Thu nhập tăng gấp nhiều lần nhờ làm chủ

Tấn Đạt
Tấn Đạt
31/05/2022 11:43 GMT+7

Để có nguồn thu nhập cao khi chuyển từ làm công ăn lương sang làm chủ, nhiều người trẻ từng trải đã có những chia sẻ kinh nghiệm như thế nào?

Đi khắp TP.HCM, ăn hầu hết các quán nổi tiếng

Năm 2019, anh Lê Văn Quang (35 tuổi, TP.HCM) đã quyết định nghỉ công việc văn phòng với mức lương gần 15 triệu đồng/tháng để kinh doanh quán chè bưởi.

Sau 3 năm, anh Quang đã mở được 3 chi nhánh chè ở các quận tại TP.HCM (Q.1, Q.Tân Bình và Q.Bình Thạnh). Trung bình mỗi quán, anh bán hơn 150 ly/ngày (25.000 đồng/ly). Tổng lãi 1 tháng gấp ba tiền làm công trước đây.

“Chè bưởi là món vợ tôi thường nấu mời mọi người ăn. Từ đó, chúng tôi đã nghiên cứu một công thức chuẩn chung để nấu nhiều hơn. Đến nay, quán nấu hơn 2.000 nồi chè nhưng vị vẫn vậy”, anh nói.

Bỏ công việc làm công, anh Quang mở 3 chi nhánh chè lớn, nhỏ tại TP.HCM

t.đ

Anh Quang chia sẻ trước khi mở quán chè bưởi, vợ chồng anh đã đi khắp TP.HCM, đến ăn uống tại nhiều quán nổi tiếng để học hỏi cách vận hành một quán như thế nào. Sau đó, anh Quang chọn mặt bằng, chuẩn bị mọi thứ cần thiết, mở bán dùng thử, nhận góp ý, chỉnh sửa rồi mới bán chính thức.

Nguồn thu nhập tăng lên đáng kể khi anh Quang chuyển qua kinh doanh

t.đ

Từ khi chuyển làm công sang làm chủ, anh Quang cảm nhận: "Tôi không còn họp bàn giữa nhóm, đưa ra chỉ tiêu của tuần, tháng... mà những việc không tên sẽ xuất hiện, các tình huống không lường trước cũng xảy ra, giờ giấc thay đổi và lượng công việc phải làm nhiều hơn so với làm ở văn phòng trước đây".

"Trở thành chủ, ngoài việc chuẩn bị từ sản phẩm, quy trình, quảng cáo thì cái cần phải có là người đồng hành cùng vì đôi lúc bạn sẽ làm nhiều hơn 8 giờ/ngày, đồng thời ngày nào cũng là thứ hai bận rộn nếu chưa sắp xếp được quy trình làm việc", ông chủ quán chè nói.

Rồi anh Quang kể về một người bạn từng nghỉ làm công ty để theo nghề làm bánh. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 năm, người bạn này quay lại với công việc văn phòng do không thể một mình gánh vác nổi tất cả công việc khi lượng đơn hàng ngày càng tăng. “Các bạn trẻ nên chuyển đổi từng phần trước xem có quen và ổn hay không rồi mới chuyển toàn thời gian, vậy đỡ sốc hơn”, anh Quang nói.

Quán anh Quang cũng chịu trước cảnh "bão giá"

t.đ

Theo anh Quang lúc làm công thì bản thân có thời gian lựa chọn hàng hóa, đi siêu thị, so sánh giá... nhưng sau khi chuyển qua tự kinh doanh thì chỉ cần mọi thứ ổn định từ nguồn cung cấp hàng hóa, giá cả từng mặt hàng... "Ngày nay chi tiêu của khách cũng hạn chế lại nhưng chi phí nguyên vật liệu không ngừng tăng khoảng 30-40% so với mức năm ngoái", anh thông tin.

Anh Quang tâm sự: "Mở chi nhánh đầu thì 10 giờ tối là đi ngủ, cuối tuần đi chơi. Mở 2 quán thì 11 giờ 30 đã vào giấc, thi thoảng dạo quanh thành phố vào chủ nhật. Từ ngày mở 3 quán thì ngày nào ngủ sớm cũng tầm 1 giờ sáng và không còn cuối tuần nữa".

Chuẩn bị về tay nghề và định hướng phát triển

Trước khi làm chủ một studio chuyên chụp ảnh với 6 nhân viên và cộng tác viên ở Q.12, TP.HCM, anh Nguyễn Văn Đức (28 tuổi) từng là nhân viên văn phòng với mức thu nhập gần 9 triệu đồng/tháng. Theo anh Đức nếu cứ duy trì với mức thu nhập như vậy thì việc mua nhà ở TP.HCM là một điều bất khả thi.

Anh Đức làm chủ studio với 6 nhân viên và cộng tác viên

t.đ

"Với mức thu nhập của làm công ăn lương, nếu có một biến cố hoặc khó khăn ập tới ngay lập tức thì tôi sẽ bị động. Việc phát triển bản thân cũng khó khăn vì tất cả cố định và hầu như không có điều gì quá mới mẻ xuất hiện", anh Đức nói.

Ngoài làm chủ, anh Đức còn có thêm thu nhập từ việc mở các lớp đào tạo nhiếp ảnh. Hiện tại, tổng thu nhập một tháng của anh gấp 10 lần so với làm công ăn lương trước đây.

Anh Đức xây dựng thương hiệu studio chuyên chụp ảnh về Việt phục

NVCC

Theo anh Đức, để có thể làm chủ một studio tạo ra nguồn kinh tế cao thì bản thân trước tiên phải chuẩn bị tay nghề, kỹ thuật cũng như là định hướng phát triển, đồng thời tìm hiểu thị trường kỹ lưỡng.

"Tôi xây dựng thương hiệu về Việt phục nên phải tìm hiểu xem là đã có bao nhiêu người làm, bao nhiêu thương hiệu đã từng xuất hiện và biến mất. Đồng thời, tôi phải liên tục tìm hiểu kiến thức kinh doanh, trau dồi thêm kinh nghiệm để phát triển bền vững, thích nghi với thách thức và biến động của thị trường", anh Đức chia sẻ.

Ông chủ 28 tuổi chia sẻ thêm: "Khi chuyển đổi từ làm công sang làm chủ thì điều khó nhất là phải vượt qua chính mình. Do đó, các bạn trẻ hãy chuẩn bị một lượng kiến thức thật vững chắc và không ngừng học tập trau dồi mở rộng tư duy để phát triển bản thân".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.