hiện cho báo The Times cho thấy 43% cử tri đảng Bảo thủ muốn có một thủ tướng mới ở Phố Downing. Các cuộc thăm dò khác cho thấy Công đảng, phe đối lập chính, đang dẫn trước với khoảng cách lớn về sự ủng hộ của công chúng Anh, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng bầu cử đối với đảng Bảo thủ của bà Truss.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.