Thứ hai là... 'ngày tồi tệ nhất tuần' ?

Thanh Nam
Thanh Nam
24/10/2022 14:36 GMT+7

Nhiều người trẻ ta thán cảm thấy thứ hai chính là ngày mệt mỏi nhất trong tuần. Để rồi họ nhận định thứ hai chính là... “ngày tồi tệ nhất tuần”. Điều này liệu có đúng?

“Giá như đừng có... thứ hai”

Mới đây, trên trang Twitter của Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới có bài đăng: “Chúng tôi chính thức công bố danh hiệu ngày tồi tệ nhất trong tuần thuộc về thứ hai”. Bài đăng này đã khiến dân mạng nói chung và người trẻ Việt Nam nói riêng bấm yêu thích “ào ào” bày tỏ quan điểm đồng tình. Bởi với họ, thứ hai chính là ngày khiến họ mệt mỏi, stress nhất.

Trang Twitter của Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới có bài đăng cho rằng ngày tồi tệ nhất trong tuần thuộc về thứ hai

CHỤP MÀN HÌNH

Nhưng vì sao thứ hai lại là “ngày tồi tệ nhất tuần”? Trần Anh Tín (30 tuổi), nhân viên làm việc tại Công ty công nghệ thông tin tin học Việt, Q.6 (TP.HCM) lý giải: “Vì thứ hai là ngày bận bịu với cả đống công việc ngổn ngang. Từ việc họp hành, xử lý công việc tồn đọng của tuần trước, cho đến việc đề ra những kế hoạch phải làm trong tuần mới... nên cảm thấy chán chường và căng thẳng”. Tín cũng nói, không riêng gì bản thân anh, mà với nhiều người khác, đặc biệt là những người chung cơ quan, cũng gật gù đồng ý: “Không thích ngày thứ hai”.

Theo Lý Thị Quỳnh Trân, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, nếu như có một khảo sát với giới trẻ, thì chắc hẳn ai cũng đồng tình với lựa chọn: “Thứ hai là ngày đem lại tâm trạng khó chịu nhất”. “Dù là sinh viên hay là người đi làm, thì cũng đều chán ghét thứ hai. Cảm giác mệt nhoài và không hạnh phúc với ngày thứ hai”, Trân nói.

Chính vì cảm giác đó, nên với nhiều người trẻ, họ thú thật thứ hai là ngày khiến họ ngột ngạt, làm việc không có hiệu quả năng suất lao động cao. Sự chán chường làm bản thân trì trệ, không có sự hứng thú, không có năng lượng để toàn tâm toàn ý với công việc, học tập. Và rồi, họ chỉ mong “giá như đừng có... thứ hai”.

“Nếu như một tuần mà không có ngày thứ hai thì tốt biết mấy. Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước. Tuần nào cũng bắt đầu bằng thứ hai. Đành chỉ biết chấp nhận và vượt qua cái “ngày tồi tệ nhất trong tuần” chứ không có cách nào khác”, Dương Huyền Ly (34 tuổi, quản lý của Công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM), than thở.

Còn Phạm Thanh Nhàn (26 tuổi), nhân viên một công ty bất động sản trên đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp (TP.HCM), chia sẻ: “Tôi thích nhất ngày thứ sáu. Vì sau ngày thứ sáu là được trải qua hai ngày nghỉ cuối tuần. Còn “ớn” nhất là ngày thứ hai vì lại phải bắt đầu một tuần mới với đầy rẫy công việc vây quanh”.

Trên mạng xã hội Facebook, vào những ngày thứ hai đầu tuần cũng xuất hiện hàng loạt trạng thái cho biết: “cảm thấy chán ghét ngày thứ hai”, “cảm thấy xuống tinh thần vì thứ hai lại đến”...

Nhiều trạng thái ta thán cảm thấy mệt mỏi vì ngày thứ hai

CHỤP MÀN HÌNH

Vì sao “ghét” thứ hai?

Nói về tâm lý chán chường ngày thứ hai của nhiều người, thạc sĩ tâm lý Huỳnh Thị Như Ái (Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM) phân tích: “Đó là vì sự thay đổi trạng thái của bản thân. Sau hai ngày thứ bảy và chủ nhật được nghỉ ngơi, không phải đến trường, đến công ty, quen thuộc với hoạt động vui chơi, giải trí, ngủ nghỉ... nên khi phải trở lại với guồng quay công việc của một tuần mới, họ bị ảnh hưởng bởi những dư âm lắng đọng của hai ngày cuối tuần. Từ đó, họ cảm thấy ủ rũ, mệt mỏi, buồn rầu, chán nản, dễ cáu gắt với bạn bè, đồng nghiệp. Tâm trạng uể oải này là điều khó tránh khỏi”, bà Ái nói.

“Đặc biệt với những người còn vướng phải những bài tập chưa làm xong, những công việc còn tồn đọng của tuần trước, thì càng có hội chứng ghét ngày thứ hai, xem thứ hai là ngày đáng chán. Vì họ sợ sếp (với những người đã đi làm) khiển trách, sợ bị thầy cô (với người còn đi học) kiểm điểm, cũng như tự bản thân thấy áp lực khi chưa xử lý hoàn thành những nhiệm vụ được giao”, bà Ái cho biết thêm.

Hãy suy nghĩ lạc quan, mường tượng những điều tốt đẹp để vượt qua tâm lý chán ghét ngày thứ hai

X.P

Để không còn “ghét” thứ hai, cũng như có động lực làm việc hiệu quả vào ngày đầu tuần, bà Ái cho rằng tự mỗi người cần phải xốc lại tinh thần, vực dậy bản thân, đề ra những mục tiêu cụ thể trong tuần mới, và nỗ lực hoàn thành. Khi đó sẽ vượt qua được sức ì tâm lý.

“Ngoài ra, nếu như sáng thứ hai thức dậy sớm, hít thở sâu, nghe một bài nhạc yêu thích, suy nghĩ tích cực, mường tượng đến những điều tốt đẹp như: sẽ bắt đầu một tuần mới làm việc năng suất cao, sẽ hoàn thành xong bài đồ án, sẽ học thật tốt... thì cũng góp phần lấy lại tinh thần, tạo động lực cho một ngày thứ hai suôn sẻ, sẽ tìm được những niềm vui, những sự hứng khởi. Qua đó sẽ không còn những nỗi ám ảnh về ngày thứ hai”, bà Ái chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.