Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Những lưu ý đặc biệt trong chấm thi tốt nghiệp THPT

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/07/2022 11:06 GMT+7

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lưu ý khi chấm thi điều đặt lên hàng đầu là phải chính xác, công bằng và "hãy đặt địa vị mình là thí sinh sẽ buồn ra sao nếu bài thi của mình không được đánh giá đúng".

Sáng nay 12.7, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, dẫn đầu đoàn kiểm tra của bộ đã đến kiểm tra công tác chấm thi các môn tự luận và trắc nghiệm tại hội đồng thi tỉnh Quảng Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khu vực chuẩn bị chấm thi tự luận tại tỉnh Quảng Nam

minh thu

"Hãy hình dung thí sinh buồn thế nào nếu bài thi không được đánh giá đúng"

Phát biểu khai mạc ban chấm thi tại Quảng Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, tuy là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các trường ĐH vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh ĐH nên ngoài xét tốt nghiệp thì kỳ thi có tính chất cạnh tranh, căng thẳng.

Theo ông Độ, chất lượng, công bằng, khách quan của kỳ thi thể hiện ở tất cả các khâu, ngoài khâu coi thi thì khâu chấm thi cũng đặc biệt quan trọng. Do vậy, các thầy cô chấm thi phải “nằm lòng” nguyên tắc: chấm đúng, chấm chính xác, công bằng, khách quan trung thực. Nắm chắc quy chế, đặc biệt là hướng dẫn chấm.

“Được cử đi chấm thi là tự hào nhưng cũng là áp lực, mong các thầy cô cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để mang về niềm vui. Các thầy cô đến đây phải gạt bỏ mọi áp lực bên ngoài, áp lực cuộc sống, áp lực bởi những sự “nhờ vả” của người thân quen, chỉ còn áp lực duy nhất là phải chấm thi thật nghiêm túc, công bằng”, ông Độ chia sẻ với các giám khảo chấm thi.

Ông Nguyễn Hữu Độ kiểm tra biên bản chấm thi trắc nghiệm tại khu vực chấm thi trắc nghiệm tỉnh Quảng Nam

Minh thu

Ông Độ nhấn mạnh nguyên tắc bài thi tự là trước khi chấm chung ít nhất 10 bài, phải chấm 2 vòng độc lập nghiêm túc sau đó tiến hành thống nhất điểm. Chất lượng chấm còn thể hiện ở chỗ không có hoặc có không đáng kể sự chênh lệch giữa 2 giám khảo ở 2 vòng.

Cũng theo ông Độ, hội đồng chấm sẽ chứng minh hội đồng coi thi có tốt không. Ban làm phách sẽ biết khâu coi có làm tốt không ở chỗ có phải sửa nhiều lỗi sai sót về tô mã đề, tô số báo danh của thí sinh hay không…

Ông Độ đặc biệt lưu ý, trong quá trình chấm thi, cái gì có lợi nhất cho thí sinh các thầy cô cố gắng làm, tránh làm mất điểm của thí sinh. “Khi chấm thi hãy đặt địa vị mình là thí sinh sẽ buồn ra sao nếu bài thi của mình không được đánh giá công bằng, chính xác”, ông Độ nhắn nhủ.

Lưu ý chấm kiểm tra những bài có kết qủa quá cao hoặc quá thấp

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng bày tỏ mong muốn khâu chấm thi làm sao để sau khi công bố kết quả thi, càng ít thí sinh xin phúc khảo bài thi các tốt vì số lượng xin phúc khảo cũng phản ánh chất lượng của khâu chấm thi.

“Nếu sau chấm phúc khảo phải điều chỉnh trên 1 điểm là phải mời thầy cô chấm thi lên đối chất”, ông Độ lưu ý và khẳng định tất cả các quy trình chấm thi đều có cơ chế giám sát lẫn nhau nên đòi hỏi phải làm nghiêm túc mọi khâu trong quá trình chấm thi.

Giám khảo dự khai mạc, nghe phổ biến quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT tại Quảng Nam

TUỆ NGUYỄN

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng yêu cầu tăng cường chấm kiểm tra, ít nhất 5% số lượng bài thi và lưu ý năm nay chấm kiểm tra chấm ngay sau khi chấm xong 1 vòng chứ không phải chờ chấm đủ 2 vòng như trước. Nên chấm kiểm tra vòng 1 mà đã phát hiện chênh lệch điểm lớn thì sẽ phải chỉ đạo điều chỉnh ngay, có chế tài xử lý những trường hợp chấm chênh lệch điểm nhiều.

Cũng liên quan đến khâu chấm kiểm tra, ông Độ đề nghị có thể chấm kiểm tra song song với tiến độ chấm, chấm kiểm tra từ vòng 1 nhưng ưu tiến chấm kiểm tra sau khi đã xong vòng 2, sau khi đã thống nhất điểm, nếu thấy cặp giám khảo nào chấm lệch nhau nhiều thì phải có biện pháp nhắc nhở.

“Chấm kiểm tra cũng nên lựa chọn những bài có kết quả điểm cao hoặc quá thấp để chấm kiểm tra để đảm bảo kết quả ấy dù rất cao hay rất thấp cũng đều phản ánh đúng chất lượng bài làm của thí sinh, không có hiện tượng chấm chặt, chấm lỏng”, ông Độ lưu ý.

Liên quan đến quyền lợi của thí sinh, Thứ trưởng Độ cũng nhắc nhở cần cẩn trọng ở khâu cộng điểm để không cộng sót điểm trong bài thi của thí sinh. Ngoài ra, giám khảo chấm thi cần bảo mật nội dung bài thi của thí sinh, không đưa nội dung bài làm của thí sinh lên mạng xã hội để bình luận cũng kết quả điểm của thí sinh khi chưa đến thời điểm được công bố; thầy cô tham gia chấm thi không mang điện thoại, thiết bị công nghệ cao vào khu vực chấm thi.

Thù lao chấm thi năm nay được trả theo ngày, tính “công nhật” thay vì tính theo số lượng bài thi như trước, ông Độ bày tỏ mong các thầy cô vẫn tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, chấm “nhanh nhưng không vội”.

Giám khảo không băn khoăn về quy trình, hướng dẫn chấm thi

Theo kế hoạch chấm thi của tỉnh Quảng Nam, việc chấm thi trắc nghiệm sẽ tiến hành từ ngày 9-12.7; chấm thi tự luận từ ngày 12-19.7.

Toàn tỉnh có 16.555 bài thi môn ngữ văn, môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ban chấm thi gồm 1 trưởng ban, 5 phó trưởng ban và 180 cán bộ chấm thi, 14 cán bộ chấm kiểm tra.

Ban chấm thi trắc nghiệm gồm 1 trưởng ban, 4 phó trưởng ban và 27 cán bộ tham gia ở các tổ chấm, tổ thư ký và tổ giám sát.

Tại buổi khai mạc chấm thi, khi được hỏi, không có cán bộ, giáo viên nào có ý kiến băn khoăn, thắc mắc gì về quy định về chấm thi cũng như đáp án, thang điểm, hướng dẫn chấm thi các môn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.