Thủ khoa 'bật mí' cách ôn thi hiệu quả: Bí quyết để điểm cao khối A1

27/04/2022 06:05 GMT+7

'Đối thoại' với môn toán, nghe và nói tiếng Anh thật nhiều thay vì cứ cắm đầu giải đề… là những cách độc đáo mà các thủ khoa năm 2021 đã áp dụng để đạt được điểm cao đáng mong đợi với khối A1.

Bí quyết ôn toán “có một không hai”

Là thủ khoa đầu vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2021, với tổng số điểm 3 môn khối A1 là 28,45 điểm (toán: 9,4; vật lý: 9,25 và tiếng Anh: 9,8), Trần Anh Tuấn khuyên các thí sinh không nên vội vàng, học lướt, học nhồi, bỏ quên cơ bản và chỉ tập trung nâng cao. Điều này sẽ làm cho kiến thức không được sâu, sau này phát hiện ra và phải ôn lại rất mất thời gian, vì thế trong quá trình ôn tập, thí sinh hãy bình tĩnh học thật kỹ, thấm sâu kiến thức cơ bản rồi mới nghĩ tới các câu vận dụng cao.

Thí sinh trao đổi về đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2021

Nữ Vương

Cụ thể hơn với môn toán, Tuấn bật mí cách ôn: “Các bạn cần làm bài tập của từng chương cho nhuần nhuyễn từ cơ bản tới nâng cao rồi hẵng nghĩ tới giải đề. Nên hoàn thành kiến thức trước tháng 5 để có thể luyện thêm nhiều đề cho quen với các dạng đề thi hơn. Nên làm những đề của Bộ GD-ĐT trước và xem, giải lại thật chi tiết những câu không làm được rồi mới đến đề thi thử của các Sở GD-ĐT”.

Cũng giống Tuấn, tập trung vào những câu dễ trước rồi mới đến các câu vận dụng cao để chắc chắn không bị mất điểm ở những câu dễ, Nguyễn Thị Thanh Bình, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2021, còn chia sẻ thêm bí quyết độc đáo giúp cô không bị nản vì quá áp lực lúc ôn thi môn toán.

Bình kể những lúc nản hay áp lực, cô sẽ nghĩ đến việc là mình học được nhiều kỹ năng từ môn toán. Chẳng hạn như học cách để có thể phân tích được một bài toán, cách giải thế này sẽ ra kết quả như thế nào… từ những kỹ năng đó sẽ giúp mình có tư duy logic hơn.

Thủ khoa Trần Anh Tuấn

“Nên em luôn tự nhủ cố gắng học tốt môn toán là để giúp mình luyện được những kỹ năng này, mà thật sự nó giúp thật (cười). Như giúp em nói chuyện một cách logic hơn, gặp một vấn đề mọi người chưa biết phải thế nào thì em biết cách phân tích và tìm được cách giải quyết. Từ đó cũng giúp em có động lực học và ôn môn toán tốt hơn”, Bình chia sẻ.

Độc đáo hơn khi Bình nói thường hay “đối thoại” với môn toán: “Mỗi lúc giải đề thường sẽ có những câu sai ngớ ngẩn, đến lúc làm lại đề thay vì chỉ giải thì em sẽ tự đối thoại với chính bài toán đó và ghi chép những cảm xúc đấy vào vở, như “có thế này mà cũng để sai” hay “sai là vì như thế này nè”… Lúc nào ôn bài, đọc lại những ghi chép này và từ đó ấn tượng. Một khi đã tạo ấn tượng mạnh với điểm sai đó, thì lần sau sẽ không lặp lại nữa. Hơn nữa, việc ghi lại cảm xúc cũng là một cách để giải tỏa áp lực của mình lúc đó”.

Cách để ôn thi mà như thư giãn

Đối với môn vật lý, Tuấn khuyên thí sinh chăm chỉ đọc sách giáo khoa và ghi chú lại những phần lý thuyết quan trọng vì những kiến thức đó rất dễ ra trong đề thi, cũng như là ghi chú lại những câu lý thuyết hay làm sai trong các đề để lần sau không sai lại. Ngoài ra cũng cần hiểu thật rõ vấn đề, rồi nhớ công thức thì làm bài dễ hơn thay vì học vẹt với áp lực phòng thi sẽ rất dễ quên và từ đó tư duy được các bài vận dụng cao.

“Tiếng Anh cũng tương tự môn toán, các bạn nên làm từng dạng bài tập riêng, ví dụ như collocations, idioms, phrasal verbs, chia thì... Ngoài ra cũng cần liên tục bổ sung thêm từ vựng để làm phần reading tốt hơn”, Tuấn chia sẻ.

Thủ khoa Nguyễn Thị Thanh Bình

Từ kinh nghiệm của điểm 10 tuyệt đối cho môn tiếng Anh, Bình khuyên thí sinh không chú trọng vào làm đề quá nhiều, chỉ ôn những phần ngữ pháp cốt lõi, còn lại nên đọc và nghe tiếng Anh nhiều hơn, để mình có thể thấm được môn tiếng Anh thì sẽ làm bài thi tốt hơn.

“Em luôn cố gắng để làm sao tiếp xúc với tiếng Anh thật nhiều, hơn là việc chỉ ngồi chăm chăm làm đề thì sẽ rất chán và nản. Khi tiếp xúc với môn tiếng Anh đủ nhiều, não bộ của mình tự khắc sẽ có linh tính để cảm nhận được đáp án nào đúng. Vì môn tiếng Anh không thiên về logic quá nhiều, mà chỉ dựa vào việc mình đọc đáp án đó nghe có quen không. Những câu về lý thuyết thì có sách, có đề để ôn hết rồi, còn những câu đánh đố thì nó thiên về cảm nhận của chúng ta nhiều hơn”, Bình “bật mí” và chia sẻ thêm: “Thật sự em biết thí sinh nào cũng sẽ như vậy, lúc ôn thi sẽ vô cùng áp lực và căng thẳng. Bản thân em luyện đề đến mức cảm thấy chán và bất bình, lúc đó thay vì học ngữ pháp hay giải đề, em chọn cách vừa học vừa tận hưởng bằng cách nghe và nói tiếng Anh thật nhiều”.

Cô nàng thủ khoa kể nguyên năm lớp 12 là đêm nào Bình cũng nằm nghe tiếng Anh: “Làm sao để cuộc sống của mình được tiếp xúc với tiếng Anh nhiều nhất có thể. Các bạn nên nghe những cái mình thích, có thể là nghe nhạc, xem phim bằng tiếng Anh… Có những video em xem cả 100 lần đến mức thuộc luôn các đoạn hội thoại. Từ đó, mình sẽ học được rất nhiều và vận dụng vào bài thi tốt hơn”.

Ngoài ra, Tuấn cũng có lời nhắn gửi là dù có căng thẳng hay áp lực ôn tập thế nào, thí sinh cũng nên ngủ sớm thay vì thức khuya. Bởi theo Tuấn, khi thức khuya nhiều, trí nhớ, sức khỏe sẽ bị giảm sút trầm trọng và đến ngày thi, phong độ sẽ không tốt làm công sức ôn thi vất vả cả năm trời như “đổ sông đổ bể” chỉ vì một phút giây mệt mỏi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.