Thứ trưởng NN-PTNT nói gì về vụ 'đứt gãy' kênh thủy lợi nghìn tỉ ở Thanh Hóa?

30/12/2020 09:26 GMT+7

Cung trượt làm đứt gãy, trôi một đoạn kênh bắc sông Chu - nam Sông Mã (Thanh Hóa) xảy ra bên dưới đáy kênh, sự cố này là bất khả kháng!

Sau khi trực tiếp kiểm tra hiện trường và làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa trong ngày hôm qua, 29.12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã có chia sẻ ban đầu về sự cố ở công trình thủy lợi bắc sông Chu - nam sông Mã xảy ra trong ngày 27.12 vừa qua.
Trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, theo ông nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố đứt gãy kênh bắc sông Chu - nam sông Mã là từ đâu?
Trước hết là tổ hợp bất lợi của địa hình và địa chất. Đoạn kênh được thi công trên nền đất đắp, bờ kênh cao 16 m trên đất đắp trên nền đá phong hóa.
Công trình này đã vận hành ổn định được 7 năm nay nhưng có thể đá phong hóa ở đây đang có vấn đề. Tôi đã cho các nhà địa chất khảo sát lại để xem nền đá phong hóa có vấn đề gì không.
Thứ hai nữa khi cho vận hành thử nước xả làm sạch môi trường kênh để cấp nước cho vụ đông xuân thì cũng phải xem lại quy trình vận hành tạo áp lực nước.
thuy-loi

Đoạn kênh dài khoảng 70 m bị đứt gãy

Ảnh Minh Hải

Nghĩa là quy trình vận hành nước ở đây tạo ra lực rất mạnh dẫn đến sự cố đứt gãy một đoạn kênh?
Cũng có thể dẫn nước ở đoạn kênh này nó tiếp giáp với kênh đắp và cầu máng. Đoạn sạt lở đúng đoạn chân cầu máng. Phải xem lại quy trình vận hành đưa nước vào cầu máng để điều chỉnh cho phù hợp.

Vì sao thứ trưởng Bộ NN – PTNT xin lỗi vụ kênh hơn 4.300 tỉ đồng bị đứt gãy?

Giám định chất lượng công trình để làm rõ trách nhiệm

Bộ NN-PTNT sẽ xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị để xảy ra sự cố này ra sao thưa ông?
Bây giờ xác định trách nhiệm thì phải xem lại nguyên nhân dẫn đến sự cố đã. Tôi đã rà soát lại tất cả, kể cả bản vẽ, thiết kế thi công, quá trình thi công thì đúng theo thiết kế. Vấn đề là, chắc là tiêu chuẩn của đoạn kênh này nó phải cao hơn các đoạn khác. Bởi vì nó đặc biệt, là đoạn tiếp giáp giữa kênh và cầu máng, tiêu chuẩn chắc phải cao hơn.
Theo hình ảnh chụp từ hiện trường, dư luận có ý kiến cho rằng, lớp bê tông láng cống máng mỏng, liệu sự cố này có liên quan đến chất lượng công trình bị rút ruột?
Nó không liên quan. Bởi vì sự cố sập này là ở dưới đáy kênh. Qua kiểm tra thì nó là một cung trượt dưới đáy kênh, chứ không phải trên kênh. Cung trượt này cách đáy kênh khoảng 5 m, nó trượt toàn bộ cái kênh đấy đi. Tôi kiểm tra sơ bộ lớp bê tông, sắt thép, bê tông lớp đáy kênh đều đúng theo thiết kế.
Trong sự cố này, Bộ NN-PTNT có yêu cầu giám định mẫu bê tông không thưa ông?
Chắc chắn là giám định vẫn phải làm. Nhưng nguyên nhân của nó không phải do thi công mà trượt ở dưới đáy kênh. Bờ kênh cao 16 m nhưng đáy kênh chỉ có 3 m thôi và xảy ra trượt ở dưới đáy. Sự cố này là bất khả kháng. Tôi có chỉ đạo các đơn vị trong 3 ngày phải khắc phục xong đưa công trình trở lại cấp nước bình thường.
 

Dự án kênh bắc sông Chu - nam sông Mã được đầu tư 4.300 tỉ đồng

Sự cố đứt gãy kênh bắc sông Chu - nam sông Mã (đoạn chảy qua thôn Minh Lải, xã Phùng Minh, H.Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) xảy ra khoảng 9 giờ 45 ngày 27.12, tại vị trí K5+170 đến K5+240 (đoạn đứt gãy dài 70 m). Sự cố đã làm xói trôi khoảng 25.000 m3 đất, làm hư hỏng hoàn toàn 42 tấm bê tông lát mái và đáy kênh. Kênh gãy làm nước chảy tràn ra ngoài cuốn theo đất đá vùi lấp gần 3 ha ruộng (chưa trồng cây), 0,5 ha ao nuôi cá.
Cũng tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa và Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT; quản lý vận hành kênh) trong ngày 29.12, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã xin lỗi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và người dân, vì để xảy ra sự cố đứt gãy kênh. Ông Hiệp cũng cho biết, về công tác quản lý và trách nhiệm vận hành kênh, Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 đã báo cáo chậm sự cố với lãnh đạo Bộ NN-PTNT.
Được biết, dự án kênh bắc sông Chu - nam sông Mã lấy nước từ hồ Cửa Đạt (H.Thường Xuân, Thanh Hóa), có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 370 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng, khởi công vào năm 2011 và mới hoàn thành đi vào khai thác từ đầu năm 2019.
Minh Hải
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.