Thử nghiệm nhiều thuốc điều trị Covid-19

Liên Châu
Liên Châu
26/11/2021 04:25 GMT+7

Sáng 25.11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành sơ kết công tác điều trị Covid-19 , định hướng chiến lược điều trị trong thời gian tới, khi ít nhất 70% dân số được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 và F0 thêm cơ hội tiếp cận nguồn thuốc điều trị.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 27.4.2021, sau đó bùng phát và lan rộng. Đến 30.9, đợt dịch này cơ bản được kiểm soát. Đây là dịch bệnh mới, luôn thay đổi về cơ chế bệnh sinh.

Trạm y tế lưu độngP.14, Q.10 (TP.HCM)phát thuốc điều trịCovid-19 cho F0điều trị tại nhà

NGỌC DƯƠNG

TP.HCM được phân bổ 120.000 viên thuốc Favipiravir để điều trị Covid-19

Molnupiravir nên được sử dụng ngay khi bắt đầu nhiễm bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin, suốt quá trình điều trị các ca bệnh Covid-19, Việt Nam đã thử nghiệm lâm sàng (TNLS) các thuốc điều trị Covid-19 như: thuốc kháng vi rút điều trị HIV, thuốc trị sốt rét, trị giun sán... Qua đó, giới y học cũng đã cố gắng xây dựng các nhóm, tổ hỗ trợ chuyên môn, tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; cập nhật, hoàn thiện dần phác đồ điều trị và đến nay Bộ Y tế đã xây dựng đến phiên bản 7.

Đặc biệt, Thứ trưởng Sơn đánh giá: “Chúng ta đã TNLS thành công thuốc Molnupiravir. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp 250.000 liều cho các địa phương. Kết quả sử dụng Molnupiravir đến nay hết sức khả quan: tỷ lệ bệnh nhân (BN) âm tính sau 5 ngày sử dụng Molnupiravir đạt từ 72 - 93%, là khác biệt ý nghĩa”. Theo kết quả TNLS, thuốc này giúp giảm tỷ lệ tử vong 50% so với nhóm không sử dụng Molnupiravir. Để hiệu quả, thuốc nên được sử dụng ngay khi bắt đầu nhiễm.

Thứ trưởng Sơn cho hay cùng với sử dụng thuốc Molnupiravir, hôm qua (25.11), 1 triệu liều thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19 từ Nhật Bản đã về Việt Nam. Lô thuốc này sẽ được phân bổ cho các địa phương, cấp cho điều trị BN Covid-19 nhẹ, đảm bảo không bị gián đoạn điều trị.

Thay đổi chiến lược, không để F0 “đứt’’ thuốc

Đáng lưu ý, chiến lược phòng chống dịch, điều trị là một trong những vấn đề trọng tâm. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết tới đây tỷ lệ ca nhiễm mới/100.000 dân không còn là chỉ số quan trọng về đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương; thay vào đó sẽ chú trọng đánh giá tình trạng các ca nặng phải nhập viện và tử vong. “Đồng thời, khuyến khích người dân tự xét nghiệm, tự phát hiện, các ca nhẹ sẽ điều trị tại nhà; các ca chuyển nặng hơn mới chuyển đến cơ sở y tế, và điều trị tại địa phương”, Thứ trưởng Sơn cho biết. Theo ông Sơn, một trong những thay đổi quan trọng về điều trị trong thời gian tới là tăng cường sử dụng thuốc kháng vi rút tại y tế cơ sở thông qua việc cấp thuốc điều trị tại nhà hạn chế trở nặng với các F0 nhẹ và không triệu chứng. Đồng thời, có chiến lược mới về cách ly, xét nghiệm phù hợp.

Việc duy trì vắc xin bao phủ đầy đủ và có thêm các thuốc điều trị hiệu quả, hy vọng Covid-19 sẽ như bệnh cúm thông thường. Vì đáp số cuối cùng của chúng ta là giảm thấp nhất các ca tử vong như các bệnh khác, dù số bệnh nhân mắc Covid-19 còn cao

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế

Theo Bộ Y tế, từ tháng 8 đến nay, khoảng 250.000 liều thuốc Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ hết cho các địa phương. Để có thể đảm bảo nguồn thuốc điều trị, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thuốc kháng vi rút được tiếp nhận từ Nhật Bản. Cũng theo ông Sơn, chiến lược điều trị tại nhà được tập trung triển khai trong thời gian tới trên cơ sở chúng ta đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin cần thiết. Dự kiến đến 30.11, chúng ta đạt tỷ lệ 70% dân số từ 18 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.

