Thứ trưởng Bộ GD-ĐT ‘truy bài’ hiệu trưởng chuẩn bị dạy học tự chọn ở lớp 10

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/04/2022 10:14 GMT+7

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khi làm việc với các trường ở Hà Nội mới đây đã có "màn hỏi đáp" để kiểm tra và "gỡ rối" cho các trường THPT khi chuẩn bị dạy học tự chọn với lớp 10.

Ngày 14.4, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dẫn đầu đoàn làm việc của Bộ kiểm tra, giải đáp những băn khoăn về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Hà Nội. Một trong những vấn đề được dư luận đang quan tâm là dạy học lựa chọn đối với lớp 10 sẽ áp dụng cho năm học tới.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trong buổi làm việc với ngành GD-ĐT Hà Nội

t.m

108 tổ hợp, phương án nào phù hợp?

Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, đồng thời cũng đại diện cho cụm các trường THPT Q.Đống Đa, cho biết với 108 tổ hợp tự chọn ở lớp 10 theo chương trình mới, các trường đã xây dựng tổ hợp tối ưu, thế mạnh của nhà trường để đưa ra phương án phù hợp với điều kiện của nhà trường để phụ huynh và học sinh nghiên cứu, lựa chọn.

Với Trường THPT Kim Liên, bà Hiền cho rằng, giáo viên các môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) đang nhiều gấp đôi số lượng giáo viên các môn khoa học xã hội. Nếu học sinh lựa chọn cân bằng các môn của cả hai lĩnh vực thì sẽ khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên.

Do vậy, bà Hiền nêu dự kiến có thể trong năm đầu nhà trường sẽ cố định số lớp dạy tự chọn khoa học tự nhiên và số lớp tự chọn khoa học xã hội căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường. Trên cơ sở số lớp như vậy, học sinh sẽ lựa chọn.

Chưa thực yên tâm với việc “dự kiến” chung về tổ hợp môn học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên cho biết đến giờ này đã có phương án cụ thể về hướng xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn hay chưa?

Bà Hiền cho biết, nhà trường sẽ xây dựng thành 3 nhóm tổ hợp các môn học lựa chọn lớn theo 3 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và năng khiếu nghệ thuật. Mỗi nhóm tổ hợp có 3 lựa chọn, do vậy, tối thiểu mỗi học sinh có 6 lựa chọn.

Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho hay, nhóm thứ 3 về lĩnh vực nghệ thuật khả năng cao năm nay trường chưa thực hiện được do chưa có giáo viên âm nhạc và mỹ thuật. “Nhà trường có thể hợp đồng thuê giáo viên 2 môn này nhưng không biết học sinh có học không để mà thuê", bà Hiền nói.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây (TX.Sơn Tây) Lương Quỳnh Lan cho rằng việc có 108 tổ hợp lựa chọn, nếu thực hiện được thì sẽ cá nhân hóa tới từng học sinh nhưng trên thực tế thì bước đầu các trường sẽ rất khó khăn khi thực hiện, giải pháp trước mắt vẫn là phân theo tổ hợp các môn thuộc hai lĩnh vực là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Mong muốn Bộ và Sở GD-ĐT sớm có hướng dẫn cho các trường trong việc thiết kế các tổ hợp lựa chọn.

Nếu có môn chỉ 4 - 5 học sinh lựa chọn thì sao?

Nếu chỉ có 4 - 5 em chọn 1 môn học nào đó thì nhà trường xử lý thế nào?”, ông Độ tiếp tục đặt câu hỏi?

Bà Lê Thị Hiền cho biết, các trường trong cụm sẽ có thể liên kết với nhau để “dồn” số ít học sinh ở cùng một môn học nào đó để tổ chức giảng dạy.

Để giải quyết thực tế chưa có giáo viên môn nghệ thuật ở THPT, ông Nguyễn Quốc Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong (H.Mê Linh), nêu giải pháp: đã trao đổi với các trường THCS trên địa bàn huyện để nếu có học sinh lựa chọn môn học này thì sẽ huy động giáo viên dạy mỹ thuật, âm nhạc ở các trường cấp dưới lên dạy; hoặc 6 trường THPT trên địa bàn huyện sẽ tập hợp học sinh ở các môn học có ít học sinh lựa chọn cũng như còn thiếu giáo viên để tổ chức lớp học theo cụm trường.

Bà Hiền cũng thay mặt các trường THPT trên địa bàn Q.Đống Đa kiến nghị Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn các trường xây dựng cấu trúc chương trình, đưa ra các phương án tổ hợp môn học tự chọn sao cho tối ưu nhất, vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của các trường.

