Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói về 'giai đoạn mới' trong vấn đề Biển Đông

05/08/2016 17:44 GMT+7

Việt Nam coi trọng thương lượng, đàm phán trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông nhưng không có nghĩa Việt Nam chỉ sử dụng các biện pháp này.

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung trong cuộc tiếp xúc báo chí sáng nay (5.8).
Trong bản tin của Bộ Ngoại giao về Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các Hội nghị liên quan tại Vientiane (Lào) ngày 26.7 có cho biết VN nhấn mạnh cần coi trọng đối thoại và thương lượng, bước sang giai đoạn mới để ổn định tình hình, giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982… Xin ông làm rõ thế nào là coi trọng thương lượng đàm phán và bước sang một giai đoạn mới?

tin liên quan

Tính khả thi của phán quyết về Biển Đông
Các quốc gia và tổ chức phi chính phủ có thể gây áp lực lên Trung Quốc nhằm thay đổi hành vi của họ sau phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS).
Ông Lê Hoài Trung: Trong các phát biểu của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao và các Hội nghị liên quan tại Vientiane vừa qua, chúng ta đều khẳng định lại những mong muốn của mình là đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình ổn định an ninh và hợp tác tại Đông Nam Á trong đó có Biển Đông.
Việt Nam chia sẻ lo ngại của ASEAN và cộng đồng quốc tế về những diễn biến gần đây gây căng thẳng tình hình Biển Đông liên quan đến các bồi đắp quy mô lớn, các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông… Đó là các hoạt động mà ASEAN và nhiều nước đã đánh giá là làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng trong khu vực. Chúng ta nêu quan điểm về vấn đề đó cũng như quan điểm đối với phán quyết vừa qua của Tòa trọng tài.
Với những diễn biến như vậy, Việt Nam cũng như nhiều nước mong muốn tăng cường nỗ lực để ổn định và làm lành mạnh hóa tình hình cũng như có những biện pháp cụ thể để tăng cường hòa bình, an ninh, ổn định. Đồng thời kìm chế không có những hành động làm phức tạp tình hình và có những biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình giữa các bên liên quan và đồng thời thúc đẩy công việc liên quan Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Với bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp như vậy và trên mong muốn của ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam nhấn mạnh là các bên hãy cùng nhau bước sang một giai đoạn mới trong giải quyết vấn đề Biển Đông. “Bước sang giai đoạn mới” ở đây thể hiện mong muốn và lập trường nhất quán của Việt Nam và mong muốn của các nước. Đó là trong bối cảnh có quá nhiều diễn biến phức tạp làm tình hình căng thẳng và xấu đi thì các hành động đó phải được dừng lại. Phải kiềm chế và chấm dứt những hành động làm phức tạp, căng thẳng và nỗ lực cùng nhau đi vào những biện pháp tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh như xây dựng lòng tin, các biện pháp về hợp tác, tham vấn, thương lượng hoặc công việc giữa ASEAN và Trung Quốc về DOC, COC… Đó là nguyện vọng chung và cũng là chính sách nhất quán của Việt Nam.
Còn vấn đề thương lượng song phương thì đây là chủ trương nhất quán của Việt Nam về đối thoại và thương lượng giải quyết tranh chấp. Chủ trương nhất quán của Nhà nước chúng ta là ủng hộ luật pháp quốc tế, ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc vì Luật pháp Quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc đã nêu rõ là không được sử dụng vũ lực, không gây chiến tranh. Hiến chương Liên hợp quốc nêu chỉ được sử dụng vũ lực trong 2 hoàn cảnh là tự vệ chính đáng và hành động theo các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Cho nên Hiến chương không cho các quốc gia có quyền tiến hành chiến tranh theo nghĩa chiến tranh xâm lược. Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định không được sử dụng vũ lực mà phải bằng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Vậy các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế là gì? Theo điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc là tìm hiểu sự thật, trung gian, hòa giải, thương lượng và các biện pháp về pháp lý như trọng tài hoặc các biện pháp khác như đưa ra các tòa án quốc tế. Lập trường của Việt Nam là ủng hộ tất cả các biện pháp về giải quyết hòa bình tranh chấp trong đó có biện pháp thương lượng và chúng ta cũng rất coi trọng thương lượng để giải quyết tranh chấp. Trên thực tế Việt Nam đến nay đã thông qua thương lượng và đối thoại song phương đã giải quyết được nhiều tranh chấp, nhiều khác biệt với các nước trong và ngoài khu vực cũng như các nước láng giềng. Việc thương lượng, đối thoại được thực hiện trong kinh tế, chính trị, an ninh và kể cả lĩnh vực liên quan vấn đề lãnh sự...
Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam chỉ sử dụng biện pháp thương lượng. Chúng ta cũng từng giải quyết bằng các biện pháp pháp lý khi liên quan đến tranh chấp về kinh tế. Khi nói coi trọng biện pháp thương lượng, đối thoại, có nghĩa Việt Nam coi trọng một biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp và sẵn sàng cùng với tất cả các nước, thậm chí với các tổ chức, qua đối thoại, thương lượng giải quyết các tranh chấp đó.
Cũng phải khẳng định Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm tôn trọng các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp trong đó có biện pháp thương lượng. Việt Nam sẵn sàng sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp mà mục đích là ngăn ngừa xung đột, chiến tranh đồng thời thúc đẩy quan hệ hữu nghị, thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp.
ASEAN chia rẽ sẽ dẫn đến đối đầu, căng thẳng
Những diễn biến thời gian qua cho thấy ASEAN bị tác động khá lớn bởi những yếu tố bên ngoài làm cho vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN bị suy yếu. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Lợi ích lâu dài của ASEAN cũng như của tất cả các đối tác của ASEAN đó là có một ASEAN đoàn kết, ổn định và vững mạnh. Một trong những ý nghĩa quan trọng của ASEAN và cộng đồng ASEAN đó là ASEAN là nhân tố giúp cho việc tăng cường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Nếu anh làm suy yếu yếu tố (ASEAN) đó tức là anh làm ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Đó là điều tất cả mọi người đều nhất trí với nhau.
ASEAN là yếu tố rất quan trọng đóng góp cho việc có hay không hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực kể cả đối với tình hình từng nước. Làm suy yếu ASEAN rõ ràng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực. Lợi ích sâu xa của ASEAN và các đối tác của ASEAN là muốn có hòa bình, ổn định ở khu vực vì lợi ích của chính mình thì anh phải làm cho ASEAN mạnh lên. Còn thực tế, ASEAN cũng như các tổ chức khác như Liên hợp quốc hay Liên minh châu Âu (EU)..., tổ chức nào cũng có các đối tác luôn muốn thúc đẩy lợi ích của họ, thúc đẩy vấn đề họ quan tâm. Điều quan trọng là nếu các quốc gia có suy nghĩ lâu dài thì họ phải thấy được là ASEAN vững mạnh, hiệu quả không chỉ vì ASEAN mà còn là chính vì bản thân quốc gia đó.
Nếu ASEAN chia rẽ trong tình hình phức tạp hiện nay, các quốc gia sẽ buộc phải lựa chọn các đối tác khác. Phải thấy rằng chính sức mạnh đoàn kết chung của ASEAN giúp tăng thế riêng của từng nước ASEAN để họ có khả năng độc lập hơn. Vai trò trung tâm của ASEAN giúp từng nước có tiếng nói tự quyết định trong từng vấn đề của mình, giảm bớt sự lệ thuộc vào bên ngoài. Nhưng nếu bây giờ anh làm suy yếu ASEAN thì một số thành viên ASEAN sẽ phải tìm sự hỗ trợ ở chỗ khác. Điều đó về lâu dài là không có lợi cho các nước ASEAN. Vì một số nước đi với một số đối tác này, một số nước khác đi với đối tác kia vì người ta không dựa được vào ASEAN nữa thì chính các nước ASEAN sẽ căng thẳng đối đầu với nhau, gia tăng khác biệt với nhau thì các đối tác cũng bị ảnh hưởng. Về lâu dài, các nước ASEAN phải thấy được điều đó. Anh làm cho ASEAN mạnh lên, có hiệu quả thì bản thân anh cũng mạnh lên và có thêm được cơ sở theo đuổi đường lối độc lập của mình.
Chưa có thời hạn cụ thể cho COC
Trả lời câu hỏi về việc ASEAN và Trung Quốc đã xác định được thời hạn cụ thể nào cho Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hay chưa, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết các nước ASEAN đều rất mong muốn sớm có COC. Đặc biệt ASEAN mong muốn trong năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 25 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Trung Quốc có thể cùng nhau ký được COC. Mặc dù ASEAN mong ký kết COC rất sớm nhưng hiện nay chưa có được thời hạn cụ thể do COC là quá trình giữa ASEAN và Trung Quốc bên nên muốn có được thời hạn thì phải có được sự nhất trí của cả 2 bên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.