Thu Nhi bán vé số thành nhà vô địch WBO: Đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ!

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/10/2021 19:56 GMT+7

Câu chuyện về Nguyễn Thị Thu Nhi, cô bé bán vé số ngày nào thành nhà vô địch boxing thế giới WBO, khiến nhiều người nghẹn ngào. Một lần nữa, chúng ta tin rằng, giấc mơ và sự nỗ lực sẽ đưa mỗi người tới đỉnh vinh quang.

Thu Nhi, từ cô bé bán vé số tới nhà vô địch boxing WBO thế giới

chụp màn hình

Sinh ra ở An Giang, trong một gia đình khó khăn, từ nhỏ Thu Nhi đã lên Sài Gòn mưu sinh bằng đủ nghề từ bưng bê trong quán ăn tới bán vé số. Hoàn cảnh khó khăn, Thu Nhi phải ở trọ cùng bà ngoại trong gian nhà trọ ọp ẹp ở Q.11. Năm 14 tuổi, Nguyễn Thị Thu Nhi bén duyên với võ cổ truyền, sau đó từ lời khuyên của huấn luyện viên, cô chuyển sang boxing và không ngừng nỗ lực với đam mê thể thao. Trước khi giành đai boxing WBO thế giới ở tuổi 25, Thu Nhi từng gặt hái được nhiều huy chương vàng trong nước, giành đai boxing WBO châu Á – Thái Bình Dương.

Xem trọn trận quyền anh Thu Nhi thắng tay đấm Nhật Bản, giành đai WBO

Cơ duyên trong cuộc đời một người, trong giây phút ngặt nghèo, khó khăn nhất, sẽ gặp được một người định mệnh, để giúp người đó đổi thay vận mệnh của mình. Cô bé bán vé số Thu Nhi ngày xưa đã gặp được người thầy, đưa cô tới với thể thao, và khuyên cô chuyển qua boxing. Tuy nhiên, định mệnh thì chưa đủ để giúp một người trẻ trở thành một nhà vô địch WBO. Có ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ và không ngừng thôi thúc bản thân nỗ lực hơn nữa để chạm tay tới vinh quang, đó là hành trình chung mà nhiều người đã dấn thân.

Nếu chỉ nhắc tới thành tích, chúng ta sẽ thấy đó là một đường thẳng, chiều đi lên. Nhưng rõ ràng, để đạt được những đỉnh cao trong thi đấu thể thao như vậy để trở thành nhà vô địch, Thu Nhi đã phải bỏ ra không ít máu, mồ hôi và nước mắt. Với một nữ võ sĩ, số máu, mồ hôi và nước mắt này đã đổ ra, thì càng khó để đong đếm.

Thu Nhi thành công nhờ khổ luyện

nvcc

Anh Nguyễn Anh Tú, huấn luyện viên bắn súng Hải Phòng (Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hải Phòng), người theo dõi câu chuyện Thu Nhi, từ cô bé bán vé số tới nhà vô địch WBO thế giới, nói với phóng viên Báo Thanh Niên: “Trong thể thao thường có câu “khổ luyện thành tài”. Ngoài yếu tố bẩm sinh, năng khiếu, thì chính sự miệt mài, chăm chỉ, nỗ lực, không quản mọi khó khăn gian khổ chính là nền tảng, những bước đi vững chắc cho thành công sau này. Không phải chỉ chăm chỉ, nỗ lực thì thành công. Nhưng nếu chúng ta không dám “đổ mồ hôi, máu và nước mắt, có khi cả tính mạng” nữa thì chắc chắn không bao giờ thành công và vinh quang tự tìm đến với mình”.

Thể thao Việt Nam, trong tất cả các bộ môn từ bóng đá, chèo thuyền, bắn súng, thể dục dụng cụ… đều không hiếm những câu chuyện những cô bé, cậu bé trải qua tuổi thơ cơ hàn, trở thành nhà vô địch. Những giấc mơ lớn đã dẫn lối để những người trẻ vượt qua những khó khăn, cả những lúc yếu mềm, muốn gục ngã và từ bỏ tất cả, để chiến thắng chính mình, vượt qua trở ngại của chính bản thân cho tới khi trở thành một nhà vô địch của một giải đấu.

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta không hiếm gặp những thủ khoa đại học xuất thân từ những vùng quê nghèo khó, những cô cậu học trò nhịn đói đi học, ban ngày làm thêm đủ việc quét dọn, bưng bê vẫn thi đậu các trường ĐH top đầu như Y dược TP.HCM, Bách khoa TP.HCM, Khoa học tự nhiên TP.HCM… Nhiều người sau đó thành tiến sĩ, giáo sư, nghiên cứu, làm việc tại nước ngoài hay nhiều công ty lớn ở Việt Nam.

Tiến sĩ Đoàn Quang Huy

nvcc

Tiến sĩ Đoàn Quang Huy, giảng viên Trường ĐH Kinh tế và quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên), nguyên Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại thành phố Jena, Đức, từng kể với phóng viên, anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo gần hồ Núi Cốc, xóm nhỏ La Lải của tỉnh Thái Nguyên với trùng điệp những đồi chè. Tuổi thơ gian khó, hình ảnh cha mẹ vất vả bên gùi chè sớm hôm đã thôi thúc anh không ngừng học hỏi và có ngày hôm nay.

Anh tâm sự: “Ngay từ bé, tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của tri thức. Chỉ tri thức mới là chìa khóa đem lại thành công cho cá nhân tôi, cũng như giúp đất nước mình phát triển. Đó là động lực mạnh mẽ nhất để tôi học và nghiên cứu không ngừng về các lĩnh vực kinh tế, thương mại quốc tế, chính sách kinh tế…”.

Hay như chàng trai Sacien Kbuor, 9X, dân tộc Ê đê, sinh ra và lớn lên ở buôn Dhung, xã Cư M’gar, H.Cư M’gar, Đắk Lắk là một minh chứng cho việc, đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ. Năm Sacien Kbuor 2 tháng tuổi, cha anh vì tiêu chảy cấp mà qua đời, mẹ làm rẫy nuôi nấng bầy con.

Chàng trai Sacien Kbuor

thúy hằng

Vượt lên sự nghèo đói, thiếu thốn cả về y tế, giáo dục ở bản làng, với khao khát phải vươn ra thế giới, Sacien Kbuor hôm nay đã thông thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Thái Lan, Lào và đang làm phiên dịch tại một công ty lớn ở Malaysia. “Tôi muốn câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho các em nhỏ ở bản làng quê hương tôi”, chàng trai tâm sự.

Huấn luyện viên Nguyễn Anh Tú chia sẻ, cuộc sống thì luôn đa màu sắc, quan trọng là cách mỗi người đối diện vấn đề của mình và tìm giải pháp. Và dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế nào, cũng đừng từ bỏ giấc mơ của mình. Sẽ có ngày sự nỗ lực được đền đáp. Anh bộc bạch: “Nhiều người tôi gặp có những khó khăn, thiếu thốn, không chỉ khiếm khuyết về hình thể hay vật chất, mà còn thiếu vắng cả tình thương, sự động viên tinh thần. Nhưng họ đã có nghị lực phi thường để bước ra khỏi những bóng tối xám xịt đó”.

Chưa phải là những giải đấu như boxing WBO thế giới của Thu Nhi hay những kỳ thi tuyển chọn ra thứ hạng, ai cũng có thể trở thành một nhà vô địch của chính mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.