Thủ khoa 'bật mí' bí quyết học hiệu quả

21/05/2019 08:14 GMT+7

Tại chương trình 'Đối thoại cùng thủ khoa' tổ chức vào ngày 19.5 ở TP.HCM, thủ khoa của các năm đã có những chia sẻ thú vị về bí quyết đạt được kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia.

Làm thế nào có được tâm lý thật tốt khi vào phòng thi? Học bài cày ngày cày đêm có mang lại kết quả tốt? Giải đề như thế nào để hiệu quả nhất hay chuyện yêu đương tuổi học trò có ảnh hưởng đến việc học?… Đây là những thắc mắc mà học sinh thường gặp khi bước vào mùa thi.
Tại chương trình “Đối thoại cùng thủ khoa” tổ chức vào ngày 19.5 ở TP.HCM, thủ khoa của các năm đã có những chia sẻ thú vị về bí quyết đạt được kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia.

Tin vào chính mình

Đạt được số điểm tuyệt đối (30/30) của khối B năm 2017, Đào Ngọc Minh Huy (sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho rằng điều đầu tiên giúp bạn có được kết quả này là tự biết xác định được mục tiêu của mình.

“Mình rất muốn trở thành bác sĩ nên phải thi vào y, nhưng muốn thi đậu thì phải đặt ra mục tiêu mỗi môn đạt được 9 điểm trở lên. Nghe có vẻ xa vời nhưng đó là điều bắt buộc, từ đó mình phấn đấu để đạt được điều đó. Việc đặt ra mục tiêu rất quan trọng vì khi biết được đích đến thì mới biết được bản thân sẽ phải làm gì. Không những thế, việc đặt mục tiêu còn giúp ta có thể đánh giá được bản thân đang ở đâu so với mong muốn của chính mình”, Huy chia sẻ.
Nguyễn Lê Vân (sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM), thủ khoa toàn quốc khối D năm 2015, cũng cho rằng việc đặt mục tiêu vô cùng quan trọng.
“Chúng ta phải biết mình muốn đến đâu thì mới xây dựng được lộ trình để đi đến được điểm đó. Thế nhưng nhiều bạn băn khoăn đặt mục tiêu thì nên đặt cao hay thấp? Bản thân mình quan niệm, tại sao phải tự tầm thường hóa bản thân trước khi người khác đánh giá mình? Tại sao không nghĩ đến điểm 9, điểm 10 khi chưa cố gắng hết sức, khi mình chưa thử thì sao biết được bản thân không làm được. Đừng là người đầu tiên tầm thường hóa bản thân mà phải là người đầu tiên tin vào chính mình”, Vân nói.
Chính vì thế, Vân khuyên nên đặt mục tiêu cao để bản thân có thể cố gắng hết mình. Vì mục tiêu cao là động lực giúp chúng ta đặt ra lộ trình chắc chắn và phấn đấu hết mình với nó.

Tập thi thử để làm quen với tâm lý phòng thi

Điều mà tất cả các thủ khoa tham gia chương trình đối thoại cho rằng sẽ dễ dẫn đến những kết quả không như mong muốn trong kỳ thi đó chính là vấn đề tâm lý. Vậy làm sao có được tâm lý thật tốt?
“Hầu như ai trong chúng ta khi đến kỳ thi cũng đều rất lo lắng. Hãy biến những lo lắng đó trở thành động lực để phấn đấu, để phải ôn thật chắc những kiến thức đã học. Tâm trạng thoải mái sẽ giúp chúng ta làm việc tốt hơn, đừng cố ép bản thân khi cảm thấy không còn sức, mà hãy nghỉ ngơi và làm bất cứ điều gì mình thích rồi hãy quay trở lại việc học”, Huy khuyên.
Còn Vân thì chia sẻ: “Mọi người ai cũng nghĩ thủ khoa sẽ học nhiều, nhưng thực ra mình học có kế hoạch chứ không học nhiều. Những tháng ôn thi mình vẫn một tuần đều đặn 3 buổi đi học võ, vẫn tham gia các chương trình nhảy múa của trường… Quan trọng là phải biết lập kế hoạch quản lý thời gian hiệu quả”, Vân nhấn mạnh.
Để có được tâm lý vững khi làm bài thi, từ kinh nghiệm của mình, Vân khuyên các thí sinh nên tập làm bài thi thử thật nhiều.
Còn trong quá trình giải đề hay làm bài thi thử, theo Nguyễn Thị Khánh Huyền (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), thủ khoa khối A (28,65 điểm) của trường năm 2017, thì nên cài thời gian sớm hơn ít nhất là 3 - 5 phút. “Làm như thế để tăng tốc độ giải đề cũng như tăng tốc độ phản xạ của mình. Đó cũng là khoảng thời gian để trừ hao cho tâm lý hồi hộp, lo lắng của chúng ta khi làm bài thi”, Huyền lý giải.
Có nên nói không với mạng xã hội ?
Cũng đồng thủ khoa khối A của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2017, Trương Vĩnh Lộc khuyên: “Rất nhiều bạn khi bắt đầu vào thời gian luyện thi là khóa Facebook và nói không với mạng xã hội nhưng đây là thiệt thòi rất lớn. Vì đôi khi những tài liệu, những cách học trên mạng còn quý giá hơn cả kiến thức trong sách vở. Nhiều thầy cô, nhiều chương trình livestream chia sẻ cách ôn tập, những thủ thuật giải đề nhanh… chúng ta đều có thể học được từ đấy. Và đây là cách mà mình đã áp dụng để vượt qua kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời mình”.
Lộc còn hài hước chia sẻ: “Nhiều bạn hỏi và băn khoăn câu chuyện yêu đương có ảnh hưởng đến việc học hay không. Nhưng bản thân mình từ lúc học THPT đã có một mối tình và điều đó cũng không ảnh hưởng gì nếu biết cùng giúp đỡ nhau trong việc học và là động lực để cùng phấn đấu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.