Thủ khoa ngành sư phạm toán và bài phát biểu xúc động về nghề giáo

Hà Ánh
Hà Ánh
17/06/2019 12:25 GMT+7

Rưng rưng xúc động là những gì Bùi Đức Thiên Ngọc Sơn, thủ khoa ngành sư phạm toán, đã để lại nơi người nghe sau bài phát biểu mạch lạc, sâu sắc của mình tại lễ trao bằng tốt nghiệp.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa trao bằng tốt nghiệp cho 1.870 cử nhân vào ngày 16.6. Xếp thứ 2 trong số các thủ khoa của 34 ngành học, Bùi Đức Thiên Ngọc Sơn (22 tuổi, TP.HCM) – thủ khoa ngành sư phạm toán, được vinh danh ở vị trí á khoa đầu ra của trường trong năm nay (điểm số 3,85/4.0).

‘Hài lòng với những gì đã có sẽ là sự thất bại ghê gớm’

Lắng nghe hết 4 trang trong bài phát biểu này, người viết mới nhận ra vì sao người có cái tên khá đặc biệt này được đại diện trình bày cảm nghĩ trong số hơn 30 gương mặt thủ khoa.

 

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Sơn nói: “Ai trong chúng ta hẳn cũng từng một lần nản lòng khi so sánh bản thân với bạn đồng trang lứa, từng hoang mang khi nghe lời bàn lùi của đám đông hay khi nghe về tình trạng khó khăn của hàng loạt cử nhân ĐH sau khi ra trường… Tôi thì nghĩ rằng, hãy để bản thân được học tập không ngừng, được làm giàu tri thức, kỹ năng và nhân cách bất kể tuổi tác và điều kiện nào. Vì chỉ có như vậy, chúng ta mới đủ bản lĩnh, tiến bộ và vững vàng trước những thay đổi không ngừng của xã hội và thị trường lao động”.

 
Thủ khoa trường với đam mê vật lý
Trương Huê Bảo (22 tuổi, TP.HCM) trở thành thủ khoa toàn trường với điểm số 3.9/4.0.
Cầm trên tay tấm bằng sư phạm vật lý, tân thủ khoa cho biết bản thân đam mê môn vật lý từ nhỏ. Khi còn là học sinh lớp 12 Trường TH Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), Bảo đã thể hiện khả năng ở lĩnh vực này bằng giải nhất cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố môn vật lý. Để khi đặt bút khai hồ sơ vào ĐH, Bảo đã mạnh dạn chọn ngành sư phạm vật lý để tiếp tục niềm đam mê này.
“Vật lý học là môn học khá gần gũi với cuộc sống, những kiến thức của môn học này đều hiển hiện xung quanh ta. Có lẽ vì đó, mình yêu thích môn học này từ những ứng dụng thực tiễn của nó”, Huê Bảo cho biết.
Sinh ra trong một gia đình thuần về kinh doanh nhưng Bảo đã có sự lựa chọn riêng khi theo học ngành sư phạm. “Khi còn học lớp 10, qua những lần chỉ bài vật lý giúp các bạn trong lớp đã nhen nhóm nên mong muốn được trở thành một người thầy”, Bảo chia sẻ về ước mơ của mình.
Giờ đây, cầm trên tay tấm bằng “đỏ”, Bảo dự định sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ để có những kiến thức chuyên sâu hơn về lĩnh vực vật lý.
 

Vẫn giọng nói truyền cảm ấy, tân á khoa trường đã khiến người nghe phải rưng rưng xúc động bởi những suy nghĩ chín chắn và rất đỗi sâu sắc của mình: “Hôm nay chúng ta đã gặt hái được những trái ngọt sau 4 năm nỗ lực không ngừng nhưng có gì đảm bảo sau này chúng ta vẫn là những trái ngọt. Bốn năm qua chỉ mới là bước khởi đầu cho quãng đường rất dài phía trước, nếu chúng ta hài lòng với những gì chúng ta đã có sẽ là sự thất bại ghê gớm”.

 

Rồi thủ khoa ngành sư phạm toán nói tiếp: “Hãy vững tin rằng, sau những thời điểm khó khăn, bế tắc nhất luôn có những thành quả rực rỡ chờ đón người giàu nghị lực nhất. Bởi màn đêm tăm tối nhất của bầu trời cũng chính là khoảnh khắc trước khi bình minh lên”.

 

‘Ngày nay người thầy không chỉ dạy học…’

 

Đang chờ đợi đợt thi tuyển viên chức để trở thành giáo viên toán vào tháng 7 tới, Ngọc Sơn đã chia sẻ nhiều trăn trở về việc làm và nghề giáo thời hiện tại. Cũng như khởi đầu của sự lựa chọn này, với Sơn cũng xuất phát từ những câu chuyện rất riêng.

 

“Lớp 5 khi mình phạm lỗi, trong khi các thành viên khác trong hội đồng đều đề nghị hạ hạnh kiểm mình thì cô chủ nhiệm đã đứng ra bảo vệ vì cho rằng mình còn nhỏ, sai lầm có thể sửa đổi được. Chính cô là người đã nhen nhóm cho mình hình ảnh về người thầy có tâm. Rồi lên cấp 3, một người thầy mình hết mực yêu quý đã một lần nữa khẳng định đam mê nghề nghiệp của mình”, Ngọc Sơn, thủ khoa ngành sư phạm toán, chia sẻ.

 

Nhìn nhận về nghề giáo hiện tại, thầy giáo trẻ tương lai khá trăn trở: “Vấn đề xã hội hiện nay với công việc này xuất phát từ năng lực ứng xử của nhà giáo với các mối quan hệ bên ngoài như gia đình, người học và cả xã hội. Khác với trước đây, thầy cô hiện nay không chỉ dạy mà còn phải tham gia giáo dục học sinh. Vì vậy, người thầy phải tự trau dồi khả năng giao tiếp, năng lực ứng xử với bên ngoài bởi nếu chỉ vững kiến thức, có phương pháp sư phạm thôi chưa đủ”.

 

Từng đứng vị trí số 1 trong các cuộc thi học sinh giỏi toán cấp thành phố và quốc gia, Ngọc Sơn, thủ khoa ngành sư phạm toán,  còn có góc nhìn khá thú vị về môn học này. Theo Sơn: “Người giỏi toán không chỉ là người giải được nhiều bài tập khó, mà là người thấy được mối liên hệ giữa kiến thức toán với đời thực. Toán rất gần gũi với cuộc sống, chỉ là chúng ta đang bỏ qua mặt đó của nó”.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.