Thủ tục trói nguồn lực

16/08/2022 04:16 GMT+7

Có tiền nhưng không tiêu được đang là nghịch lý diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề và điểm chung của nghịch lý này đều do thủ tục trói chân .

Đơn cử như nỗi lo ế gói ưu đãi cho vay thuê, mua nhà ở xã hội (NOXH) hiện nay. Nhu cầu thì nhiều, tiền thì có tới 15.000 tỉ đồng cho vay lãi suất ưu đãi nhưng nhà lại không có. Thế nên cả người có tiền và người cho vay đều chịu chết. Nhưng chỉ nói như vậy thì chưa thấy hết cái sự trớ trêu của nó. Ngược lại quá khứ, khi lý giải về việc thiếu nguồn cung NOXH khan hiếm, hầu hết ý kiến đều cho rằng, phân khúc này ế vì lợi nhuận ít nên các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) chê, không làm. Hệ quả là thị trường tràn ngập căn hộ cao cấp mà vắng bóng nhà giá rẻ, NOXH lại càng hiếm hoi. Lập luận này đã bị bác bỏ hoàn toàn tại Hội nghị thúc đẩy phát triển NOXH mới đây do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Lần đầu tiên, hàng loạt đại gia BĐS “chuyên trị” phân khúc hạng sang đã cam kết xây dựng hàng triệu căn NOXH như một sự chia sẻ, chung tay, góp sức cùng với Nhà nước trong việc chăm lo đời sống người dân, nhất là người lao động, người thu nhập thấp. Có thể nói, đây là một tín hiệu hết sức đáng mừng không chỉ cho các đối tượng thụ hưởng mà còn giúp cân bằng thị trường, tạo thêm động lực để phục hồi và phát triển kinh tế. Thế nhưng, đằng sau các cam kết của DN lại vẫn là nỗi lo... thủ tục. DN sẵn sàng nhưng thực tế hiện nay, thủ tục để một dự án BĐS nói chung và dự án NOXH nói riêng mất ít nhất vài năm, cá biệt có dự án lên hàng thập kỷ. Đặt trường hợp các DN này bắt tay vào làm luôn thì để vượt được “ải” thủ tục, gói ưu đãi - vốn chỉ có thời hạn đến hết năm 2023 - cũng hết hiệu lực. Như vậy, một chủ trương tốt đẹp của Đảng và Nhà nước, được thúc đẩy bằng sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, có thể sẽ không thể đến được với người dân chỉ vì hàng rào thủ tục.

Đáng nói là những nghịch lý kiểu này ngày càng diễn ra nhiều hơn. Đầu tư công - mũi nhọn chủ lực để phục hồi kinh tế, giải ngân không được vì thủ tục. Giá nhà đất quá cao so với thu nhập người dân, một trong những nguyên nhân do thiếu nguồn cung, cũng vì thủ tục. Kẹt xe, ngập nước ở đô thị cũng do thủ tục khiến các công trình trọng điểm để giải quyết các vấn nạn này bị kéo dài. Có thể nói, thủ tục hành chính là nỗi ám ảnh với hầu hết DN, người dân khi phải đến cửa công. Những năm qua, có rất nhiều tính toán, thống kê của các tổ chức trong và ngoài nước về những thiệt hại tính bằng tỉ USD do thủ tục hành chính. Thế nên ngay trong cơn nguy khó của đại dịch Covid-19, các DN BĐS không ít lần nói thẳng, họ không cần hỗ trợ bằng tiền, chỉ cần chính sách thông thoáng. Nhắc lại để thấy, dù chúng ta đã thực hiện không ít công cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhưng ở nhiều nơi, nhiều chỗ thủ tục hành chính vẫn đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế, trói chân nguồn lực trong xã hội, làm vô hiệu hóa nhiều chủ trương, chính sách tốt đẹp của Nhà nước với người dân.

Nhưng thủ tục không tự nhiên sinh ra mà do chúng ta quy định và thực hiện. Nghĩa là mọi sự trì trệ đều có người chịu trách nhiệm cụ thể. Vậy thì đừng đổ lỗi, đừng biện minh mà hãy truy trách nhiệm và quyết liệt gạt sang một bên những cá nhân, tổ chức không đủ năng lực hay cố tình kéo trì bộ máy hành chính công, gây cản trở hoạt động của người dân, DN. Có như vậy, nền kinh tế mới giảm bớt các nghịch lý có tiền mà tiêu không được như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.