Thứ trưởng Công an: 11 vụ cướp ngân hàng cơ bản do người thất nghiệp gây ra

17/01/2024 17:55 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, năm 2023 có 29,6% tội phạm là người thất nghiệp, 11 vụ cướp ngân hàng cơ bản do người thất nghiệp gây ra.

Tín dụng đen diễn biến phức tạp

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ngày 17.1, thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết trong năm 2023, tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn diễn ra phức tạp; nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công, đấu thầu, đấu giá, đất đai...

Thứ trưởng Công an: 11 vụ cướp ngân hàng cơ bản do người thất nghiệp gây ra- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị

ĐT

Cạnh đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng gia tăng; tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng với số tiền lớn, biến tướng dưới nhiều hình thức mới.

Ông Đức cũng đề cập tới vấn đề hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh, vay ngân hàng trên các nền tảng di động và qua mạng diễn ra phức tạp, một số vụ do đối tượng người nước ngoài cầm đầu...

Ngoài ra, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ các nước châu Âu vào Việt Nam qua đường hàng không gia tăng. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ lưu trú, nhà chung cư... diễn ra ở nhiều địa phương…

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá trong năm 2023, đất nước đối mặt với những khó khăn chưa có tiền lệ, công tác an ninh, trật tự cũng vậy.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực rất cao của các cơ quan chuyên trách và sự đồng lòng phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo Bộ Công an khẳng định đã kiểm soát được tình hình tội phạm, không để cho tội phạm lộng hành.

Theo ông Ngọc, trong các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tội phạm có xuất phát từ tình trạng thất nghiệp. Cụ thể, năm 2023 có 29,6% tội phạm là người thất nghiệp, 11 vụ cướp ngân hàng cơ bản do người thất nghiệp gây ra.

"Trước đây nói đến cướp ngân hàng trên thế giới là các đối tượng rất chuyên nghiệp, còn ở ta bây giờ lại rất đơn giản do những người thất nghiệp đi cướp ngân hàng. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, nhất là dịp tết", ông Ngọc nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị Bộ LĐ-TB-XH cần rà soát chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó là quan tâm quản lý người nghiện vì 96% người nghiện hiện nay không có việc làm; 14,3% tội phạm trong năm 2023 do người nghiện gây nên…

Bóc trần nhiều thủ đoạn buôn lậu mới

Ông Lê Thanh Hải, Chánh văn phòng thường trực, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thông tin năm 2023, trên các tuyến, địa bàn nổi lên các hoạt động như: mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá, động vật hoang dã qua khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không các tỉnh, thành phố Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Long An...

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên các vùng biển Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; kinh doanh xăng dầu không bảo đảm chất lượng tại tỉnh Bình Dương

Thứ trưởng Công an: 11 vụ cướp ngân hàng cơ bản do người thất nghiệp gây ra- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), phát biểu tại hội nghị

ĐT

Ông Hải cũng nhắc tới hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử, trang mạng xã hội để mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… tại khu vực trung tâm và địa bàn thành thị các tỉnh, thành phố.

Hàng loạt phương thức, thủ đoạn mới trong buôn lậu, gian lận thương mại được ông Hải đề cập tới như: trên tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, đối tượng lợi dụng tạm nhập tái xuất, hàng hóa nhập xuất kho ngoại quan, hàng quá cảnh, nhập khẩu nguyên liệu gia công, xuất khẩu… để đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu hàng vào nội địa.

"Đối với ma túy, tiền chất ma túy, đối tượng lợi dụng một số cơ sở sản xuất hàng hóa thông thường để ngụy trang, cất giấu, tập kết số lượng lớn ma túy lên các phương tiện khai thác thủy sản trung chuyển ra nước ngoài tiêu thụ", ông Hải nói.

Đáng chú ý, đối với xăng dầu, đối tượng mua bán, sang mạn trái phép xăng dầu trên phương tiện khai thác thủy sản vận chuyển về vùng biển Việt Nam bán lại cho phương tiện khai thác thủy sản…

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), chia sẻ cơ quan hải quan là thành viên của cả Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Qua công tác đấu tranh cũng như phối hợp thời gian qua, ngành hải quan đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm, đầu tiên chính là hiệu quả của việc chia sẻ dữ liệu thông tin giữa lực lượng đấu tranh trực tiếp với các đơn vị phối hợp, từ cấp T.Ư đến địa phương.

Năm qua, trên các tuyến đường bộ, đường biển, hàng không, lực lượng chức năng đã bắt trên 200 vụ vi phạm, trong đó lực lượng hải quan chủ trì bắt giữ hơn 100 vụ. Kết quả này cho thấy kinh nghiệm trong chỉ đạo phối hợp với các đơn vị thực thi pháp luật, cấp trên chỉ đạo sát cấp dưới. Trong địa bàn hải quan, lực lượng hải quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, biên phòng... để thực hiện đấu tranh.

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, phối hợp tích cực giữa các tỉnh, các ngành trong quá trình bắt giữ các vụ vi phạm cũng hết sức quan trọng. Vai trò chỉ đạo trong phối hợp bắt giữ này cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.