Thứ trưởng Bộ Công thương: ‘Chia sẻ sự bất tiện, nỗi khổ người dân khi mất điện’

03/06/2023 17:43 GMT+7

Thông tin về việc một số nơi đang thiếu điện cho sản xuất và đời sống người dân, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết "rất đồng cảm và chia sẻ sự khó khăn với doanh nghiệp, sự bất tiện, nỗi khổ của người dân khi mất điện".

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều 3.6, báo chí đã nêu câu hỏi về tình trạng thiếu điện với lãnh đạo Bộ Công thương.

Thừa nhận một số nơi đang thiếu điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Thay mặt Bộ Công thương, tôi đồng cảm và chia sẻ sự khó khăn của doanh nghiệp, sự bất tiện, nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt so việc không có điện”. Ông Hải cho rằng, việc mất điện chỉ xảy ra trong một thời gian nhất định, có thể một số vùng ngay tại nội thành Hà Nội và một số huyện ngoại thành.

Thứ trưởng Bộ Công thương: ‘Chia sẻ sự bất tiện, nỗi khổ người dân khi mất điện’ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

GIA HÂN

Trong 4 tháng đầu năm, tình hình cung cấp điện ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 tới nay, tình trạng nắng nóng kỷ lục đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước và có diễn biến khó lường. Dự kiến, nắng nóng sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Tình trạng này làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện, đặc biệt là phía bắc rất thấp, ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện cho mùa khô 2023, nhất là cuối tháng 5. Nguồn than nhập khẩu cũng về chậm hơn nhu cầu cho sản xuất điện.

Chính phủ ngay từ đầu năm đã nhận thấy khó khăn trong cung ứng điện. Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm bảo nguồn cung cho phát điện…

Lường trước khó khăn trong cung ứng điện vào dịp nắng nóng cao điểm, Thủ tướng đã chỉ đạo các đơn vị quyết liệt triển khai, đảm bảo cung ứng điện. Có 3 giải pháp chính đã được Bộ Công thương triển khai thực hiện.

Thứ nhất, đảm bảo tăng cường công tác vận hành hệ thống điện sẵn có, đảm bảo cung cấp nhiên liệu sản xuất điện.

Thứ hai, đưa các nhà máy điện năng lượng tái tạo trực tiếp vào lưới điện.

Thứ ba là triển khai, phát động các biện pháp tiết kiệm điện. Không chỉ thiếu điện mới tiết kiệm điện mà đây là chủ trương xuyên suốt. Tính trung bình, kết quả sản lượng tiết kiệm hàng ngày khoảng 20 triệu kWh, tương đương hơn 20% công suất hàng ngày.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng khẳng định, hiện quy mô công suất điện là 81.504 MW. Nếu không có sự cố tổ máy, đảm bảo không thiếu điện, đủ điện cho sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Liên quan đến việc giải quyết các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 15.5, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII; trong đó chỉ nêu tổng công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời dự kiến tới năm 2030 mà không nêu rõ tên cụ thể các dự án.

“Bộ Công thương đang triển khai xây dựng quy hoạch, sẽ cụ thể hóa về quy mô công suất, tiến độ theo từng địa phương để báo cáo Chính phủ làm cơ sở thực hiện”, ông Hải nói.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định, các dự án không nằm trong quy hoạch “nôm na là có vấn đề”. Bộ đã ban hành các quyết định làm cơ sở cho EVN thỏa thuận với các dự án điện chuyển tiếp, đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện.

“Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án là cần thiết, nhưng các dự án phải tuân thủ đầy đủ quy hoạch, môi trường, đất đai, phòng cháy, chữa cháy…", ông Hải nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.