Thời 'tự sản tự tiêu'

Ngày nay, nhiều bà con ta có khuynh hướng tự trồng rau sạch trước sân nhà hay trên sân thượng để ăn và biếu xén bạn bè.

Người ta chỉ cần một khoảng trống có ánh nắng soi vào để đặt một số thùng móp hay thau chậu hoặc be một bờ gạch sát vách nhà, đổ đất xốp vào là có thể trồng đủ thứ cải bẹ xanh, cải ngọt, rau dền, rau muống... Ai có được khoảng sân thượng lớn thì bắt giàn, giăng dây kẽm trồng mướp, bầu, bí xanh.
Mua rau Đà Lạt hoặc rau hữu cơ thì được thôi nhưng bà con có lúc cũng ngại đi siêu thị. Cũng có nhiều người trẻ khởi nghiệp muốn bán rau hữu cơ, rau sạch sinh học nhưng cửa hàng của họ ở đâu thì không có thông tin cho biết.
Ra chợ mua rau hay chờ những xe rau bán dạo vào khu phố thì đơn giản, cần là có nhưng bà con lại ngại mua phải rau không sạch, từng bị xịt thuốc sâu rầy, bón phân hóa học hoặc tưới bằng... nhớt xe cũ. Cho nên tốt hơn hết, bà con tự trồng rau quả, tự chăm sóc để dùng cho gia đình và để an tâm là mình đang ăn rau sạch.
Khuynh hướng tự sản xuất - tự tiêu thụ này có vẻ không phù hợp với một nền nông nghiệp sản xuất lớn khi hàng hóa tiêu dùng không thiếu, chợ búa phát triển nhiều nơi. Tuy nhiên, nó được coi là phản ứng tích cực và cần thiết bởi những người sản xuất vì chạy theo số lượng, lợi nhuận mà sử dụng những chế phẩm độc hại để trồng ra rau bẩn đầu độc người tiêu dùng.
Báo chí đã lên tiếng nhiều lần về cách trồng rau muống tưới nhớt xe cũ, cách muối dưa cải bằng chất vàng ô cho màu đẹp, cách rậm giá nhanh khi dùng thuốc kích thích của Trung Quốc. Bỏ ra năm, bảy ngàn đồng để mua một bó rau bẩn, bị dùng thuốc kích thích thì ai cũng phiền lòng, bực bội.
Trong vòng mươi năm trở lại đây, những nhà sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm tự do đã tự hại sự nghiệp của mình. Lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, các chủ trại heo đã dùng chất salbutamol kích thích cho heo mau lớn, tạo nạc nhanh khiến thịt heo trở thành bất thường chỉ đầy nạc mà ít mỡ.
Con heo nếu nuôi theo bài bản là 4 tháng 7 ngày mới đạt khoảng 100 ký đúng tiêu chuẩn xuất chuồng trong khi chủ heo dùng salbutamol thì thời gian rút xuống dưới 4 tháng. Nhiều thương lái thu mua heo đòi cung cấp salmutamol cho chủ trại mới chịu mua heo và tất nhiên, mua với giá rẻ hơn.
Trong chế biến thịt heo, nhiều chủ lò mổ bơm nước vào con heo hoặc cho heo ăn thực phẩm pha trộn thuốc dexamethasol để heo giữ nước, tăng ký. Họ bỏ tí tiền ra mua chuộc một số nhân viên thú y làm công tác quản lý thực phẩm nên trên tảng thịt heo nào cũng có dấu mực lăn của kiểm soát thú y.
Thịt bẩn được hợp thức hóa mang ra cung cấp cho các chợ nhỏ, cửa hàng bán cơm, bếp ăn tập thể. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của thứ thịt bẩn này. Nhiều người nghèo, công nhân không có thì giờ đi chợ, sinh viên, học sinh nội trú đã phải ăn thứ thịt bẩn đó, quanh năm.
Chúng ta không lấy làm lạ vào năm 2017 này, ngành nông nghiệp đã phải lên tiếng kêu gọi nhân dân chung tay giải cứu thịt heo. Ngoài hai lý do trực tiếp là người nuôi thấy nuôi heo quá dễ nên ai cũng muốn tăng đàn và đường xuất khẩu tiểu ngạch bị đóng cửa thì còn một lý do tâm lý khác: Người tiêu dùng nội địa sợ ăn nhầm thịt bẩn.
Thịt heo đã bị mang tiếng xấu từ lâu rồi. Công ty Vissan TP.HCM từng từ chối mổ thịt và cho tiêu hủy ngay mấy trăm con heo vì đàn heo này đã bị cho ăn thuốc kích thích tạo nạc. Hành động dứt khoát và rạch ròi như vậy là nhằm bảo vệ thịt heo sạch và các sản phẩm chế biến từ thịt sạch đã làm nên thương hiệu Vissan.
Tháng 5 vừa qua, Q.Bình Thạnh đã tổ chức ra một cửa hàng bán thịt heo sạch, giá rẻ hơn giá ngoài chợ để phục vụ bà con lao động nghèo. Thế nhưng, TP.HCM có đến 24 quận huyện, trên 10 triệu dân mà chỉ có mỗi một quận nghĩ ra được việc tổ chức cửa hàng này thì quá ít. Nghĩa là ở nơi này nơi khác vẫn còn có những lò mổ heo lậu sẵn sàng mua heo bệnh, heo “quá khổ” (trên 120 ký, theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc nhưng... hổng mua), giết mổ ở những chỗ dơ bẩn rồi bán ra thị trường.
Nghĩa là người có thiện chí cùng ngành nông nghiệp “giải cứu thịt heo” rất muốn tiêu thụ thịt giúp bà con chăn nuôi nhưng vẫn sợ... thịt bẩn. Trong khi đó, quản lý thị trường và các chốt kiểm soát thú y vẫn bắt được những xe tải nhẹ chở thịt thối, lòng ươn...
Trồng mớ rau xanh để lo món rau cho gia đình thì nhiều hộ có thể tự làm được nhưng nuôi một con heo để gọi là “tự sản tự tiêu” thì khó. Ở vùng nông thôn đất rộng, bà con có thể nuôi vài ba con gà con vịt nhưng ở nội thành thì đừng nói đến nuôi heo. Cho nên, để thịt sạch chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, chúng ta chỉ còn biết mong những người chăn nuôi và chế biến thịt hãy đặt lương tâm nghề nghiệp lên hàng đầu, không chăn nuôi và chế biến mất vệ sinh, mất an toàn thực phẩm.
Giá heo hơi rẻ nên một số bà con trong xóm mua heo về tự mổ, bán lại cho hàng xóm với cái giá nhẹ nhàng hơn ngoài chợ. Hình thái này dù không phải là tự sản nhưng tự tiêu thì có lẽ đã đúng rồi. Cả khu phố ủng hộ, nhà nào cũng đến mua. Đó cũng là hành động tích cực giúp người chăn nuôi, phục vụ và tương trợ hữu hiệu cho bà con khu phố mình. Ăn được cọng rau sạch, miếng thịt sạch là hạnh phúc gần gũi nhất đối với mỗi đời người.
Tôi nói vậy, có phải không thưa bà con?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.