Thu tiền tác quyền ở quán cà phê phải có giấy ủy quyền

05/06/2017 06:46 GMT+7

Sau khi việc thu tiền bản quyền âm nhạc với ti vi trong phòng khách sạn bị tạm dừng, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN lại bị phản ứng khi thu tiền với quán cà phê.

Đòi tác quyền mà không trưng giấy ủy quyền
Họa sĩ Vũ Huy, chủ quán Carambola cafe 103 (Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) mới đây rất ngạc nhiên khi có 2 thanh niên tới quán của ông để tống đạt yêu cầu thu tiền bản quyền âm nhạc. Văn bản này mang số 1759/CV-QTG của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), đề nghị thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả âm nhạc (lần 2), ghi ngày phát hành 26.5, có dấu và chữ ký của giám đốc là nhạc sĩ Phó Đức Phương. VCPMC cho biết đã từng gửi tới cơ sở kinh doanh này văn bản đề nghị thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả âm nhạc trong môi trường kinh doanh, nhưng cho đến ngày 14.4, VCPMC vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ sở về vấn đề trên.


Quán cà phê, karaoke cứ hỏi hợp đồng ủy quyền đâu, danh sách các bài đâu. Nếu không có đủ những văn bản đó thì không việc gì phải nộp tác quyền

Một lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả


Văn bản này nêu rõ: “Theo khoản 8, điều 28 của luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng tác phẩm âm nhạc khi chưa xin phép và trả tiền nhuận bút là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả. Mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định rõ tại điều 13 của Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Vì vậy, bằng công văn này, một lần nữa VCPMC yêu cầu đại diện cơ sở liên hệ với trung tâm để thực hiện nghĩa vụ bản quyền âm nhạc theo quy định của pháp luật. Hạn chót là ngày 19.4 (điều này mâu thuẫn với ngày ký văn bản là 26.5 - PV). Nếu sau thời hạn trên, đại diện cơ sở vẫn không phản hồi, trung tâm sẽ gửi thông báo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để đề nghị kiểm tra và xử lý hành vi xâm phạm của cơ sở”.
“Anh Phó Đức Phương cho 2 cậu đến Carambola cafe để tống đạt một yêu cầu thu tiền bản quyền âm nhạc. Ngạc nhiên thứ nhất là hoàn toàn bất ngờ. Ngạc nhiên thứ hai là chẳng có giấy tờ nào của các tác giả bài hát ủy quyền cho cơ quan anh Phương thu tiền”, ông Vũ Huy chia sẻ trên trang mạng cá nhân.
Cũng theo họa sĩ này, Carambola cafe không phải là quán cà phê ca nhạc. Quán chỉ sử dụng nhạc là các bài hát Pháp vào những năm 1930 - 1940 cho nhân viên nghe. Quán tuyệt nhiên không sử dụng nhạc sống hay nhạc Việt cho khách nghe. Ông Huy không hài lòng khi quán của ông không kinh doanh cà phê nhạc vẫn bị đòi thu tác quyền.
Bà Trần Thị Tám, luật sư về sở hữu trí tuệ, Công ty ITCom, cho biết: “Theo luật thì việc đầu tiên VCPMC phải trưng được giấy ủy quyền rằng các chủ sở hữu quyền tác giả và chủ sở hữu các quyền liên quan ủy quyền cho họ đi thu tiền ở các quán cà phê đó. Vì rõ ràng trung tâm không có quyền gì với các tài sản đó cả, mà đó là tài sản của các chủ sở hữu. Nên đầu tiên trung tâm phải trưng ra được giấy ủy quyền, sau đó thì phải chứng minh được quán cà phê đã sử dụng các sản phẩm đó. Nếu không đưa được giấy ủy quyền ra, điều gì chứng tỏ VCPMC nắm quyền đó? Chẳng hạn đã có nhạc sĩ không ủy quyền, không cho phép trung tâm này thu hộ bản quyền như nhạc sĩ Phú Quang. Nếu quán cà phê chỉ toàn bật nhạc Phú Quang, làm sao trung tâm được thu? Rõ ràng trung tâm không có quyền đại diện cho tất cả nhạc sĩ”.
Đề nghị tạm dừng thu
VCPMC cũng có bản quy định về mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc, áp dụng từ 1.10.2015. Theo đó, mức nhuận bút tác phẩm tính theo năm đối với nhà hàng, quán cà phê - giải khát. Trường hợp cơ sở có từ 1 - 30 chỗ ngồi, nếu sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm. Nếu sử dụng nhạc nền và nhạc sống (hát với nhau) sẽ phải trả 4,5 triệu đồng/năm. Với mỗi chỗ ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng/chỗ ngồi/năm.
Mức nhuận bút trên cũng được điều chỉnh trong vài trường hợp. Chẳng hạn nhà hàng tổ chức tiệc cưới thì áp dụng 65% mức nhuận bút trên, hoặc thành phố loại 1 sẽ áp dụng bằng 80% mức nhuận bút về sử dụng tác phẩm âm nhạc…
Cách áp dụng theo số chỗ ngồi này, một chuyên gia từng làm việc tại Bộ VH-TT-DL về sở hữu trí tuệ cho biết, các địa điểm cũng sẽ thu lợi khác nhau. Chỗ ăn chơi cũng khác với quán cho sinh viên hay ở ngoại ô. Chính vì thế, cách tính đổ đồng, cào bằng theo số ghế là cách tính còn đơn giản. Tốt nhất vẫn phải thu phân biệt theo tính chất, độ sang trọng, khả năng sinh lợi từ âm nhạc của quán. “Cách áp dụng chưa chi tiết đến mức độ ấy”, vị chuyên gia nói.
Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc khu vực phía nam của VCPMC, cho biết từ trước tới nay việc thu tiền bản quyền ở các quán cà phê phía nam cũng có nương theo tình hình kinh tế chung. “Nếu người ta nói chỗ của họ nói chung đang khó khăn, hay có năm tình hình kinh tế khó khăn, xem xét hợp đồng lại, thì tôi cũng đều tái ký hợp đồng là giảm chút ít cho người ta”, ông nói.

