Thu hồi nợ đọng thay vì tăng thuế

01/11/2018 03:48 GMT+7

Nợ đọng thuế tính đến hết tháng 9.2018 đã lên tới gần 83.000 tỉ đồng, trên 42% trong số đó không có khả năng thu hồi.

Vẫn còn thêm một quý cuối cùng của năm để ngành thuế nỗ lực, nhưng gần như chắc chắn đưa tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% như mục tiêu Chính phủ đề ra hồi đầu năm là rất khó.
Có thể nhận thấy, ngành thuế đã rất nỗ lực trong việc thu hồi nợ thuế trong thời gian qua bằng nhiều giải pháp đôn đốc, quản lý, cưỡng chế... Giải pháp "bêu tên" các doanh nghiệp (DN) chây ì trước đây chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội thì nay đã được nhiều tỉnh, thành áp dụng. Thế nhưng nợ đọng, đặc biệt là nợ không có khả năng thu hồi vẫn tăng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, do nhiều người nộp thuế đã chết, mất tích, phá sản...
Các nguyên nhân này đều đúng, nhưng nếu ngành thuế và các cơ quan có thẩm quyền tiền kiểm, hậu kiểm đầy đủ, thường xuyên, chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều. Thực tế hàng thập niên qua, có tình trạng các đối tượng lợi dụng việc thông thoáng trong thủ tục về thành lập, kinh doanh, tạm ngừng, giải thể, phá sản DN… để thành lập, điều hành nhiều DN. Sau đó, lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản để gian lận trốn thuế.
Có DN lại dùng kế "kim thiền thoát xác", hiểu nôm na là nợ thuế, đóng cửa DN để né thuế rồi thành lập DN khác tiếp tục hoạt động. Con số DN thành lập và DN phá sản, mất tích ở nhiều giai đoạn cũng phần nào phản ánh điều này. Hoặc những DN nợ thuế hàng trăm tỉ đồng, nợ nhiều tháng, nhiều năm nhưng không phải vì khó khăn, không có tiền mà là ôm tiền đi đầu tư dự án mới. Tình trạng này khá nhiều trong lĩnh vực bất động sản, không chỉ khiến ngân sách thất thu mà còn gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Còn nhớ cuối năm 2017 khi nợ đọng thuế gia tăng, liên quan đến việc cung cấp thông tin, phối hợp quản lý DN, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư nói về tình trạng này và đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thành lập, quản lý DN để khắc phục tình trạng DN lợi dụng gian lận. Từ đó đến nay, không biết việc phối hợp giữa 2 bộ thế nào nhưng kết quả thì như nói trên, tình trạng nợ đọng thuế và nợ không có khả năng thu hồi vẫn gia tăng.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, Bộ Tài chính liên tục đề xuất, điều chỉnh 5 sắc thuế gồm GTGT, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên, thu nhập cá nhân, thu nhập DN. Trong đó có những sắc thuế nếu tăng sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới đời sống người dân, giá cả hàng hóa, hoạt động của DN. Nên thay vì nhăm nhăm tăng thuế, Bộ Tài chính nên tăng cường quản lý và tìm các giải pháp thu hồi nợ thuế hiệu quả hơn. Cách này vừa tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch mà lại không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tận mâm cơm của mỗi gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.