Thăm khám, chăm sóc F0 cách ly tại nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM

ĐỘC LẬP

Covid-19 sáng 26.11: Cả nước 1.168.228 ca nhiễm | F0 còn tiếp tục cao trong những ngày tới

Cảnh giác với làn sóng dịch thứ 5

Theo Bộ Y tế, ngày 24.11, cả nước ghi nhận gần 12.000 ca mắc Covid-19 mới, cao nhất kể từ ngày 18.10 đến nay. Trong đó, TP.HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Thuận, Kiên Giang... có số F0 tăng cao. Tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế chi viện 100 bác sĩ và 250 điều dưỡng cho địa phương, trong đó có 20 bác sĩ hồi sức cấp cứu. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đề nghị được hỗ trợ thiết bị y tế và thuốc điều trị. Về diễn biến này, ông Sơn nói, khi “cửa” mở ra thì nhiều thứ có thể đi vào, nhất là khi dịch bệnh này lây lan qua đường tiếp xúc. Nếu không cẩn thận, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng cao. “Bộ Y tế đã nhận được đề xuất của một số địa phương. Chúng tôi sẽ cử đoàn công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối cùng các cục, vụ liên quan của Bộ đến các điểm có tình hình dịch diễn biến phức tạp. Sau khi đoàn hoàn thành nhiệm vụ, trong tuần tới Bộ Y tế sẽ có những hỗ trợ các tỉnh tăng cường năng lực điều trị”, ông Sơn nói.

Đánh giá ca mắc sẽ không còn dựa trên xét nghiệm diện rộng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đến ngày 30.11, chúng ta chắc chắn đạt được bao phủ vắc xin với 70% dân số từ 18 tuổi được tiêm đủ liều. “Bây giờ chúng ta đánh giá ca mắc không dựa trên xét nghiệm diện rộng nữa, mà dựa trên những trường hợp có những nghi ngờ hoặc khi truy vết các F1 liên quan đến F0. Việc quan tâm hiện nay là giảm tỷ lệ BN Covid-10 chuyển nặng, giảm tỷ lệ BN nhập viện và giảm BN tử vong. Có thể trong thời gian tới sẽ lấy những vấn đề này làm tiêu chí đánh giá mức độ dịch”, ông Sơn nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, khi số ca mắc tăng, điều quan trọng là tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, sử dụng các loại thuốc đúng chỉ định một cách sớm nhất để giảm số BN nặng và tử vong. Bộ Y tế đã thống nhất với một số địa phương như TP.HCM huy động lực lượng quân đội tham gia theo dõi điều trị F0 tại nhà. Đồng thời đã có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin điều chỉnh điều 56 luật Dược để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện để Bộ Y tế cấp phép nhanh cho các loại thuốc kháng vi rút đường uống phục vụ điều trị F0.

Tại hội nghị, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bày tỏ dịch Covid-19 rất khó lường với sự biến đổi của vi rút. Nếu trong 3 đợt đầu, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Việt Nam chỉ là 0,3% với 35 ca tử vong, nhưng trong đợt dịch thứ tư (từ 27.4 đến nay), tỷ lệ tử vong hiện là 2,1% trong tổng ca nhiễm; số tử vong trong đợt dịch thứ 4 là 24.208 người, trong gần 7 tháng (tính đến ngày 25.11).

Ông Khuê cho rằng dịch Covid-19 đang được kiểm soát nhưng không chủ quan, cần hết sức cảnh giác nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 5. “Việc duy trì vắc xin bao phủ đầy đủ và có thêm các thuốc điều trị hiệu quả, hy vọng Covid-19 sẽ như bệnh cúm thông thường. Vì đáp số cuối cùng của chúng ta là giảm thấp nhất các ca tử vong như các bệnh khác, dù số BN mắc Covid-19 còn cao”, ông Khuê nhận định và cho biết thêm, cả nước có 218 bệnh viện thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nhưng các địa phương cần chủ động phương án thu dung điều trị, đặc biệt tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở, thiết lập các trạm y tế lưu động tham gia cấp thuốc, theo dõi F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.