Thu hồi tài sản án tham nhũng vẫn gặp khó

20/01/2017 06:27 GMT+7

Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Vũ Quốc Doanh cho biết tài sản kê biên để đảm bảo thi hành có giá trị rất nhỏ so với nghĩa vụ thi hành án.

Trong buổi họp báo định kỳ đầu tiên, quý 1/2017 vào chiều 19.1, quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Vũ Quốc Doanh cho biết tài sản kê biên để đảm bảo thi hành có giá trị rất nhỏ so với nghĩa vụ thi hành án.
Năm 2016, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM phải thi hành khoảng 96.000 việc, đã thi hành xong gần 61.000 việc; tổng số tiền phải thi hành án gần 57.000 tỉ đồng, đã thi hành xong hơn 10.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Cục THADS TP.HCM, hai vụ án đặc biệt khó khăn, đó là vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, vụ Công ty cho thuê tài chính II (ALC II). Về vụ Huyền Như, ông Doanh nêu tổng số tiền phải thụ lý là 14.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 11.080 tỉ đồng tòa buộc sung công quỹ nhà nước vì đây là số tiền thực hiện tội phạm và thu lợi bất chính của vụ án; tiền bồi thường cho các ngân hàng, tổ chức, cá nhân hơn 2.800 tỉ đồng; án phí phải nộp gần 3,5 tỉ đồng. Nhưng đến nay chỉ mới thi hành xong phần tiền án phí, còn tiền sung công quỹ nhà nước thi hành được khoảng 219 tỉ đồng/11.080 tỉ đồng, tiền bồi thường cho ngân hàng, tổ chức, cá nhân thi hành được hơn 39 tỉ đồng/2.800 tỉ đồng; đối với vụ ALC II, ông Doanh cũng nêu tổng số tiền thụ lý thi hành gần 600 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ mới thi hành được gần 30 tỉ đồng.
Lý giải việc thu hồi ít, quyền Cục trưởng Cục THADS TP cho hay đối với vụ Huyền Như và đồng phạm, số tiền phải thi hành là 14.000 tỉ đồng nhưng tổng giá trị tiền, tài sản án tuyên duy trì kê biên, tạm giữ để đảm bảo thi hành án cho các bị cáo trong vụ án chỉ khoảng 500 tỉ đồng, hơn nữa do một phần bản án bị tuyên hủy nên chưa thể xử lý các khoản tiền, tài sản mà tòa tuyên tạm giữ, duy trì kê biên. Tương tự, với vụ án ALC II, số tiền, tài sản đảm bảo thi hành án là khoảng 65 tỉ đồng.
Tại buổi họp báo, ông Doanh cũng thông tin thêm một số vụ án tham nhũng xảy ra khá lâu nhưng Cục THADS TP vẫn chưa thi hành xong. Chẳng hạn, vụ án Ngân hàng TMCP Việt Hoa (2002) chỉ mới thi hành được hơn 288 tỉ đồng/1.824 tỉ đồng; vụ Trần Văn Giao (2004) chỉ mới thi hành được gần 2 tỉ đồng/6 tỉ đồng, 263 lượng vàng SJC/400 lượng vàng SJC… Nguyên nhân được Cục THADS tổng kết vẫn do một số tài sản của người chấp hành án nằm trong diện giải tỏa trắng, tài sản đang bị tranh chấp, nội dung án tuyên chưa rõ nên chưa thể thi hành…
Đăng báo rộng rãi về thông tin đấu giá
Trong nội dung một số giải pháp chủ yếu hoàn thành nhiệm vụ công tác 2017, Cục THADS TP nêu 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường giám sát thẩm định, bán đấu giá tài sản.
Theo ông Doanh, hiện nay dư luận đang bức xúc về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án và trong những cuộc họp liên quan, các cơ quan thẩm quyền đều nêu tình trạng “quân xanh, quân đỏ” lộng hành làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá. Cục THADS TP hy vọng khi luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành (1.7.2017) sẽ công khai minh bạch hơn.
Tuy nhiên, ông Doanh cho biết giải pháp trước mắt là tháng 12.2016 vừa qua, Cục THADS TP đã ban hành một văn bản gửi đến các chi cục, cơ quan chuyên môn yêu cầu thực hiện ngay một số vấn đề nhằm hạn chế mức thấp nhất các sai phạm cũng như các tiêu cực có thể xảy ra. Chẳng hạn, hiện nay luật không quy định việc đăng thông tin bán đấu giá tài sản trên báo nào nhưng Cục THADS TP yêu cầu phải đăng thông tin trên những tờ báo uy tín, được bạn đọc chú ý đến nhiều nhất.
“Chấm dứt thực trạng đăng trên một số tờ báo người dân ít biết hoặc không biết; ngoài ra, thời gian bán hồ sơ mua đấu giá tài sản phải kéo dài ít nhất 30 ngày để người dân thực hiện quyền của mình. Nếu có phản ánh không mua được hồ sơ của công ty bán đấu giá thì ngay lập tức phòng kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo phối hợp ngay các bộ phận có liên quan, Sở Tư pháp để làm rõ…”, ông Doanh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.