Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định về dịch Covid-19 ở TP.HCM, Bắc Giang

Duy Tính
Duy Tính
17/06/2021 10:56 GMT+7

Dịch Covid-19 tại Bắc Giang là lây nhiễm trong khu công nghiệp, nhà trọ; còn dịch Covid -19 tại TP.HCM lây nhiễm cộng đồng rồi lan vào bệnh viện...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 (lần 2) tại TP.HCM nhận định tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM và Bắc Giang là khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

ẢNH: DUY TÍNH

Theo thứ trưởng Bộ Y tế, dịch Covid-19 ở Bắc Giang được phát hiện từ 1 nhà máy, thời điểm phát hiện tương đối lâu. Khi đó, người công nhân trong quá trình sản xuất và về nhà trọ đã gây ra lây nhiễm trong khu vực sản xuất và nơi sinh sống.

Trưa 17.6: Thêm 220 ca Covid-19, Việt Nam đã hơn 12.000 ca

Còn tại TP.HCM, dịch Covid-19 được phát hiện từ ngoài cộng đồng và từ cộng đồng có một số ca xâm nhập từ bên ngoài vào cơ sở y tế và bắt đầu có ca ở cơ sở sản xuất, khu công nghiệp.
“Chình vì 2 đặc điểm dịch khác nhau nên ở Bắc Giang (kể cả Bắc Ninh) chúng tôi khoanh vùng nơi sản xuất, nhà máy, nhà trọ để sàng lọc tuyệt đối, rà qua soát lại, có những đơn vị rà soát 2 lần/ngày để làm xét nghiệm, kể cả mẫu gộp, mẫu đơn…” Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Còn TP.HCM, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, những ổ dịch Covid-19 như Điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng ở G.Gò Vấp, chung cư Ehome 3 ở Q.Bình Tân, hay xưởng cơ khí ở H.Hóc Môn… thì công tác truy vết của TP.HCM được đánh giá là rất tốt và xác định được các đối tượng có khả năng khởi phát ban đầu, những đối tượng lây lan xung quanh…
Do đó, TP.HCM khoanh vùng được rất nhanh và xử lý F0, F1, F2, F3. Không chỉ tại các ổ dịch Covid-19 này, mà dịch còn lây lan ra cộng đồng xung quanh nên việc sàng lọc các vùng, địa bàn có nguy cơ liên quan các chuỗi dịch tại TP.HCM là các biện pháp mới.
“Bắc Giang, Bắc Ninh xác định là giám sát cộng đồng, còn TP.HCM xác định mức độ, tâm thế khẩn trương và quyết liệt liệt hơn ở những vùng xung quanh chuỗi dịch tại các địa phương”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Trưa 17.6: TP.HCM thêm 30 ca Covid-19, tổng cộng 1.450 bệnh nhân

Về xét nghiệm, theo ông Sơn, TP.HCM đã làm tốt, khoanh vùng khu vực dịch và mở rộng các khu dân cư liên quan. Bộ Y tế có điều chỉnh nhỏ với TP.HCM là đề xuất tận dụng tất cả mọi năng lực xét nghiệm, từ test nhanh kháng nguyên đến xét nghiệm mẫu đơn, xét nghiệm mẫu gộp đảm bảo thời gian phát hiện ra các trường hợp nghi ngờ dương tính Covid-19 một cách nhanh nhất. Vì hiện chu kỳ lây nhiễm của biến thể vi rút Delta Ấn Độ là nhanh và nhiều hơn so với các biến thể trước đây.
“Sử dụng test nhanh kháng nguyên ngay với các đối tượng tiếp xúc gần ca bệnh, thời gian 2-3 giờ. Sau khi có kết qủa test nhanh dương thì cách ly ra và làm xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn để khẳng định. Nếu test nhanh âm tính thì test gộp để quét lại 1 lần nữa. Như vậy, việc phát hiện F0 sẽ nhanh hơn so với trước đây”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Ngoài ra, TP.HCM còn kết hợp rất nhiều biện pháp, trong đó vừa xét nghiệm RT-PCR để đánh giá, kết hợp khai thác dịch tễ và truy vết. Kết hợp xét nghiệm kháng thể để đánh giá người nào đó mới nhiễm hay đã nhiễm từ trước… Viện Pasteur TP.HCM đã tham gia vào công tác này để đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM một cách hiệu quả.

Bản tin Covid-19 ngày 16.6: Ngày dịch bệnh "kỷ lục" ở TP.HCM; virus len lỏi tấn công bệnh viện

Tính đến nay TP.HCM có hơn 1.300 ca nhiễm Covid-19. Tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đang diễn biến khá phức tạp.
Sáng 17.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo, tình hình hiện nay mầm bệnh có thể vẫn lây lan trong cộng đồng. Các chuỗi lây mới phát hiện chủ yếu lây nhiễm qua các tiếp xúc gần tại nơi cư trú, nơi làm việc. Do đó để đạt hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19, trong thời gian giãn cách xã hội chúng ta cần tuân thủ đúng các quy định về giãn cách xã hội, khai báo y tế khi có nguy cơ, chủ động đi khám bệnh khi có các biểu hiện viêm đường hô hấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.