Ông Độ cho rằng, hiện nay việc quản lý giáo dục đã chuyển từ bao cấp sang phân cấp, việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, phân phối chương trình và sắp tới là xây dựng các tổ hợp môn học thế nào, bố trí sắp xếp ra sao là quyền của các nhà trường.

Trước đây, thời khóa biểu xếp một lần và thực hiện theo nửa hoặc hết một học kỳ thì nay sẽ xếp theo tuần để đảm bảo tối đa sự linh hoạt trong bố trí giáo viên và tính liền mạch trong nội dung kiến thức của các môn học. Bộ chỉ quy định số tiết cho cả năm, còn phân chia như thế nào là quyền của hiệu trưởng, của tổ chuyên môn.

Học sinh lớp 9 sẽ được khảo sát về nhu cầu chọn môn học khi lên lớp 10 năm học tới

Đ.t. ĐẠT

Cách nào để khảo sát học sinh đang học lớp 9 sẽ chọn môn khi vào lớp 10?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặt câu hỏi: "Các trường THPT ở Hà Nội đến thời điểm này đã tiến hành thăm dò nguyện vọng chọn môn của học sinh sắp thi vào lớp 10 thế nào: có công bố công khai các tổ hợp mà trường mình có trước khi các em đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 không".

Ông Nguyễn Quốc Nam cho biết Trường THPT Tiền Phong dự kiến sẽ thăm dò nguyện vọng của học sinh bằng phát phiếu khảo sát, trước khi Sở thông báo lịch thi tuyển sinh sẽ công bố thông tin về việc tổ chức dạy học tự chọn với lớp 10 trường mình lên website của trường để học sinh và phụ huynh biết và lựa chọn phù hợp.

Hiệu trưởng Lê Thị Hiền thì cho hay, Trường THPT Kim Liên đã xây dựng xong phương án tổ hợp môn tự chọn và đang chờ Sở GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới để công bố phương án này cho người dân và học sinh biết trước khi đăng ký dự thi.

Thứ trưởng Độ đề nghị các trường THPT phải thực hiện ngay bước 1 và 2, đó là phải khảo sát nguyện vọng về môn học tự chọn khi lên lớp 10 ngay từ bây giờ với học sinh lớp 9 bằng cách gửi phiếu hỏi đến các trường THCS chứ không chờ đến lúc học sinh vào lớp 10 rồi mới khảo sát.

Dựa trên kết quả khảo sát ấy, ông Độ đề nghị các trường căn cứ vào điều kiện thực tế của trường mình, xây dựng các tổ hợp tự chọn, vừa đáp ứng tối đa nhu cầu của người học, vừa không vượt quá xa về khả năng, điều kiện tổ chức của các trường.

"Quan trọng nhất là các trường THPT cần thành lập các tổ tư vấn hướng nghiệp, giúp tư vấn cho học sinh lựa chọn cho phù hợp năng lực, sở trường của mình, tránh chọn môn học chỉ theo cảm tính", ông Độ nói.

Nhấn mạnh yêu cầu các trường có trách nhiệm công khai cho phụ huynh, học sinh biết thông tin về tổ chức dạy học lớp 10 trong năm học tới của trường mình ra sao, ông Độ đề nghị thời gian công bố nên thực hiện từ đầu tháng 5 tới, trước khi học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10.

Học tự chọn theo tổ hợp, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH có tương đồng?

Ông Nguyễn Quốc Nam cho biết, băn khoăn lớn của học sinh và phụ huynh không chỉ về tổ chức dạy học tự chọn ra sao mà còn là khi dạy học theo chương trình mới thì hình thức thi tốt nghiệp THPT sẽ ra sao; các tổ hợp xét tuyển đại học khi ấy sẽ như thế nào. Nếu tổ hợp tự chọn tương đồng với tổ hợp xét tuyển đại học thì phụ huynh và học sinh mới yên tâm lựa chọn…

Thứ trưởng Độ cho rằng đây là một câu hỏi rất thiết thực và khẳng định việc đổi mới thi cử, tuyển sinh chắc chắn sẽ phải phù hợp với đổi mới dạy học ở các trường THPT. Việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường đại học nhưng tinh thần là học sinh học theo định hướng nghề nghiệp ở THPT ra sao thì việc tuyển sinh đại học sẽ có những tổ hợp tuyển sinh tương ứng.

Từ năm học 2022 - 2023 tới, học sinh lớp 10 học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có thay đổi rất lớn. Cụ thể, thay vì học 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành, chương trình mới ở cấp THPT chỉ còn 7 môn học và hoạt động bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương.

Sẽ có 3 nhóm môn học cho phép học sinh lựa chọn (mỗi em chọn 5 môn trong 3 nhóm này) gồm: nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.