Thủ tục rườm rà, chính sách chậm đến tay doanh nghiệp

05/03/2024 06:24 GMT+7

Nhiều ý kiến tại buổi giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022 và Nghị quyết 57/2022 cho rằng, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân không mang lại hiệu quả như kỳ vọng do thủ tục rườm rà.

Chiều 4.3, đoàn giám sát của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn làm việc với UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43) và Nghị quyết 57/2022 về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM (Nghị quyết 57).

Về tình hình thực hiện Nghị quyết 43, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết có hơn 133.000 doanh nghiệp kê khai giảm thuế GTGT (từ 10% xuống còn 8%) với số tiền thuế được giảm hơn 39.300 tỉ đồng.

Về chính sách đầu tư phát triển, tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 ước đạt hơn 88.000 tỉ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Đối với đầu tư công, năm 2023 TP.HCM giải ngân 72% trong hơn 68.600 tỉ đồng được phân bổ. Còn chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (500.000 - 1 triệu đồng/tháng, tối đa 3 tháng), TP.HCM hỗ trợ hơn 800.000 người lao động với tổng kinh phí gần 980 tỉ đồng.

Thủ tục rườm rà, chính sách chậm đến tay doanh nghiệp- Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chỉ có một số ngân hàng quốc doanh thực hiện

Ngọc Thắng

Nhiều ý kiến tại buổi giám sát cho rằng một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân không mang lại hiệu quả như kỳ vọng do thủ tục rườm rà. Ông Phan Đình Tuệ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nêu thực tế chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chỉ có một số ngân hàng quốc doanh thực hiện, còn ngân hàng cổ phần ít tham gia. Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều ngại vay sợ phúc tra sau này phải hoàn lại. Theo ông Tuệ, muốn doanh nghiệp phục hồi nhanh thì nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước phải kịp thời và ít thủ tục, hiện nhiều doanh nghiệp có số thuế được hoàn lớn nhưng chưa được giải quyết.

Đối với dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất sử dụng nguồn vốn còn dư để đầu tư các hạng mục khác theo từng dự án độc lập. Những hạng mục này từng được nghiên cứu nhưng tại thời điểm thông qua chủ trương phải cắt đi vì vấn đề kinh phí. Hơn nữa, việc đầu tư thêm các hạng mục cũng nhằm giải quyết những hạn chế của đường 4 làn xe (hai làn mỗi bên). Nếu được chấp thuận, TP.HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội sử dụng ngân sách địa phương đầu tư đồng bộ toàn tuyến, kể cả đoạn đi qua 3 tỉnh (Đồng Nai, Bình DươngLong An).

Về nguồn vật liệu, ông Phan Văn Mãi cho biết vừa rồi TP.HCM cử đoàn công tác do một phó chủ tịch dẫn đầu làm việc các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu về nguồn cát, báo cáo Thủ tướng phương án giải quyết. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề xuất sớm đánh giá hiệu quả việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp để giải quyết phần nào nhu cầu, đồng thời nghiên cứu phương án đầu tư cầu cạn ở một số đoạn tuyến, thay vì làm đường trên mặt đất.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá việc thực hiện hai nghị quyết giúp TP.HCM vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đoàn giám sát ghi nhận và nghiên cứu các kiến nghị của TP.HCM để báo cáo Quốc hội như ban hành luật về khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, giảm thuế GTGT để kích cầu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.