tin liên quan

Ngồi canh ti vi để thu tác quyền

Không ít lần, nhiều chương trình truyền hình đã 'quên' xin phép tác giả, thậm chí 'lờ' cả việc trả tiền bản quyền. Nổi bật mới đây là vụ nhạc sĩ Trần Lập lên tiếng việc ca khúc Người đàn bà hóa đá của anh được 'vô tư' sử dụng trong chương trình The Remix (Hòa âm - ánh sáng).

Mặc dù vậy, trong văn bản gửi tới ông Vũ Huy, VCPMC không hề thông báo việc có thể đàm phán. Hơn nữa, VCPMC trong văn bản đó còn cho rằng có thể áp dụng điều 13 của Nghị định 131/2013/NĐ-CP để phạt hành vi vi phạm quyền tác giả. Còn nhớ, về việc thu tiền bản quyền âm nhạc với ti vi trong phòng khách sạn, một lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL), nhắc đến điều 13 rằng: “Điều đó chỉ áp dụng khi người ta cố tình không nộp, còn trường hợp chưa nộp, chưa đàm phán về việc nộp tiền thì không thể áp dụng được”.
Cũng phải nói thêm, bảng giá hiện tại của VCPMC, trong đó có mức thu tác quyền với quán cà phê, cũng có mức thu với ti vi tại các khách sạn. Mới đây, VCPMC đã phải đồng ý dừng việc thu tiền ti vi do chưa hoàn thiện về mặt pháp luật. Theo con số công bố trên trang của VCPMC, năm 2016 trung tâm này thu được 2,8 tỉ đồng tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc từ quán cà phê, giải khát, không tăng so với số thu năm 2015.
Về việc thu tiền này, một lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả cho biết Bộ VH-TT-DL sẽ gửi văn bản đề nghị Hội Nhạc sĩ VN chỉ đạo VCPMC (trung tâm này trực thuộc Hội Nhạc sĩ VN) dừng việc thu bản quyền, nếu không chứng minh được ủy quyền. “Quán cà phê, karaoke cứ hỏi hợp đồng ủy quyền đâu, danh sách các bài hát đâu. Nếu không có đủ những văn bản đó thì không việc gì phải nộp tác quyền”, vị lãnh đạo này nói.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Hoan, nguyên Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết Cục chưa từng duyệt qua bảng giá thu tác quyền nào của VCPMC cho tới khi ông nghỉ hưu cách đây vài tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.